.

Salavan - nghĩa tình năm tháng

... Hai năm trôi qua như một cái chớp mắt của cuộc đời, nhưng đối với ông Phạm Thanh Ba lại là những tháng ngày ý nghĩa nhất. Đó là thời gian ông tham gia công tác giúp đỡ nước bạn Lào vào năm 1985- 1986.

Những ngày đầu trên đất nước Triệu Voi

... Chiếc xe U-oat chở đoàn chuyên gia tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng ì ạch bò trên đường 13, mạch giao thông chính từ tỉnh Savannakhet đi Salavan, Lào. Chỉ hơn 800 cây số tính từ Đà Nẵng đến Salavan, nhưng đoàn chúng tôi phải mất gần 3 ngày đường mới đến nơi. Salavan hiện ra với vùng đất khô cằn đầy bụi đỏ, làng mạc thưa thớt quạnh quẽ. Mùa nắng, sông Sê Kông cạn trơ đáy, bờ sông dựng đứng như thành hào. Mùa mưa, bùn đỏ đặc quánh, ổ gà, ổ voi lổn nhổn. Nhiều đoạn, xe không thể nào lăn bánh, cả đoàn hò hét đẩy đến lạnh cả sống lưng... 

Vừa đến biên giới Việt - Lào, đồng chí lái xe đã tháo biển số Việt Nam, thay vào đó là biển số Lào để tránh thổ phỉ bắn tỉa. Ngày đó (những năm 1980) bọn phỉ hoạt động dữ dội, chúng thường ẩn nấp dọc cánh rừng của quốc lộ 13, đi từ Viêng Chăn đến miền Hạ Lào. Xe bộ đội Việt Nam là mục tiêu bắn tỉa số một của bọn phỉ. Bộ đội, cán bộ Việt Nam không ít người đã ngã xuống trên con đường tử thần này.

Những ngày đầu trên nước bạn, chúng tôi đã lo lắng đến độ không thể nào chợp mắt được. Nhiệm vụ của chúng tôi là phối hợp với bạn điều tra quy hoạch toàn diện về nông nghiệp, kinh tế, văn hóa... Từ đó đề xuất kế hoạch chi tiết để tiến hành thực hiện cụ thể trên từng bản làng. Bắt đầu từ đâu với một Salavan gồm 53 bản làng nguyên sơ với tập tục sản xuất du canh du cư? Mỗi năm người dân cày cấy một mùa phụ thuộc nước trời. Thời tiết Lào khắc nghiệt, đến mùa khô nắng cháy da người, sông cạn đến tận đáy, tre héo ngọn, thân nổ lốp bốp như đạn lạc, lấy nước đâu sản xuất. Chỉ đến khi mùa mưa về, bản làng mới tập trung sản xuất. Lại thêm tập quán chăn nuôi lạc hậu, trâu bò ngày thả rông ngoài rừng, tối tự tìm về vườn từ bao đời khiến đời sống kinh tế người dân chồng chất những khó khăn...

Chung tay xây dựng bản làng

Đầu tiên, đoàn chúng tôi phối hợp với địa phương khảo sát thực địa, phân chia từng vùng đất để quy hoạch sản xuất đúng hướng. Bước chân của chuyên gia Việt Nam đã đi gần hết 53 bản làng của tỉnh Salavan để giúp bạn xây dựng thí điểm mô hình Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp. Những quy trình sản xuất gieo mạ, bón phân, diệt sâu rầy được phổ biến đến từng hộ dân nhằm thay đổi thói quen canh tác du canh du cư bao đời của người Lào. Những công trình thủy lợi cũng được xây dựng, việc đào kênh dẫn nước, sử dụng máy bơm nước sản xuất bắt đầu hiện thực hóa, khắc phục tình trạng thiếu nước cục bộ khiến việc sản xuất co cụm, nhỏ lẻ...

Một trong những vùng đất mang dấu ấn tình hữu nghị của Quảng Nam-Đà Nẵng và Salavan là vùng đất đỏ Lào Ngam. Đây là vùng đất ba-zan phì nhiêu nhất của tỉnh Salavan. Đoàn chúng tôi đã lăn lộn suốt một tháng trời để khảo sát thực địa, giúp bạn phân vùng phát triển Lào Ngam thành vùng phát triển cây công nghiệp. Mô hình sản xuất ưu tiên 4.000ha cây cà-phê, 2.000ha chè, 500ha cây ăn quả... Khi nghe đoàn báo cáo kế hoạch, đồng chí Bí thư Huyện ủy lúc bấy giờ đã thốt lên đầy kinh ngạc: “Nếu làm theo đúng kế hoạch của chuyên gia Việt Nam thì Lào Ngam mình sẽ giàu to...”. Và quả thật, hơn hai mươi năm sau (2006) cùng Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng trở lại Lào, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến một Lào Ngam phát triển về xuất khẩu, chăn nuôi nhất nhì tỉnh Salavan.

Bên cạnh đó, đoàn chúng tôi còn giúp nhân dân Salavan xây dựng cơ sở hạ tầng, gìn giữ và phát triển văn hóa địa phương. Cầu Sơ Mia do Công ty Cầu đường sông Quảng Nam-Đà Nẵng thi công là một minh chứng cho tình đoàn kết Việt - Lào. Bên cạnh giúp bạn phát triển kinh tế, công tác văn hóa cũng được chú trọng. Trong hai năm công tác, chúng tôi còn giúp bạn hình thành phong trào văn nghệ mang tính chuyên nghiệp, sưu tầm cổ vật, bảo vệ di sản, thành lập các thư viện, tài trợ sách vở...

Có thể tự hào mà nói rằng: Salavan hôm nay giàu đẹp là có một phần công sức đáng kể của những đoàn chuyên gia Việt Nam ngày ấy...

Thắm mãi ân tình Lào - Việt

Ngày trở về Việt Nam, hành trang của mỗi chúng tôi ngoài những món quà lưu niệm còn có những tháng ngày thắm thiết ân tình của đồng bào Salavan dành cho. Chính những người dân vô danh đã cho chúng tôi những món quà tinh thần vô giá mà không một giá trị vật chất nào có thể đánh đổi được. Nếu hai năm ấy, không có sự giúp đỡ của nhân dân nước bạn thì đoàn chúng tôi khó mà hoàn thành nhiệm vụ. Những cà-tip xôi (ống tre đựng xôi) được huy động nhanh chóng vào lúc hai, ba giờ sáng của nhân dân trong bản giúp chúng tôi vượt qua cơn đói lả người trên đường công tác. Lúc xe hư, sa lầy..., thanh niên trai tráng đốn tre, hì hục đẩy xe cả cây số đường rừng. Cán bộ Việt Nam đến bản công tác bao giờ cũng được các mế già nhường chỗ ngủ ấm áp nhất, miếng ăn ngon nhất...

Năm 2005, khi trở về thăm lại cầu Sơ Mia tại tỉnh Salavan, chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi một mế già chạy ào đến ôm chầm và khóc: “Tao là Nía đây, mày không nhớ tao à! Không có cán bộ Việt Nam thì tao đã chết vì bệnh sốt rét năm 1985 rồi... Chúng mày phải đến ăn bữa cơm với mế...”. Hôm ấy, đoàn chúng tôi đã có một buổi gặp mặt thật cảm động ngoài kế hoạch. Tiếng hát thắm đượm nghĩa tình cất lên hòa cùng điệu Lăm-vông say đắm lòng người: Ôi! Đẹp làm sao tấm lòng Lào - Việt Nam/ Như hoa Champa - Hoa sen bừng nở/ Ví như anh em sinh ra từ một cha mẹ/ Thương yêu nhau hạnh phúc có nhau... (Bài hát “Sải chay Lào – Việt” của nhạc sĩ Humphênh – Lătthanavông).

    N.H
 (Ghi theo lời kể của ông Phạm Thanh Ba,  nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Trưởng đoàn chuyên gia tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng tại tỉnh Salavan - Lào).

;
.
.
.
.
.