Ngày 2-12, trong phiên thảo luận tại các tổ và tại hội trường, các đại biểu HĐND thành phố cũng như các đại biểu khách mời đã có những ý kiến đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thành phố, không chỉ trong năm 2011 mà cả giai đoạn 2011-2015.
Cần tập trung phát triển các dịch vụ du lịch
Chiều ngày 2-12, các đại biểu HĐND biểu quyết thông qua Nghị quyết của HĐND thành phố. Ảnh: MỸ HẠNH |
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thu cho rằng: Năm 2010, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bước sang năm 2011, trước nguy cơ lạm phát sẽ tăng cao thì để đạt chỉ tiêu GDP từ 13,5 - 14,5%, đề nghị UBND thành phố cần có những giải pháp đột phá, quyết liệt hơn để phát triển kinh tế. Liên quan đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nêu trong báo cáo của UBND thành phố, trong đó có việc tập trung phát triển dịch vụ, nhất là các loại hình có lợi thế như du lịch, đề nghị HĐND thảo luận những giải pháp thúc đẩy phát triển lĩnh vực này. Trong những năm qua, du lịch thành phố đã đạt kết quả khả quan nhưng ngành Du lịch cần chú ý đến những vấn đề như: Giải pháp lưu giữ du khách ở lại dài ngày tại thành phố, xây dựng sản phẩm du lịch, các địa điểm vui chơi giải trí, tăng cường quảng bá du lịch và cơ chế phối hợp giữa các điểm du lịch ở miền Trung.
Đề cập đến việc phát triển du lịch, ĐB Phan Văn Chương cho rằng, có nhiều công trình du lịch đã và đang triển khai nhưng khách tham quan khi đến Đà Nẵng vẫn không có nhiều sản phẩm để mua sắm; hàng lưu niệm để quảng bá về Đà Nẵng còn ít, chưa hấp dẫn. Trong các dự án phát triển du lịch thời gian đến, cần tận dụng và khai thác những điểm du lịch như: sông Hàn, vịnh Đà Nẵng…
ĐB Huỳnh Minh Nhơn cũng thừa nhận, du lịch Đà Nẵng còn hạn chế; khách du lịch đến Đà Nẵng thiếu các điểm vui chơi, mua sắm. Khó khăn của ngành Du lịch trong những năm đến là việc thu hút nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển của các dự án đầu tư du lịch sẽ hoàn thành. Thảo luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết khẳng định, với khoảng 189 khách sạn, khu nghỉ mát thì Đà Nẵng hoàn toàn đủ nơi lưu trú cho khách và thành phố cũng được chọn là địa điểm để tổ chức các sự kiện lớn về văn hóa, du lịch của cả nước. Đến nay, việc kết nối du lịch với các tỉnh khác đã được chú trọng hơn chứ không manh mún như trước. Thành phố đang tiếp tục mở các đường bay quốc tế để thu hút thêm nhiều du khách đến Đà Nẵng. Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh cũng thừa nhận, Đà Nẵng thiếu các điểm mua sắm tập trung. Do vậy, trong thời gian đến, thành phố kêu gọi đầu tư xây dựng khu vực Sân vận động Chi Lăng trở thành khu thương mại tập trung cho người dân và du khách mua sắm.
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông Phạm Kim Sơn cho rằng, cùng với các loại hình dịch vụ là thế mạnh của thành phố, thì cũng tính toán đến phát triển dịch vụ chất lượng cao; trong đó có dịch vụ công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin. Ông Phạm Kim Sơn băn khoăn rằng, với tốc độ đầu tư cho phát triển công nghệ cao, thì vốn như vậy là chưa thỏa đáng. “Khu Công nghiệp Công nghệ cao chỉ bố trí 35 tỷ đồng, Khu Công nghiệp Công nghệ thông tin chỉ 30 tỷ đồng, chủ yếu chỉ để giải tỏa, đền bù (45 tỷ đồng -PV) là chưa tương xứng. Trong khi đó, năm 2001 tổng doanh thu của Công nghệ thông tin chỉ là 100 tỷ đồng, nhưng đến năm 2010 lên đến 1.700 tỷ đồng” - ông Phạm Kim Sơn nhấn mạnh.
“Năm giải tỏa, đền bù, tái định cư và an sinh xã hội”
Đây là vấn đề được các ĐB tập trung thảo luận tại các tổ. Đa số các ĐB thừa nhận, việc đưa ra sớm chính sách đã có tác động mạnh mẽ đến việc thực hiện trong năm qua. “Nhiều khu vực giải tỏa, đền bù và tái định cư nếu không có sự quyết liệt sẽ không thực hiện được” - ông Võ Văn Thương, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ nhìn nhận.
Tuy nhiên, các ĐB cho rằng, còn nhiều vấn đề bức xúc trong đời sống cần có sự giải quyết nhanh chóng và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng; trong đó có nguyên nhân một số dự án “treo” vẫn còn nhiều, ảnh hưởng đến đời sống an sinh xã hội. Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Quang Nga phản ánh, trong thời gian qua, công tác tái định cư tiến hành không nhanh là do một số Ban Quản lý dự án thiếu dân chủ trong việc thực hiện quy trình thống nhất với nhân dân, nhất là về kiểm định, áp giá đền bù. “Giá đền bù thấp nên người dân chần chừ, việc chỉ đạo giá không thống nhất nên có hộ chấp hành tốt thì giá thấp, hộ kỳ kèo thì lại được hỗ trợ thêm. Giá đền bù đất nông nghiệp hiện nay còn thấp, đề nghị điều chỉnh giá đền bù đất nông nghiệp năm 2011 phải cao hơn năm 2010” - ĐB Nguyễn Quang Nga đề nghị. ĐB Nguyễn Xuân Hạnh cũng cho rằng, cần thống nhất giá đền bù đất nông nghiệp với giá đất bố trí tái định cư, nếu tăng phải tăng cả hai.
Trước những vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh lý giải, hiện thành phố cũng đã ban hành hai mức giá, người dân có thể chọn phương án giá đền bù đất nông nghiệp theo mức cũ tương ứng với mức giá đất tái định cư tương đương hoặc có thể chấp nhận giá đền bù đất nông nghiệp theo mức cao hơn nhưng cũng với mức giá đất tái định cư cao hơn. Đối với vấn đề này, có hộ dân lựa chọn phương án 1 nhưng cũng có hộ chọn cách thứ 2.
ĐB Nguyễn Thu đề nghị cần đánh giá lại kết quả thực hiện chủ đề năm 2010 “Năm giải tỏa đền bù, tái định cư và an sinh xã hội” từ đó chỉ ra hạn chế, tồn tại để khắc phục.
Quy hoạch phải thực sự hướng đến đô thị văn minh.
Nhiều ý kiến phản ánh về việc xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà họp thôn trong khu dân cư, nhất là ở những khu dân cư mới. ĐB Huỳnh Minh Nhơn nhấn mạnh, nhu cầu xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà họp thôn rất bức xúc, hiện có nơi có đất để xây dựng nhưng xin thành phố lại rất khó khăn. ĐB đề nghị HĐND nghiên cứu kỹ vấn đề này. Liên quan đến vấn đề này, ĐB Hoàng Văn Thắng cho rằng, nhà sinh hoạt cộng đồng lâu nay nói nhiều nhưng mới dừng lại ở việc làm điểm ở cấp quận. Qua thực hiện cho thấy chủ trương làm điểm chưa thật sự hiệu quả; do vậy, đề nghị các cơ quan chức năng rà soát lại diện tích đất ở các khu dân cư, nếu còn đất thì giao cho quận xây dựng, chỉ cần khoảng 50-70m2 cũng có thể xây nhà sinh hoạt cộng đồng, còn nếu xây cả 1.000m2 thì chưa thật đúng mục đích. Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành Đoàn cũng nêu lên bức xúc, nơi sinh hoạt của thanh-thiếu nhi ở khu dân cư, nhất là nơi vui chơi của thiếu nhi còn đang nan giải. Đây là vấn đề không chỉ bức xúc trong sinh hoạt cộng đồng dân cư, mà cả đối với các chi bộ, các hội, đoàn thể ở khu vực dân cư. Bức xúc vấn đề này, Chánh Thanh tra thành phố Phan Tấn Tuyền nhấn mạnh: Nếu nhà tôi rộng thì tôi cũng không cho làm những chuyện này!
Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh giải thích, sau khi thí điểm việc xây dựng một số nhà sinh hoạt cộng đồng thì thấy không phát huy hiệu quả, có nơi người dân đến nhưng cũng có nơi ít sử dụng, làm xong rồi để đấy. Chủ tịch Trần Văn Minh cho biết, UBND thành phố đang xem xét việc đầu tư xây dựng các mẫu nhà đa năng, vừa để sinh hoạt cộng đồng, vừa tránh bão, lũ, làm nơi chứa lương thực, thực phẩm…, như vậy sẽ hiệu quả hơn việc xây nhà sinh hoạt cộng đồng cả nghìn mét vuông như hiện nay.
Ngoài vấn đề trên, nhiều ĐB đề nghị xem xét lại quy hoạch các khu dân cư mới và các khu chỉnh trang, làm sao để khớp nối hoàn chỉnh, chứ như hiện nay, việc khớp nối chưa làm tốt nên hệ thống thoát nước thải, nước mưa hoạt động không hiệu quả, có thể gây ngập úng, ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, các dự án chỉnh trang đô thị, tái định cư cần tính toán làm dứt điểm từng dự án, tránh dàn trải kéo dài làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Nhiều ý kiến đề nghị thành phố cần quan tâm đến quy hoạch các bãi đỗ xe. ĐB Hoàng Văn Thắng cho rằng, với đà phát triển của phương tiện giao thông hiện nay thì Đà Nẵng sẽ đối mặt với nguy cơ ách tắc giao thông. Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh thừa nhận, hiện nay, bãi đỗ xe công cộng đang là vấn đề bức xúc mà trước đây chưa nhìn tới. Với tốc độ phát triển phương tiện giao thông cao như hiện nay, thành phố đã đưa ra giải pháp là làm các bãi đỗ xe ngầm ở những khu nhà cao tầng. Ngoài ra, thành phố đã giao cho Sở Giao thông-Vận tải nghiên cứu việc xây dựng các điểm đỗ xe lộ thiên cùng với việc đầu tư, phát triển hệ thống giao thông công cộng, phải có nhiều giải pháp đồng bộ như vậy thì mới giải quyết được vấn đề ách tắc giao thông trong những năm đến.
Ô nhiễm môi trường cần giải quyết tận gốc
ĐB Nguyễn Quang Nga cho rằng, thành phố mới chỉ giải quyết ô nhiễm ở những điểm nóng chứ chưa triệt để trên khắp thành phố. Môi trường nước, đất, không khí vẫn còn ô nhiễm nặng, điển hình như ô nhiễm ở mỏ đá Phước Thuận khiến cho nhiều hộ dân sống chung quanh bị ảnh hưởng. ĐB Phan Văn Chương đề cập đến tình trạng ô nhiễm ở Âu thuyền Thọ Quang và đề nghị cần nghiên cứu thông dòng chảy từ âu thuyền ra sông Hàn. ĐB Hoàng Văn Thắng đề nghị cần có giải pháp căn cơ hơn để giải quyết ô nhiễm ở Âu thuyền Thọ Quang. Theo đó, nếu cứ để chợ cá hoạt động tại đây thì khó giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm. Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh cho biết, thành phố đang nghiên cứu phương án bơm nước hai chiều từ âu thuyền ra sông Hàn và ngược lại. Trước mắt sẽ tiến hành bơm hút đẩy ra sông Hàn, nếu thành công sẽ không làm trạm bơm đẩy nước vô âu thuyền. Ngoài ra, đồng chí Trần Văn Minh khẳng định, trạm xử lý nước thải ở khu dịch vụ thủy sản Thọ Quang tuy xây dựng không hiện đại bằng công nghệ ở công trình khác nhưng lại có hiệu quả tốt trong việc xử lý mùi hôi và nước thải. Riêng đối với vấn đề xử lý môi trường ven sông Phú Lộc, thành phố đang triển khai dự án cải tạo cảnh quan hai bên bờ sông cùng với việc xử lý nước thải theo dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên của Ngân hàng Thế giới (WB)…
Phân cấp cho Sở Y tế hay các quận, huyện?
Đây là vấn đề “nóng” trong cuộc thảo luận ở tổ ĐB quận Hải Châu và Cẩm Lệ dưới sự chủ trì của ĐB Ngô Văn Dũng. Theo ĐB Ngô Văn Dũng việc bố trí ngân sách cho các quận, huyện sẽ tạo điều kiện cho các quận, huyện nhiều hơn, giảm áp lực cho Sở Y tế trong vấn đề này, giống như việc phân cấp đồng bộ đối với ngành Giáo dục. Tuy nhiên, lãnh đạo các địa phương cho rằng, như thế sẽ không đồng bộ. Ông Võ Văn Thương, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ đề nghị, cần phân cấp tài chính cho Sở Y tế sẽ tạo sự đồng bộ đối với việc phân bổ nhân sự. “Ai nắm quyền thì người đó nắm tiền”-Ông Võ Văn Thương ví von. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của ông Huỳnh Phước, Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ; bà Lê Thị Hường, Giám đốc Sở Tài chính… Các ý kiến không đồng tình thì cho rằng, việc giao phân bổ tài chính cho Sở Y tế sẽ gây khó khăn cho việc quan tâm đến chính sách y tế đồng bộ ở cơ sở. “Kinh phí trước đó giao cho các quận, huyện thì thuận lợi trong việc quan tâm đến các Trung tâm Y tế, nhưng giao cho Sở Y tế sẽ khó cho hoạt động” - Bà Đoàn Võ Kim Ánh cho biết. Khó khăn ở đây liên quan đến định mức cho cơ sở không tăng!
Nhóm P.V Thời sự-Chính trị