.

Vui buồn chuyện thuê người đưa đón trẻ

.
Bằng cách thuê xe thồ, taxi đưa đón con đến trường, nhiều gia đình đã đỡ bận rộn hơn việc nhà. Nhưng xung quanh dịch vụ này cũng lắm chuyện bi, hài...
 
Khi cha mẹ giao “cục cưng” cho người khác
 
Mô tả ảnh.
Nhiều gia đình giảm bớt áp lực từ khi thuê được người đưa đón con
đến trường.
 
Từ lâu nay, việc đưa đón con đến trường đã trở thành công việc thường xuyên của nhiều gia đình. Nó là niềm vui nhưng cũng gây ra không ít áp lực về thời gian và công việc đối với nhiều bậc phụ huynh, nhất là những người có công việc bận rộn. Để giải quyết vấn đề này, nhiều gia đình đã chủ động hợp đồng với những người chạy xe thồ, taxi để đưa đón con đến trường.

Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề này, được lời như cởi tấm lòng, anh Nguyễn Văn Hoàng ở đường Núi Thành (quận Hải Châu), có con học lớp 8 chia sẻ: “Một ngày, ngoài thời gian học ở trường, con bé nhà tôi còn tham gia 2 lớp học thêm nữa. Dù đi làm nhưng suốt ngày vợ chồng tôi cứ nơm nớp canh giờ để đi đón con cho kịp. Nhiều lúc có công việc đột xuất lại lo cuống cả lên vì sợ không ai đón con. Nói thật, nhiều lúc tôi cũng thấy mệt mỏi lắm. Đi đâu cũng không yên tâm, thoải mái được”.
 
Tháng trước, gia đình anh Hoàng đã chủ động thuê một bác chạy xe thồ ở trong xóm thay mình đưa đón con đến trường với giá 700 ngàn đồng/tháng. Trong khi đó, chị Hoàng Thu Hương (đường Hùng Vương) lại cùng với 4 gia đình khác hợp đồng với một bác tài taxi. Được biết hợp đồng kiểu “tập thể” như vậy chủ yếu là các gia đình có con học cấp 1. Chị Hương cho biết, vì cả 5 gia đình đều nằm trên một trục đường nên việc đưa đón cũng khá dễ dàng. Tiền thuê là 2 triệu đồng/tháng. 

Hầu hết những gia đình khi giao con mình cho người khác đưa đón đều chung tâm trạng vừa mừng vừa lo. “Mừng vì từ nay vợ chồng đỡ cãi nhau vì chuyện đưa, đón con. Lo là không biết người mình tin tưởng có thật sự đáng tin hay không?” - anh Hoàng nói. Trong khi đó người được thuê cũng không ít tâm sự. Bác Hùng (người được anh Hoàng thuê để đưa đón con) nói: “Vì người cùng xóm, quen biết lâu rồi tôi mới nhận lời, chứ con người ta như vàng như ngọc, lỡ có chuyện gì mình không gánh nổi trách nhiệm!”. Đúng như bác Hùng nói, đã có không ít chuyện dở khóc dở cười xảy ra xung quanh cái “nghề” đưa đón trẻ như thế này.

Những chuyện dở khóc dở cười

Cùng đồng nghiệp với bác Hùng, anh Đỗ Trọng Huy (đường Lê Lai) vẫn chưa hết hoàn hồn khi kể lại sự cố của mình: Đầu tháng 9 vừa qua, tôi nhận chở cậu quý tử nhà hàng xóm. Những ngày đầu cậu bé tỏ ra rất ngoan ngoãn. Nhưng đến khi chú - cháu đã thân thiết thì nó bắt đầu giở chứng. Có hôm thay vì đứng đợi ở cổng trường, nó lại đi chơi cùng đám bạn. Báo hại mình phải cuống cuồng đi tìm cả buổi. Có hôm nó học bài kém, cô giáo phát phiếu liên lạc thì nó nhờ mình ký dùm thay cho bố mẹ. Ban đầu tôi thấy tội còn giúp, về sau thấy nó ỷ lại nên từ chối”.
 
Tuy nhiên, chuyện của anh Huy vẫn chưa “kịch tính” bằng câu chuyện của anh N.N.Nam (lái xe taxi), khi trong một lần đưa đón các em đến trường, có cô bé để quên cặp sách trên xe. Hôm sau anh đến đón thì phụ huynh của em xin ít phút gặp mặt và bảo, hôm qua đi học về cháu bảo mất tiền và nằng nặc bảo do chú lái xe lấy trộm nên hôm nay nhất quyết không đi xe của chú ấy nữa. Anh Nam bảo, từ chuyện đó tôi rút ra kinh nghiệm là với trẻ con không thể xuề xòa được. Đôi lúc cũng muốn hủy hợp đồng nhưng mấy vị phụ huynh khác năn nỉ quá nên vẫn làm tiếp.

Dù vẫn còn đó nhiều lo lắng và băn khoăn, nhưng ngày càng có nhiều gia đình chọn cách thuê người đưa đón con đến trường nhằm giảm bớt áp lực cho bản thân cũng như gia đình. Nhiều người thậm chí còn mong muốn thuê được người tin cậy để theo suốt con trong quãng đời học sinh. Họ hy vọng rằng con mình sẽ đỡ vất vả vì chạy sô đi học và có người quản lý giờ giấc đi lại để tránh giao du với bạn bè xấu.
            
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA
;
.
.
.
.
.