.

Nghị lực phi thường của chàng trai tật nguyền

.

Bỏ qua sự mặc cảm của số phận, Mai Đình Liêm (SN 1967, trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu) quyết chí xin đi học nghề may mặc rồi bôn ba vào nam lập nghiệp. Với người bình thường, học được nghề may đã khó, người tật nguyền còn khó khăn hơn gấp bội. Thế nhưng, vượt qua những nghiệt ngã của cuộc đời, chàng thanh niên ấy không những đã học nghề thành thạo, mà còn trở thành một thợ may khá nổi tiếng ở thành phố Đà Nẵng hiện nay.

 Ngã rẽ cuộc đời…

Mô tả ảnh.

Anh Mai Đình Liêm đang chăm chú cắt may bộ thời trang của khách hàng mới.

Sinh ra là một cậu bé bụ bẫm, song khi chưa tròn một tuổi, Liêm bị một cơn sốt co giật, gia đình gắng chạy chữa thuốc thang chỉ giữ được tính mạng, Liêm phải mang thân hình tàn tật, đôi vai lệch một bên. Đến tuổi đến trường, Liêm nhỏ thó so với các bạn. Bỏ qua nỗi mặc cảm, bằng những bước chân khập khiễng, Liêm cũng cắp sách đi học như chúng bạn. Liêm tâm sự: Thời đi học, tôi chỉ làm bạn với sách vở. Nhìn bạn bè chơi đùa, nhiều lúc tôi ứa nước mắt tủi phận. Sau ngày đất nước thống nhất, cha đã không dưới 2 lần đưa tôi đi chữa bệnh, nhưng tất cả đều vô vọng. Thương cha, tôi luôn tự nhủ không thể để cha khổ tâm vì mình mãi như vậy. Mỗi lúc trốn vào một góc nhà để khóc vì tủi thân, mặc cảm, tôi biết cha mình cũng đang đau đáu nỗi xót thương con. Vì vậy, tôi đã cố gắng để vươn lên…

Với hình dáng không được bình thường như mình, dù học có giỏi đến mấy thì cũng khó mà xin được việc làm đàng hoàng. Với ý nghĩ đó, Mai Đình Liêm chọn cho mình một lối đi riêng. Học xong lớp 9, Liêm quyết định theo thầy học nghề may. Liêm được một thợ may nổi tiếng ở Đà Nẵng lúc đó nhận vào học. Liêm cho biết, lúc mới vào học, cứ tưởng thầy sẽ không tôn trọng mình vì mình không bình thường như các học viên khác. Nhưng trái lại thầy rất cảm mến và tận tâm chỉ bày. Với sự chăm chỉ, cố gắng và khéo tay, chỉ sau một năm, Liêm đã có tay nghề vững vàng để ra riêng lập nghiệp…

Đi làm thuê để... trở thành ông chủ

Mai Đình Liêm tâm sự: Những năm 1990 của thế kỷ trước, thời trang ở Đà Nẵng chưa có đất dụng võ, vì lo cái ăn nên mọi người chưa để ý đến vấn đề làm đẹp. Sau khi học thành nghề, tôi quyết định vào thành phố Hồ Chí Minh để lập nghiệp. Lắm khó khăn khi một người tật nguyền đi xin việc làm, song Liêm thuyết phục người chủ bằng đôi bàn tay khéo léo của mình. Làm thuê được 5 năm, Liêm quyết định bỏ nghề may thông thường để theo học nghề may veston. Đạp xe đạp 20km mỗi ngày là điều không dễ với người thanh niên này. Nhưng bằng tấm lòng say mê học nghề, Liêm vượt qua tất cả. Số tiền dành dụm trong 5 năm làm thuê không đủ trả tiền học phí, Liêm đành nhận làm người cắt hàng mẫu cho các hãng quần jeans. 

 Liêm nhớ lại: “Chỉ một người ra mẫu mà biết bao người ráp hàng. Bởi vậy để cho nhanh, mình xếp mấy lớp vải chồng lên nhau rồi dùng kéo cắt. Phải nghiến răng, trợn mắt mà cắt lớp vải dày mấy cm, và phải làm nhanh nếu không thì không kịp hàng. Sau mỗi ngày làm việc, đôi tay tê đỏ như không còn cảm giác gì. Nghề này hái ra tiền, có ngày tôi làm được gần 5 phân vàng. Nhưng sức bỏ ra quá nhiều nên sau khi kiếm đủ tiền để trang trải cho việc học nghề  may veston, tôi bỏ hẳn công việc này”. 

Năm 1998, Liêm mở tiệm may đồ veston tại thành phố Hồ Chí Minh và bắt đầu ăn nên làm ra. Thế nhưng, năm 2003, Liêm quyết định từ giã miền đất hứa để trở về quê cũ. Hỏi lý do vì sao, Liêm chia sẻ: “Quê hương, cha mẹ đều ở xa nên dù thành công, mình vẫn chỉ là kẻ lạc lõng ở mảnh đất ấy. Trao lại tiệm may cho đứa học trò có tâm huyết, tôi an tâm để về quê bắt đầu lại từ đầu”. 5 năm sau khi trở về, công việc của Liêm bắt đầu phát triển và đến đầu năm 2010, anh thành lập Công ty thương mại và dịch vụ Hảo Phú Gia. Anh tâm sự: “Đà Nẵng đang phát triển từng ngày và nhu cầu làm đẹp trong đời sống ngày một cao hơn.  Cái nghề làm đẹp của tôi trở nên phát triển”.

Đến nay, anh Mai Đình Liêm đã có một cơ ngơi đàng hoàng, tên tuổi không kém gì những tiệm may nổi tiếng khác. Đều khiến cho mọi người khâm phục hơn chính là ngoài những người thợ được tuyển dụng, anh còn nhận dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho nhiều trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt. Anh tính nhẩm rằng, cho đến nay cũng đã nhận, đào tạo cho gần chục trường hợp như vậy có công ăn, việc làm. “Những em ấy có hoàn cảnh đáng thương, lại đam mê nghề may nên mình giúp đỡ trong khả năng mình cho phép. Tôi chẳng bao giờ giấu nghề mà dạy các em bằng tất cả tâm huyết, chỉ mong sao các em giữ mãi được nhiệt huyết với nghề”, anh Liêm chia sẻ.

Kể về trường hợp đặc biệt nhất là cậu học trò nói ngọng và bị điếc, anh Liêm hóm hỉnh: Mỗi lần chỉ bày cho nó là như la hét vậy. Nó bị nặng tai nên mình phải nói thật lớn. Lúc nó hỏi mình hay diễn đạt ý, chờ nó nói xong là mình phát mệt. Nhưng cu cậu lại hay nói nữa mới chết chứ. Cũng nhờ vậy mà dù học mệt, cậu bé vẫn cười tươi. Đến giờ thì nó đã ra riêng, mở một tiệm may nho nhỏ, kiếm đủ tiền để trang trải qua ngày...
Chia tay anh Mai Đình Liêm, tôi thật sự khâm phục con người tật nguyền này, một con người không biết khuất phục số phận, xứng đáng làm tấm gương sáng cho bao hoàn cảnh soi vào để học tập, làm người.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.