.

Ngóng xuân...

.

“Tết này con sẽ về mẹ nhé!” - Chị Lê Thị Kim Phượng-công nhân một xí nghiệp dệt may trong khu công nghiệp Hòa Khánh-báo tin vui với mẹ. Khá nhiều công nhân ngoại tỉnh vất vả suốt năm trời dành dụm, mong chờ tết đến để được sum họp cùng gia đình. Trong lòng họ vừa vui sướng vừa háo hức và ngổn ngang những nỗi lo...

Mô tả ảnh.
Làm việc vất vả cả năm, công nhân xa nhà chỉ mong được về quê ăn Tết với gia đình.

Mong xuân đừng đến sớm...

Mâu thuẫn là vừa ngóng xuân nhưng lại mong mùa xuân đừng đến sớm! Chị Lê Thị Kim Phượng (23 tuổi, quê ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), người có 2 năm ăn Tết xa quê, bộc bạch: “Cuối năm, doanh nghiệp nhận đơn hàng nhiều, mình tranh thủ tăng ca để thêm tiền về quê ăn Tết. Nhiều lúc mệt quá, về đến nhà là ngủ thiếp đi nhưng nghĩ đến cái Tết được ở bên người thân, lại phải cố gắng hơn nữa”. Phượng nhẩm tính: Cả đi và về hết khoảng 1 triệu đồng, rồi còn tiền quà bánh, tiết kiệm lắm cũng hết 2 triệu đồng. Làm công nhân ở một doanh nghiệp dệt may với thu nhập khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng cộng với tiền thưởng Tết được gần 1 triệu đồng nữa nếu không tăng ca thì làm sao đủ. “Bởi vậy, vừa mong về Tết lắm nhưng lại muốn có thêm thời gian để kiếm chút tiền, về Tết chẳng lẽ không có đồng nào thì ngại lắm” - Phượng bộc bạch.

Chiều chạng vạng, chúng tôi đến xóm trọ nhỏ gần khu công nghiệp An Đồn gặp chị Nguyễn Thị Loan (45 tuổi, ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) vừa đi làm về. Đã 2 lần “nhảy” việc, hiện chị làm công nhân cho Công ty TNHH Lộc An (Khu công nghiệp An Đồn, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) chuyên sản xuất các vỏ nhựa, chai pet. Chị cho biết: “Lương được hơn 2 triệu đồng, nghe nói tiền thưởng Tết được tháng lương thứ 13 nên mình cũng đỡ lo”.  Vừa lúc đó, bà chủ nhà trọ gọi thu tiền nhà, chị lại thở dài. “Đó chị thấy không, một tháng hết 400 nghìn tiền phòng, còn tiền điện, nước, tiền ăn nữa nên cũng không dành dụm được bao nhiêu. Bởi vậy, cuối năm đơn hàng về nhiều, ai cũng cố gắng làm chăm chỉ” - chị nói. Chồng bỏ đi, đứa con trai đang tuổi ăn tuổi học gửi lại mẹ già nơi quê nhà, chị dự định sẽ mua cho con chiếc xe đạp để đi học xa đỡ vất vả. Chị cho biết: Dù rất nhớ con nhưng chị dự định sẽ làm đến sát Tết mới về nhà.

Muôn nỗi lo

Bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn được, vẫn còn những doanh nghiệp gặp khó khăn trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt. Và theo đó, công nhân của họ khi nghĩ đến Tết là… “mơ về nơi xa lắm”. Chị Lê Thị Thúy (25 tuổi, quê ở Thanh Hóa), hiện là công nhân của công ty S.C ở quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng lo lắng: “Em nghe nói hiện giờ công ty gặp nhiều khó khăn không có tiền thưởng Tết, Công đoàn công ty chỉ tổ chức liên hoan bánh kẹo. Nếu vậy thì chúng em không có đủ tiền để về quê, đành ở lại đây ăn Tết”. Không chỉ có chị Thúy mà khá nhiều công nhân ở công ty này ở xa quê cũng đang mơ có một chiếc vé xe để về quê ăn Tết. “Bọn em chỉ mong có chút tiền thưởng Tết để về quê mà công ty thì lương còn nợ làm sao có tiền thưởng” - Chị Trần Thị Lệ - công nhân trong công ty này - cho biết.

Bên cạnh đó, ở khu công nghiệp Hòa Khánh, khá nhiều đơn vị chăm lo rất tốt đến đời sống công nhân như: Tặng quà vào dịp Tết, lễ, thăm ốm đau, thưởng Tết cao… Đặc biệt, một số doanh nghiệp còn cho xe đưa đón công nhân về quê ăn Tết. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên thành phố… cũng có những hoạt động hỗ trợ công nhân đón Tết, vui xuân hằng năm. Giám đốc một công ty ở quận Hải Châu nói vui: “Lo Tết cho công nhân cũng chính là lo cho công ty đó thôi. Nếu muốn sau Tết, đội hình “vũ như cẩn” thì cách tốt nhất là thưởng Tết, lo Tết cho công nhân thật chu đáo”.

Bài và ảnh: Phương Trà

;
.
.
.
.
.