Vào thời điểm cuối năm, với sự gia tăng mạnh nhu cầu sửa chữa, xây dựng nhà ở của người dân, sa tặc lại hoạt động ngang nhiên, nhất là trên sông Yên (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang). Sau 5 ngày vây bắt quyết liệt, lực lượng chức năng đã tạm giữ được 4 thuyền hút cát trái phép. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát vẫn diễn ra hết sức phức tạp...
Chống trả quyết liệt
4 giờ 30 ngày 10-12, sau khi nhận được tin báo của lực lượng dân phòng, tổ tuần tra do anh Nguyễn Văn Dũng - Phó trưởng Công an xã Hòa Tiến - làm tổ trưởng nhanh chóng tiếp cận với những con thuyền đang nổ máy inh ỏi, cắm “vòi” xuống lòng sông hút cát ào ạt lên thuyền.
Thấy đội tuần tra, các thuyền này bỏ chạy tán loạn. Khi bị vây đuổi, chủ thuyền mang số hiệu ĐNa 0055 hung hãn điều khiển phương tiện tông thẳng vào thuyền của lực lượng chức năng làm 3 công an xã Hòa Tiến bị thương là anh Nguyễn Chiến, Nguyễn Văn Dũng và Ngô Văn Trà. Anh Chiến kể lại: “Biết là không chạy thoát, chúng liều lĩnh tông thẳng vào thuyền của chúng tôi. Bỏ mặc chiếc thuyền sắp chìm, cả đội quyết nhảy lên thuyền, áp sát đối tượng và khống chế, cuối cùng chúng đành phải khuất phục”.
Liên tiếp những ngày sau đó, với quyết tâm cao, lực lượng chức năng đã vây bắt tiếp các thuyền ĐNa 0299, ĐNa 0312 và 1 thuyền không có số hiệu. Những thuyền này cũng chống trả quyết liệt với tư thế “không còn gì để mất” với lực lượng chức năng.
Bên cạnh việc khai thác cát tại khu vực nằm sát với trụ điện của đường dây điện 500kV, các thuyền này còn hút cả đất cát hoa màu, gây sạt lở đồng ruộng của người dân Hòa Tiến. Chỉ vào đám ruộng bị sạt lở, bà Tán Thị Liếu (55 tuổi) ở thôn Bắc An, xã Hòa Tiến, than thở: “Nhà tôi có 6 sào ruộng trồng đậu phụng, nay đất bị sạt lở hơn 1 sào. Trước đây, đất canh tác rất tốt, không có chuyện bị lở thế này. Do mấy thuyền hút cát ven sông khiến đất bị xói lở”. Không chỉ đám ruộng của bà Liếu mà ruộng của nhiều người dân nơi đây cũng bị sạt lở như hộ ông Nguyễn Xuân, Nguyễn Tài, Nguyễn Mùi… ước tổng cộng khoảng hơn 20ha của gần 100 hộ dân thuộc các thôn Thạch Bồ, Bắc An, Cẩm Nê…
Một người dân ở đây cho biết: Nhiều lần chúng tôi đã phản ứng với các thuyền hút cát trên sông nhưng chỉ nhận được những lời đe dọa, khiêu khích như: Có muốn hút cát sập bờ sông không? Công an cũng không sợ...
Làm sao để xử lý dứt điểm?
Nạn khai thác cát trên sông không phải chỉ ngày một, ngày hai mà đã tồn tại dai dẳng từ nhiều năm nay. Và cũng không phải chỉ trên sông Yên mà cả ở sông Túy Loan, sông Cu Đê cũng xảy ra tình trạng này. Tại sao vấn đề này các cơ quan chức năng đã biết nhưng vẫn chưa thể xử lý triệt để? Chỉ riêng trên sông Yên đã có khoảng trên 20 thuyền hút cát dưới lòng sông hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm. Một chiếc hút khoảng 3-4 lần trong 1 ngày, 1 thuyền có thể chứa khoảng 25-30m3 cát/1 lần hút.
Ông Ngô Văn Trà, Công an xã Hòa Tiến cho biết: “Lâu nay, việc ngăn chặn thuyền hút cát trên sông chủ yếu do Công an xã đảm nhận. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, chúng tôi cũng đã đuổi, đẩy hàng trăm lần nhưng rồi đâu vẫn hoàn đó. Một thực tế nữa là chế độ cho Công an xã khi bị thương… trong khi xung đột xảy ra vẫn chưa được thực hiện nên anh em chưa an tâm làm việc”.
Trước tình hình đó, ngày 10-12-2010, UBND huyện Hòa Vang đã ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Công an 3 xã: Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Tiến, Công an huyện Hòa Vang và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, chốt chặn ở 2 nơi: Tại sông Túy Loan, đoạn trước đình làng Túy Loan (gồm 7 người) và tại ngã ba sông Túy Loan, đoạn tiếp giáp sông Yên (8 người). Chỉ trong 5 ngày ra quân, các đội đã bắt được 4 thuyền, trong đó có 1 thuyền không có số hiệu. Hiện các thuyền được đưa về bến đò Thạch Bồ (xã Hòa Tiến) để lập biên bản, tạm giữ phương tiện cùng hơn hàng chục mét khối cát. Những thuyền trên phần lớn là của người dân Đà Nẵng, có một số ít của người Quảng Nam.
Tuy nhiên, chưa thể khẳng định tình trạng khai thác cát đã tạm ổn. Một điều đáng nói nữa là phần lớn các chủ thuyền hoạt động trên sông mà không đăng ký, đăng kiểm. Nhiều chủ thuyền không có bằng lái, không mua bảo hiểm… Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết: “Trước mắt, chúng tôi sẽ xử phạt 20 triệu đồng/1 thuyền. Đồng thời, tăng cường hơn nữa việc cắm chốt để tuần tra, xử lý. Để giải quyết tình trạng này một cách lâu dài, tuần đến chúng tôi sẽ họp các chủ thuyền để chuyển đổi ngành nghề của họ".
Bài và ảnh: Phương Trà