.

Thành phố Đà Nẵng 2010

.

Năm 2010, TP. Đà Nẵng tiếp tục tạo nên những dấu ấn riêng theo “Cách làm của Đà Nẵng”. Báo Đà Nẵng bình chọn 10 sự kiện nổi bật năm 2010 của thành phố và xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

1- Thực hiện tốt chủ trương thí điểm Đại hội bầu trực tiếp Bí thư Thành ủy

 

Mô tả ảnh.
Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XX, nhiệm kỳ 2010-2015. Ảnh: M.H

Đại hội đại biểu lần thứ XX Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã thực hiện tốt chủ trương thí điểm Đại hội bầu trực tiếp Bí thư Thành ủy mà Bộ Chính trị tin tưởng giao phó cho Đảng bộ. Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, trúng cử với số phiếu đạt 99,66%.

Thành công lớn của Đại hội là đã được tiến hành trong không khí dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, nghiêm túc và trách nhiệm, tạo sự nhất trí cao trong mọi quyết định của Đại  hội; đã xác định 5 hướng đột phá chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội của Đà Nẵng giai đoạn 2010-2015 là: Phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và thương mại; phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và thực thi các chính sách xã hội giàu tính nhân văn; phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao.

2- Kinh tế thành phố Đà Nẵng vượt qua suy thoái, đạt tốc độ tăng trưởng 12,6%

Năm 2010, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thành phố Đà Nẵng đã đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng. Nhiều chỉ tiêu đặt ra đã được thực hiện tốt. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GDP) ước đạt 10,4 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so năm 2009 (Nghị quyết Thành ủy: tăng 12-13%); giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước đạt 9,63 nghìn tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 29 nghìn tỷ đồng, tăng 32,4% so năm 2009 (Nghị quyết: tăng 11-12%); giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ước đạt 1.219 triệu USD, tăng 35,2% so năm 2009 (Nghị quyết: tăng 20-21%) (trong đó: xuất khẩu hàng hóa 679 triệu USD, tăng 42,5% (Nghị quyết: tăng 16-16,5%); khách tham quan, du lịch đến thành phố ước 1,6 triệu lượt người, tăng 23,1% so năm 2009 (khách nội địa 1,23 triệu lượt, tăng 23,3%; khách quốc tế 367 ngàn lượt, tăng 22,3%); doanh thu chuyên ngành du lịch ước hơn 1,1 nghìn tỷ đồng, tăng 26,7% so năm 2009. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện hơn 10 nghìn tỷ đồng, đạt 128,2% dự toán.

Thành phố Đà Nẵng cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách mới trên lĩnh vực văn hóa-xã hội, từ đó đem lại nhiều kết quả tích cực. Trong năm, đã có 7.396 hộ thoát nghèo, đạt 123,3% kế hoạch; đến cuối năm thành phố còn 9,34% hộ nghèo theo chuẩn mới.

3- Tôn vinh 85 tập thể, 216 cá nhân đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước thành phố Đà Nẵng

 

Mô tả ảnh.
Các đại biểu Trung ương và thành phố tại Đại hội Thi đua yêu nước thành phố. Ảnh: N.T

Ngày 26-10-2010, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước thành phố lần thứ III (giai đoạn 2005-2010) nhằm tuyên dương các điển hình tiên tiến. Đại hội đã tôn vinh 85 tập thể, 216 cá nhân đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2005-2010. Tại Đại hội, Chủ tịch UBND thành phố trao Cờ thi đua cho 20 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước; bằng khen cho 20 cá nhân là lãnh đạo của các đơn vị nhận cờ; 75 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước; công bố danh sách 7 đại biểu trong Đoàn đại biểu của thành phố Đà Nẵng dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 8.

Đại hội xác định quyết tâm biến thi đua, khen thưởng thật sự trở thành động lực thúc đẩy các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội phát triển; công tác thi đua khen thưởng phải hướng mạnh vào việc động viên, khích lệ, cuốn hút các tầng lớp trong xã hội phát huy tối đa năng lực của từng đơn vị, từng cá nhân trong việc đóng góp công sức thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.

4- Đặt tên đường Trường Sa, đường Hoàng Sa và Công viên Biển Đông

Tuyến đường ven biển dài 27km từ bán đảo Sơn Trà đến giáp tỉnh Quảng Nam đã được kỳ họp thứ 16, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VII đặt tên Hoàng Sa, Trường Sa. Đường Hoàng Sa, mang tên một huyện đảo của thành phố Đà Nẵng, dài 15,51km, điểm đầu từ Bãi Bắc thuộc bán đảo Sơn Trà đến điểm cuối là đường Nguyễn Công Trứ. Đường Trường Sa, mang tên một huyện đảo của tỉnh Khánh Hòa, dài 11,26km, điểm đầu từ đường Nguyễn Công Trứ đến giáp địa phận tỉnh Quảng Nam.

Nghị quyết kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố khóa VII cũng đã đặt tên công viên có địa điểm ở phía Đông đường Hoàng Sa (nút cảnh quan phía đường Hoàng Sa - Phạm Văn Đồng) là Công viên Biển Đông.

5- Đưa vào sử dụng Cung Thể thao Tiên Sơn phục vụ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ  6 (2010) lần đầu tiên TP. Đà Nẵng đăng cai tổ chức

 

Mô tả ảnh.

Đây là công trình được thiết kế độc đáo, giàu thẩm mỹ, hiện đại bậc nhất Đông Nam Á hiện nay. Cung Thể thao Tiên sơn có sức chứa 5.000 - 7.000 khán giả, với tổng diện tích hơn 94.000m2; trong đó, diện tích nhà thi đấu gần 10.500m2. Nhà thi đấu được thiết kế 1 tầng hầm và 4 tầng nổi. Tầng hầm rộng hơn 4.100m2, là nơi bố trí các phòng quản lý thiết bị kỹ thuật cho công trình và phòng Câu lạc bộ. Tầng một với diện tích gần 11.300m2 bao gồm sân thi đấu TDTT, đại sảnh, khu truyền thông, khu khách VIP, phòng trọng tài, vận động viên, khu phục vụ... cùng hội trường đa chức năng. Trên tầng hai có diện tích 2.800m2 gồm sảnh, phòng điều khiển, khu bán đồ lưu niệm và khán đài. Tầng ba có diện tích 4.125m2 là khu vực quầy bán lẻ thiết bị, khu vệ sinh, hành lang… Tầng bốn có diện tích 7.945m2 là khu giải lao khách VIP...

Lần đầu tiên, Đại hội TDTT toàn quốc được tổ chức tại một địa phương ngoài thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Thành phố Đà Nẵng là địa phương được vinh dự giao nhiệm vụ đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010).

Ngoài các công trình phục vụ thi đấu TDTT có sẵn và được nâng cấp (sân vận động Chi Lăng, Bể bơi thành tích cao…), một số công trình phục vụ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010) đã được xây mới như hồ Đồng Xanh - Đồng Nghệ, Cung Thể thao Tiên Sơn. Công tác tổ chức cũng được tiến hành đồng bộ, bảo đảm tốt phục vụ thi đấu, ăn ở, sinh hoạt cho khoảng 3.100 quan chức, VĐV đến tham gia tranh tài 12 môn/phân môn diễn ra tại vòng chung kết (từ ngày 25 đến 31-12-2010). Đây còn là dịp để Đà Nẵng tạo được ấn tượng tốt với bạn bè trong nước và các đoàn khách quốc tế trong quá trình tổ chức Đại hội.

6- Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh trong hơn 10 năm qua

 

Mô tả ảnh.
Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Việt Dũng

Đầu năm 2010, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bùng phát mạnh trong hơn 10 năm qua, khó kiểm soát và bùng phát mạnh trong hai tháng 9 và 10 năm 2010. Dịch bệnh đã gây ra 3 trường hợp tử vong, hàng trăm ca bệnh nặng độ 3 và 4 trong tổng số trên 4.400 người mắc bệnh. Thành phố đã huy động toàn hệ thống chính trị tham gia chống dịch, đến thời điểm này, dịch sốt xuất huyết đã được khống chế thành công.

7- Chính thức công bố chính sách tuyển dụng công chức tốt nghiệp đại học chính quy

 

Mô tả ảnh.
Xây dựng chính sách tuyển dụng hợp lý để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức thành phố .  Ảnh: N.T

Hội đồng Nhân dân thành phố khóa VII, kỳ họp thứ 17, đã thông qua Nghị quyết về Biên chế năm 2011 và chính thức công bố chính sách tuyển dụng công chức tốt nghiệp đại học chính quy. Theo đó, có kế hoạch rà soát để tổ chức tuyển dụng số lao động thuộc các diện còn lại hiện đang hợp đồng ở các ngành, địa phương (chỉ tuyển dụng đối với những trường hợp tốt nghiệp đại học hệ chính quy). Kể từ nay trở đi, không cho phép các ngành, địa phương tiếp nhận, hợp đồng lao động mới vào ngạch chuyên viên đối với các trường hợp tốt nghiệp đại học không thuộc hệ đào tạo chính quy tập trung.

Quyết định này đã nêu được cả về khía cạnh cần xem xét lại chất lượng hệ đại học tại chức cũng như việc cần thiết mạnh dạn trong thực hiện các chính sách tuyển dụng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn mới.

8- Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh gặp gỡ, đối thoại với thanh-thiếu niên hư

Lần đầu tiên, 284 thanh, thiếu niên hư được đối thoại với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Trước đó, vào sáng cùng ngày, các thiếu niên chậm tiến được đi tham quan Trường Giáo dưỡng số 3 (Bộ Công an), Trại tạm giam Hòa Sơn và Khu du lịch Bà Nà. Đến nay, nhiều em đã có những chuyển biến tích cực về thái độ, hành động, nhiều em đã tìm được việc làm…

9- Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân triển khai đúng tiến độ

 

Mô tả ảnh.
Người dân nhận đất xây dựng nhà ở mới tại khu tái định cư.

Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân có quy mô 470ha được triển khai từ tháng 8-2008 và đến nay việc giải phóng mặt bằng, tái định cư bảo đảm được tiến độ. Theo đó, đã có 6.523/ 6.628 hồ sơ nhà, đất được kiểm định, đạt 98% gồm: 2.662 hồ sơ về nhà ở và 3.966 hồ sơ đất nông nghiệp. Thành phố đã chi trả 373,8 tỷ đồng tiền đền bù và bố trí 1.810 lô đất tái định cư. Hiện có trên 300 hộ dân giải tỏa đã làm nhà ở trên đất tái định cư. Riêng khu vực thôn Cồn Dầu đã kiểm định, áp giá và chi trả tiền đền bù cho 409 hồ sơ nhà đất; trong đó có 187/214 hộ đã nhận đất tái định cư.

Người dân trong vùng giải tỏa được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về đền bù và hỗ trợ tái định cư, như: nâng khung giá đất đền bù, giảm giá đất tái định cư; hỗ trợ công bồi trúc nền nhà từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng..., tăng gấp đôi giá tiền thuê nhà hằng tháng khi chờ làm nhà ở tái định cư.

Như vậy dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân đã có sự đồng thuận của người dân. Tiến độ giải phóng mặt bằng và tái định cư được bảo đảm.

10- Liên hoan văn nghệ các tổ chức tôn giáo thành phố Đà Nẵng năm 2010

 

Mô tả ảnh.

Tối ngày 2-11-2010, tại Nhà hát Trưng Vương, đã diễn ra đêm Liên hoan văn nghệ các tổ chức tôn giáo thành phố Đà Nẵng năm 2010, thu hút hơn 300 diễn viên đến từ 6 tổ chức tôn giáo lớn trên địa bàn thành phố. Các tiết mục tham dự liên hoan được đầu tư dàn dựng công phu, hoành tráng và có sự tham gia của đông đảo đồng bào các tôn giáo đã ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bài hát tôn giáo ca ngợi tình yêu thương con người, tình yêu cuộc sống cộng đồng...

Liên hoan văn nghệ các tôn giáo là hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, đồng thời là dịp để các vị chức sắc và đồng bào các tôn giáo giao lưu, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, qua đó tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa đồng bào các tôn giáo trên địa bàn thành phố, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc.

;
.
.
.
.
.