Có những con người cả cuộc đời chỉ mang theo trong mình giấc mơ về một mái nhà để trú mưa, trú nắng, dẫu biết rằng mơ ước ấy vẫn mãi chỉ là ước mơ thôi. Dù không có cô tiên trong cổ tích nhưng họ cũng như hàng chục người nghèo khác đã được tặng nhà của cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”...
Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo.
Giấc mơ thành hiện thực
Suốt ngày dãi dầu với nắng mưa đi nhặt chai bao để bán kiếm tiền nuôi chồng không có việc làm và đứa con còn nhỏ dại, chị Huỳnh Thị Bốn (44 tuổi, ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) chưa bao giờ dám mơ đến việc có một ngôi nhà “tàm tạm” để ở. Rồi chị lăn ra ốm, lại là bệnh khó chữa, tiền thuốc thang cũng đủ làm mất luôn chút tiền còn lại. Ngôi nhà tạm bợ, dột nát lại thi gan cùng mưa nắng đang ngày càng xuống cấp bởi không có tiền sửa chữa. Đồng cảnh với chị Bốn, gia đình bà Nguyễn Thị Mùi (76 tuổi, ở phường Xuân Hà) cũng không khá hơn là bao. Vất vả nuôi con lớn khôn, đến khi về già, bà Mùi lại phải nuôi cháu bởi con bà vì nhiều lý do đã không thể nuôi được.
Thân già phải bươn chải kiếm tiền, lại đau yếu liên miên nên nhà đã xuống cấp mà bà vẫn chưa thể sửa chữa… Trong đợt 3 của cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” trên địa bàn thành phố, gia đình chị Bốn và bà Mùi là 2 trong 49 nhà được hỗ trợ xây dựng, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng (vượt chỉ tiêu Ban chỉ đạo Cuộc vận động Trung ương giao 19 nhà). “Cảm ơn Đảng, Nhà nước và các chú, các bác đã quan tâm và tặng nhà. Chúng tôi sẽ cố gắng quyết tâm làm ăn vươn lên thoát nghèo” - đó là lời bộc bạch đầy xúc động của chị Bốn trong buổi trao nhà Đại đoàn kết vừa qua.
Đại tá Phạm Bá Sơn, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố Đà Nẵng cho biết: “Công tác khảo sát được tiến hành công khai, dân chủ theo đúng quy trình, được thông qua các cuộc họp ở tổ dân phố để nhân dân lựa chọn, bình xét và chính quyền, Ủy ban MTTQ các cấp thống nhất đề xuất. Chính vì vậy, các hộ gia đình được xây dựng nhà “Đại đoàn kết” năm 2010 được nhân dân nơi cư trú đồng tình ủng hộ”. Trung bình kinh phí xây dựng khoảng 47,3 triệu đồng/nhà (tăng trên 17 triệu đồng/nhà so với đợt 2). Tổng cộng các nguồn kinh phí huy động để xây dựng nhà Đại đoàn kết là trên 2,3 tỷ đồng.
Trong đó, Ủy ban MTTQ và Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố 920 triệu đồng; các quận, huyện 90 triệu; các phường, xã 57,5 triệu; BĐBP trực tiếp vận động các doanh nghiệp và nhà hảo tâm được 114 triệu; gia đình, dòng họ đóng góp xây dựng 1,1 tỷ đồng. Cũng từ nguồn kinh phí này, BĐBP thành phố đã xây dựng, nâng cấp Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân An, Mân Thái (Đồn Biên phòng 252) làm điểm sinh hoạt, hội họp, nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cụm dân cư Tân An, phường Mân Thái và là địa điểm dạy nhiều lớp xóa mù chữ do BĐBP vận động và tổ chức, nơi tiếp dân của Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân An. Kết quả trong thực hiện cả 3 đợt của Cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” ở thành phố Đà Nẵng đã xây dựng được 83 nhà Đại đoàn kết với nguồn kinh phí vận động trên 3,39 tỷ đồng. Bình quân mỗi nhà được xây dựng trên 41 triệu đồng (vượt chỉ tiêu 23 nhà). Đồng thời cũng xây dựng 4 công trình dân sinh gần 1 tỷ đồng.
Quân với dân như cá với nước
Qua Hội nghị sơ kết 2 đợt cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” tại tỉnh Nghệ An và thủ đô Hà Nội, Ban Vận động Trung ương đã đánh giá cao và biểu dương, khen thưởng Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng đã có nhiều sáng tạo và thực hiện có hiệu quả các đợt vận động. Đại tá Phạm Bá Sơn cho biết: “Trong đợt 3 này, công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng hơn, huy động được sự tham gia hưởng ứng của nhiều tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Đặc biệt là cấp ủy, chính quyền và Mặt trận, đoàn thể các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chặt chẽ, sâu sát từ công tác khảo sát đến huy động các nguồn lực. Do vậy, chỉ tiêu xây dựng nhà Đại đoàn kết và công trình dân sinh sớm hoàn thành, vượt chỉ tiêu trên giao”.
Các công trình trên mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền, MTTQ, quân đội đối với đồng bào nơi biên giới, hải đảo và đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa của thành phố. Các công trình dân sinh mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện khát vọng của những người dân vùng biển. Điều đó góp phần củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân và BĐBP, nhất là nhân dân nơi biên giới, hải đảo, và giáo dục cho các tầng lớp nhân dân ý thức đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ chủ quyền biển-đảo của Tổ quốc, thể hiện tình cảm quân dân gắn bó keo sơn.
Bài và ảnh: Kim Ngân