.

Những căn hộ siêu chật - Bài 2: Hơn 40 người chen chúc dưới mái nhà 35,75m2

.
 
Chúng tôi đi tìm nhà ông Ngô Long ở sâu trong kiệt 125 đường Ngô Gia Tự (tổ 2, phường Hải Châu 1), đến nơi nhìn thấy ông quen quen, hỏi ra mới biết ông còn có tên là Quốc băng-rôn, một người nổi tiếng trong bài viết “35 năm làm nghề… treo băng-rôn” đăng trên Báo Đà Nẵng ngày 9-8-2010 và ngỡ ngàng khi được biết cả đại gia đình ông với hơn 40 người đang chung sống dưới mái nhà cấp 4 rộng 35,75m2 do bố mẹ ông để lại.
 
Mô tả ảnh.
Mỗi căn phòng rộng bằng một chiếc chiếu (1,2m x 1,6m) là tổ ấm của mỗi hộ gia đình.
Ông Quốc băng-rôn là con trai cả, vì đông con, năm 1990 ông được bố mẹ cắt riêng 1/3 căn nhà cấp 4 mái tôn, thấp lè tè, với bề ngang 2m, sâu 5,5m. Ông có tất cả 6 người con, 1 dâu, 3 rể và 9 đứa cháu nội, ngoại và căn phòng rộng 11m2 này là nơi ăn ở, sinh hoạt, ngủ nghỉ cho 17 người. Vì nhà chật nên 4 cặp vợ chồng ngày ngày đi làm, tối về ăn cơm xong là đi thuê phòng trọ riêng để ngủ, có gia đình phải đi thuê trọ ở xa cho đỡ tiền nhà, riêng những đứa cháu đang đi học tại Trường THCS Trưng Vương, tiểu học Phù Đổng và mầm non ở gần đó thì tối về ăn cơm, học bài, ngủ nghỉ tại nhà rộng 11m2 của ông bà.
 
Ngày ngày, ông Quốc đi treo băng-rôn, nhờ công việc này, ông đã nuôi 6 đứa con khôn lớn và các con, cháu của ông giờ có nhiều người theo ông đi treo băng-rôn kiếm tiền đắp đổi cuộc sống qua ngày. Vợ ông hiện đang đau nặng với đủ thứ bệnh trong người, nhưng bà cũng lặn lội làm các món sắn, khoai đem ra phố bán kiếm thêm tiền mua gạo, thức ăn qua ngày.
 
Mô tả ảnh.
Ban ngày 6 gia đình sử dụng làm bếp nấu ăn, còn ban đêm đây là chỗ ngủ của 5 người. 
 
Ở phần căn nhà còn lại, bề ngang chỉ 4,5m, sâu 5,5m, ngoài gian thờ, phần còn lại được chia đều 6 phòng, đủ cho 6 gia đình em trai, gái của ông ở. Phần phòng khách rộng khoảng 5m2 trước gian thờ ban ngày làm nơi nấu ăn cho 6 gia đình, còn đêm về là phòng ngủ của 5 người hộ bà Ngô Thị Xí (51 tuổi, bán vé số vỉa hè) cùng chồng là Trần Văn Tới (52 tuổi, làm nghề xe ôm) và các con là Trần Văn Lợi (18 tuổi, làm lao động bốc vác) và 2 cháu - con của chị Trần Thị Ly (28 tuổi, công nhân dệt) và Trần Thị Lỳ (26 tuổi, bán hàng rong) đang học Trường tiểu học Phù Đổng, còn bố mẹ và em của các cháu phải đi thuê nhà trọ ngủ qua đêm.
 
Ở phía đối diện có 3 phòng, diện tích chỉ đủ kê 1 chiếc giường hoặc trải chiếu đệm cỡ 1,2m x 1,6m. Phòng trong cùng là nơi tá túc của 5 cha con ông Ngô Châu (42 tuổi, lái xe tải) với 3 đứa con đang học ở Trường tiểu học Phù Đổng và đứa con trai lớn mới 19 tuổi nhưng đã bỏ học 4 năm nay để theo phụ bố bốc vác bình gas lên xe tải, còn vợ ông thì không chịu nổi với cảnh nghèo đã bỏ đi. Còn 2 phòng trệt và 2 phòng trên gác, sát mái tôn nhà là tổ ấm của 4 gia đình: Ngô Soạn (56 tuổi, làm nghề phụ hồ), có vợ là Phạm Thị Đằng (52 tuổi, thợ đụng), con trai là Ngô Hoàng Vũ (30 tuổi, lao động phổ thông); Ngô Tuấn (42 tuổi, bị bệnh thần kinh do tai nạn giao thông), vợ là Lê Thị Thanh Thúy (40 tuổi, tàn tật) và 2 người con là Ngô Lê Thúy Trinh (học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Hiền), Ngô Lê Thúy Nhạn (học sinh lớp 8, Trường THCS Trưng Vương); Ngô Thị Nga (47 tuổi, buôn bán vỉa hè), 3 người con tuổi từ 16 đến 21 đã bỏ học đi làm bốc vác, 1 đứa đang học lớp 1…
 
Tối đến cả hai nhà chật ních người, ai đi về sau thấy không còn chỗ ngủ là quay ra đi tìm thuê phòng trọ để ngủ. Những tháng cận Tết trộm cắp xe đạp, xe máy nhiều, thế là toàn bộ xe cộ phải dắt vào nhà, chỗ ngủ vốn đã chật nay càng chật hơn. Ông Quốc cũng tâm sự: “Đi treo băng-rôn tuyên truyền về chủ trương “3 có” của thành phố, cả gia đình tôi mừng lắm. Năm vừa rồi có đi xin hồ sơ mua căn hộ chung cư, nhưng tiền đóng trước cao quá, không lo đủ. Mong thành phố cứu xét cho chúng tôi được thuê căn hộ chung cư, để cho các con, các cháu có chỗ ngủ qua đêm, có chỗ học hành”.

Vì điều kiện có hạn, chúng tôi chỉ mới phản ánh hoàn cảnh sống, nỗi khó khăn, khổ cực của 3 gia đình, đại gia đình có đông người phải sống trong căn nhà siêu chật. Có lẽ nếu làm cuộc điều tra rộng rãi trên toàn thành phố sẽ còn có rất nhiều gia đình, đại gia đình tương tự và có lẽ họ cũng đang rất mong thành phố có chính sách giải quyết, giúp đỡ về chỗ ở.
 
Trong quá trình tìm hiểu, tiếp cận với các gia đình có đông nhân khẩu, sống trong những căn nhà siêu chật, phóng viên Báo Đà Nẵng đã nhận được rất nhiều phản ánh về việc tách diện tích cho con cái gặp khó khăn, nhiều trường hợp các Phòng Tài nguyên-Môi trường quận không giải quyết. Thực tế, khi đất đai ngày càng cao giá, nhiều gia đình nghèo ngày càng đông người và chật chội do cưới vợ về cho con rồi không có tiền để mua đất, làm nhà riêng, có nguyện vọng tách diện tích đất, nhà ở hiện có cho con cái. Theo quy định, thửa đất có diện tích 30m2 trở lên và có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3m trở lên mới được công nhận đất ở, tách thửa và có điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, còn có điều kiện về kích thước độ rộng của lối đi… Theo tìm hiểu của chúng tôi, đối với những trường hợp có diện tích dưới 30m2 nếu đã có nhà riêng biệt thì có thể tách diện tích được. Tuy nhiên, các hộ dân cần đăng ký tiếp dân với lãnh đạo các quận để trao đổi, xem xét cụ thể, có chủ trương, chỉ đạo thực hiện tách diện tích. 
Bài và ảnh: Hoàng Hiệp
;
.
.
.
.
.