.

Hơn 2 triệu hộ nông dân miền Trung có điện

.
Tin vui đến với những người dân các xã vùng cao của các tỉnh Tây Nguyên vào những ngày cuối năm 2010 là với dự án Năng lượng nông thôn 2 (Dự án RE II), gần 200 ngàn hộ của 852/852 thôn, buôn thuộc các xã vùng cao các tỉnh Tây Nguyên đã có điện, nâng tổng số hộ được cấp điện lưới quốc gia  thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên lên 2,5 triệu hộ. Riêng khu vực nông thôn, tính đến cuối năm 2010, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã quản lý và cấp điện cho 117/117 huyện, 1.530/1.540 xã với hơn 2 triệu hộ được cấp điện, vượt 6,27% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đề ra.

Mô tả ảnh.
Chuẩn bị vật tư để duy tu đường dây.
 
Nếu việc đầu tư cho các khu công nghiệp để bán điện trực tiếp cho các nhà máy vừa giảm nhẹ gánh nặng đầu tư, vừa có lợi nhuận thì việc triển khai các dự án cấp điện cho nông dân (kể cả đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu) nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân là chủ yếu. Đã thế, việc đầu tư cho khu vực nông thôn rất tốn kém, thời gian thu hồi vốn lâu và quy mô đầu tư lớn. Vì vậy, việc đưa Dự án RE II vào khai thác là một nỗ lực rất lớn của Tổng Công ty. Nói về dự án này, ông Trần Đình Thanh, Tổng Giám đốc công ty tâm sự: Tổng Công ty xác định đây là dự án quan trọng, là món quà của Đảng và Chính phủ dành cho đồng bào dân tộc các tỉnh Tây Nguyên.
 
Vì vậy, Tổng Công ty coi đây là trách nhiệm lớn mà Đảng và Chính phủ tin tưởng giao cho đơn vị thực hiện. Đơn vị phải làm thật tốt để khỏi phụ lòng tin của Đảng và Chính phủ. Tổng Công ty đã rất nỗ lực, thực hiện dự án đúng thời gian, với chất lượng tốt nhất. 5 năm qua, các đơn vị tham gia dự án đã xây dựng 804 đường dây trung áp, 1.223 trạm biến áp (TBA) với tổng dung lượng gần 190 ngàn kVA trải rộng trên địa bàn của 235 xã vùng cao các tỉnh Tây Nguyên và các xã vùng cao của các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên. Đồng thời với việc đưa vào sử dựng các hạng mục của dự án trên, trong năm 2010, Tổng Công ty đã đóng điện 11 dự án 110kV quan trọng khác thuộc khu vực Quảng Bình, Quảng Nam, Kon Tum… góp phần ổn định điện áp, nâng cao chất lượng cấp điện.

Nhờ có dự án này mà các tỉnh Tây Nguyên đã có điều kiện phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân có chuyển biến tích cực. Riêng tại Đắc Lắc với 412 tỷ đồng giá trị đầu tư từ dự án, toàn tỉnh đã cải tạo, nâng cấp được 477km đường dây trung áp, 559km đường dây hạ áp và xây dựng mới 297 trạm biến áp để cấp điện cho 22 ngàn hộ dân của 315 thôn, bản. Tỷ lệ tổn thất điện năng ở các vùng nông thôn đã giảm nhiều. Tại tỉnh Gia Lai, khi hệ thống chưa được cải tạo, có nơi tổn thất đến trên 30% sản lượng điện do đường dây cũ không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật. Nhưng chỉ trong 7 tháng của năm 2010 sau khi hoàn thành cải tạo hệ thống theo dự án RE II, tỷ lệ tổn thất điện năng đã giảm từ 30% xuống còn 7,67% và điện áp luôn ổn định.

Khó khăn hiện nay trong công tác nâng cao chất lượng phục vụ của Tổng Công ty đối với các hộ dân là nguồn điện từ lưới điện quốc gia ngày càng thiếu, dự kiến trong năm 2011 sẽ còn thiếu điện trầm trọng hơn. Vì vậy, để có thêm nguồn điện bổ sung cho lưới điện, Tổng Công ty đã coi việc sản xuất điện tại chỗ (diesel và thủy điện) là giải pháp quan trọng để ổn định nguồn điện. Tổng Công ty đã chỉ đạo 5 công ty CP có các nhà máy thủy điện nhanh chóng đưa vào vận hành và nâng cao hơn nữa công suất phát điện. Trong năm 2010 đã có 3 nhà máy đi vào vận hành và bổ sung cho lưới điện 231,9 triệu kWh, góp phần nâng giá trị điện tự sản xuất của Tổng Công ty trong năm 2010 lên gần 600 triệu kWh, tăng thêm nguồn cung cấp cho các tỉnh trong khu vực, trong đó có các tỉnh Tây Nguyên.

Bài và ảnh: Đức Thịnh
;
.
.
.
.
.