.

Đổi thay ở Hòa Phong

.

Từ khi khu Trung tâm Hành chính của huyện Hòa Vang được xây dựng trên địa bàn xã, Hòa Phong đã có nhiều đổi thay khá rõ nét. Hòa Phong ngày nay có nhiều nhà cao tầng hơn, đời sống của người dân được cải thiện so với trước.

 

Mô tả ảnh.
Hòa Phong hôm nay.

“Trước đây, con gái Hòa Phong mơ ước được lấy chồng xa xứ để cuộc đời mình đỡ vất vả hơn, nhưng tầm hai, ba năm gần đây, thanh niên đi tha phương cầu thực lần lượt trở về quê để lập nghiệp. Hòa Phong bây giờ đã phát triển rồi” - Chị Nguyễn Thị Quyên, người dân Hòa Phong cho biết.

Hiện Hòa Phong có 15 thôn, trong đó có 4 thôn miền núi. Trong năm qua, được sự giúp đỡ của thành phố và sự chỉ đạo trực tiếp của huyện Hòa Vang, nhân dân trong xã đã phát huy những thuận lợi, vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất và đạt được nhiều thắng lợi có ý nghĩa. Là địa phương sống chủ yếu bằng nông nghiệp, trong năm qua, mặc dù tình hình nắng hạn nghiêm trọng, các hồ, đập bị cạn kiệt, nhưng với nỗ lực của địa phương, năng suất lúa bình quân của xã đạt 54,2 tạ/ha.

Ngoài ra, đàn gia súc, gia cầm đông đúc cũng đủ thấy đời sống người dân bây giờ đã khá hơn rất nhiều (đàn trâu 219 con, đàn bò 785 con…). Chị Phan Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã tâm sự: “Chúng tôi cũng đã tổ chức mở các lớp sơ cấp nghề như nghề trồng nấm, nuôi cá nước ngọt, nấu ăn… nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động, giúp họ có kiến thức trong quá trình làm chủ bản thân. Bên cạnh đó, các mô hình như: “Quỹ khuyến học”, “Con heo tiết kiệm”, “Hũ gạo đoàn kết” được nhân rộng ở 15/15 thôn đã góp phần thực hiện thành công những nội dung Chỉ thị 24 của Thành ủy”. Nhờ đó, toàn xã đã giảm được 12/22 hộ đặc biệt nghèo.

Bên cạnh đời sống kinh tế, cơ sở hạ tầng và đời sống văn hóa của người dân Hòa Phong hôm nay cũng được nâng lên đáng kể. Với kinh phí 25 tỷ đồng, địa phương đã tập trung xây dựng một số công trình chủ yếu như trường học, Nghĩa trang Liệt sĩ, 200 mét bờ kè sông Túy Loan, công trình tiêu nước cầu Mùn và Trung tâm Văn hóa - Thể thao An Phước… Các tuyến đường giao thông nông thôn được bê-tông hóa thay cho những con đường lầy lội trước đây mà hễ đến mùa mưa, chẳng ai muốn bước ra đường. Ông Lâm Chí Sĩ, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ý thức được tầm quan trọng của những con đường, với phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bà con địa phương sẵn sàng hiến đất, chặt bỏ cây cối, đóng góp để tạo điều kiện cho những con đường nhanh chóng hoàn thành”. Những con đường khang trang, rộng lớn ấy đã tạo điều kiện cho đời sống văn hóa người dân được nâng tầm.

Sự nghiệp giáo dục cũng rất được địa phương chú trọng để giúp người dân thoát nghèo. Trong các cuộc họp của các đoàn thể, giáo dục luôn được lồng ghép. Nhờ đó, kết thúc năm học 2009 - 2010, địa phương có 72 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, 45 em đạt giải cấp huyện. Cuối năm học các trường đều đạt tiên tiến và tiên tiến xuất sắc. Đặc biệt, 65 em đỗ vào đại học, là con số cao nhất toàn huyện.

Hòa Phong hiện tại là xã trung tâm của huyện Hòa Vang, là bộ mặt của huyện, do đó đổi thay là điều đương nhiên. Những đổi thay của Hòa Phong cho thấy những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã dần đi vào cuộc sống.

Bài và ảnh: LOAN PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.