.
THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ DÂN SỐ

Vì sức khỏe, hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước

.

Tháng 12 hằng năm được chọn làm Tháng hành động quốc gia về Dân số (bắt đầu từ ngày 1 đến ngày 31 tháng 12). Đây cũng là thời điểm các cấp phải gấp rút hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về công tác DS-KHHGĐ của năm và tổ chức tổng kết, triển khai kế hoạch công tác DS-KHHGĐ thời gian tới.

 

Mô tả ảnh.
Quận Sơn Trà tuyên truyền cổ động thực hiện công tác Dân số-KHHGĐ.

Sau gần 50 năm thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), đặc biệt là sau 10 năm thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam 2001-2010, thực hiện cam kết quốc tế về dân số, phát triển và các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, công tác DS-KHHGĐ đã đạt những kết quả quan trọng. Tình trạng gia tăng nhanh dân số về cơ bản đã được kiểm soát. Tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) giảm từ 6,1 con vào năm 1960 xuống 2,03 con vào năm 2009. Chính sách DS-KHHGĐ của nước ta đã từng bước được điều chỉnh theo hướng bao quát, toàn diện hơn các vấn đề dân số, chú trọng vấn đề chất lượng dân số.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng hiện tại và trong tương lai, công tác DS-KHHGĐ vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả về quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng dân số và phân bố dân cư.

Về quy mô dân số: Nước ta có quy mô dân số lớn thứ 13 trên thế giới, mật độ dân số cao (260 người/km2), thuộc nhóm nước có mật độ dân số cao nhất thế giới (gấp hơn 2 lần mật độ dân số của châu Á và gấp 1,86 lần mật độ dân số Trung Quốc), kết quả giảm sinh chưa thực sự vững chắc. Trong vòng 10 - 15 năm tới, số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ và trong độ tuổi này hằng năm vẫn rất lớn, do hệ quả của mức sinh cao những năm 1970-1980. Vì vậy, bình quân mỗi năm Việt Nam vẫn tăng thêm gần 1 triệu người, tương đương với dân số một tỉnh trung bình.

Về cơ cấu dân số: Song song với việc bước vào giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, dân số nước ta đang già đi với tốc độ nhanh, do hệ quả của tỷ suất sinh, tỷ suất chết giảm và tuổi thọ trung bình của dân số ngày càng cao đã làm cho tỷ trọng người cao tuổi tăng nhanh. Năm 2009, tỷ trọng người từ 65 tuổi trở lên là 6,6% và chỉ số già hóa là 35,7% - cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á.

Quá trình già hóa này sẽ gây áp lực mạnh đến việc bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Giới tính khi sinh của nước ta ngày càng trở nên mất cân bằng. Tỷ số giới tính khi sinh thông thường nằm trong khoảng 103-106 trẻ trai/100 trẻ gái. Trong mấy năm gần đây, tỷ số giới tính khi sinh bước vào mức cao, tăng nhanh và liên tục, năm 2006 là 110/100, năm 2007 là 111/100, năm 2008 là 112/100, năm 2009 là 110,5/100; mặc dù đã có nhiều biện pháp được tiến hành nhưng chưa thể khống chế và giải quyết được tình trạng gia tăng này trong thời gian ngắn, nguyên nhân chính là do tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn tồn tại trong xã hội.

Về chất lượng dân số: Chất lượng dân số thấp đang là yếu tố cản trở sự phát triển và đặt nước ta trước nguy cơ tụt hậu xa hơn. Chỉ số phát triển con người (HDI) đang từng bước được cải thiện nhưng vẫn nằm trong nhóm các nước có chỉ số phát triển con người ở mức trung bình, thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực và thấp xa so với các nước công nghiệp. Mặc dù tuổi thọ bình quân đạt mức khá cao là 72,8 tuổi năm 2009, nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh chỉ đạt 66 tuổi và xếp thứ 116/182 nước trên thế giới. Tầm vóc thể lực còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chiều cao, cân nặng và sức bền còn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Vị thành niên và thanh niên không chỉ thấp bé, nhẹ cân mà yếu cả về sức mạnh cơ bắp, sức dẻo dai và sức bền. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới nguồn nhân lực cho sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.

Xuất phát từ bối cảnh và thực tiễn nêu trên, Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2010  hướng tới 2 mục tiêu chính:

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, từng gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người dân, mỗi gia đình, đối với sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc Việt Nam.

- Tăng cường sự tham gia phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với công tác DS-KHHGĐ  của Việt Nam.

Chủ đề của Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2010 được lựa chọn là: “Dân số - Kế hoạch hóa gia đình vì sức khỏe, hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước”.

Việc thay đổi quan niệm của người dân ở một đất nước nông nghiệp, chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng phong kiến về việc sinh con, muốn có “đông con, nhiều cháu” và phải có con trai để nối dõi tông đường còn là một việc làm hết sức khó khăn, lâu dài và phức tạp. Để vượt qua các khó khăn, thách thức, duy trì những kết quả tích cực đã đạt được và bảo đảm sự thành công một cách bền vững của chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, chúng ta phải kiên trì, bền bỉ vận động, giáo dục và thuyết phục nhân dân chuyển đổi hành vi, tự nguyện thực hiện mô hình gia đình ít con khỏe mạnh, đặc biệt ở những vùng nông thôn kém phát triển, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Các cơ quan, tổ chức, cán bộ làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình phải tận tâm, trách nhiệm, có phương pháp và cách làm cụ thể, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế thì mới đáp ứng được nguyện vọng của người dân và yêu cầu phát triển của đất nước.

Bài và ảnh: MINH TUẤN

;
.
.
.
.
.