.

Khát nước giữa mùa mưa

.

Dù đang là mùa mưa, người dân ở tổ 4 và 5 Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu vẫn thiếu nước sạch để dùng. Người dân cho biết, tình hình này đã kéo dài khoảng 3, 4 tháng nay...

Mô tả ảnh.
Gia đình ông Nguyễn Tấn Thi tranh thủ hứng nước để dùng lúc cắt nước. (Ảnh chụp lúc 10 giờ sáng ngày 25-12).

Nước ơi, chảy đi!

Gia đình ông Nguyễn Tấn Thi (52 tuổi) ở tổ 8, Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu phải thực hiện “chính sách” tiết kiệm nước tối đa. Bởi mấy tháng nay, nước máy của nhà ông cũng như của hơn 160 người ở tổ của 40 hộ thuộc 2 xóm Gò Gai và Cây Cốc tổ 4 và tổ 5 Khánh Sơn bị cắt liên tục. Chúng tôi có mặt ở nhà ông trong sáng 25-12, vừa huy động tất cả xô, chậu, thùng ra hứng nước, ông vừa than thở: “Khổ quá, một ngày nước máy chỉ chảy 60 phút: 30 phút buổi chiều, 30 phút buổi sáng, mà cũng chỉ chảy nhỏ giọt nên phải tranh thủ hứng cho đầy”.

Nhà ông có 6 người, bình thường mỗi tháng đóng tiền nước khoảng 35 ngàn đồng (theo giá cũ). Ông cho biết, vì nước chảy nhỏ giọt, không đủ dùng nên mỗi tháng phải mua thêm 2 bình, mỗi bình 20 lít (13 ngàn đồng/bình) về sử dụng.“Không có nước khổ lắm, mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn hết.Quần áo không dám thay nhiều, tắm rửa cũng phải hạn chế tối đa để dành cho ăn uống”.

Đối diện nhà ông Thi là nhà anh Võ Tấn Phát (47 tuổi) làm nghề sửa chữa xe máy. Chỉ cách nhà ông Thi có mấy bước chân mà nhà anh Phát lại không hề có một giọt nước nào, nhưng nghịch lý là dù không có nước để dùng nhưng đồng hồ nước vẫn chạy và tất nhiên, anh Phát vẫn cứ phải… nộp tiền đều đều. “Đấy chị xem, mấy tháng nay vòi nước mở có chảy đâu mà hóa đơn tiền nước cứ đưa về và tôi vẫn phải nộp, trong khi đó vẫn phải mất tiền mua nước về dùng” - anh Phát bức xúc nói. Đi sâu vào con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, chúng tôi lại bắt gặp cảnh người dân khổ sở đi xa để xin nước về dùng hoặc đi mua nước bình không bảo đảm chất lượng với giá không hề rẻ.

Do sửa chữa định kỳ?

Đi qua nhà trẻ của chị Lê Thị Đào (29 tuổi, ở tổ 4, Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam), chúng tôi thấy chị đang dè xẻn từng ít nước để rửa mặt cho các cháu. Chị than thở: “Mấy tháng nay không có giọt nước máy nào, đành phải đi xách nước giếng về dùng. Nước giếng ở đây không bảo đảm chất lượng, chỉ dùng để giặt giũ là chủ yếu”. Người dân nơi đây cho biết, chuyện thiếu nước của 40 hộ có thể được chia làm 3 giai đoạn. Từ tháng 7 đến tháng 10: Thời gian được cấp nước từ 2 đến 5 giờ sáng; trong tháng 11, cả tuần chỉ cấp nước được 4 tiếng cũng vào thời gian trên và từ đầu tháng 12 đến nay, họ được cung cấp nước sạch trong vòng 1 giờ/ngày.

Khu vực này chỉ cách bãi rác Khánh Sơn khoảng 1km, do vậy nước giếng bị ô nhiễm nghiêm trọng, nên người dân cũng không thể dùng để tắm, giặt hoặc ăn uống. “Hóa đơn không đưa, nước cũng không có, chúng tôi đã gọi điện lên Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Đà Nẵng. Lúc đầu thì họ bảo do nhà chưa đóng tiền nước, sau thì nói để lên xem thử. Cách đây ít lâu, có người ở công ty lên hỏi thăm nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì” - chị Đào nói.

Ông Nguyễn Xí, Tổ trưởng tổ 4, Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam nói: “Chúng tôi nhiều lần kiến nghị lên Công ty Cấp nước, nhưng họ nói nơi này độ dốc cao nên nước không lên đến. Thế tại sao lúc mới bắc nước máy thì nước chảy rất tốt, không gặp sự cố gì. Mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp chứ cứ cúp như ri thì chết khát thôi”.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng lại cho rằng: Việc cắt nước chỉ diễn ra khoảng 10 ngày nay và nguyên nhân là do việc sửa chữa định kỳ tại Nhà máy cấp nước Sân bay. Công ty cũng đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để bà con thông cảm. Hiện công ty đã đưa máy bơm di động và nối thêm 300m đường ống để cấp nước cho dân. Theo ghi nhận của phóng viên, đến chiều 26-12, tình trạng cắt nước ở hầu hết các hộ dân đã được cải thiện, nước chảy mạnh hơn và liên tục. Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn lo ngại tình trạng này liệu chấm dứt chưa?

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.