.

Khai mạc trọng thể Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI

.
Đúng 8 giờ ngày 12-1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng chính thức khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội).

 
toan canh.JPG
Toàn cảnh Đại hội. Ảnh: Nguyễn Thành
Đại hội có chủ đề "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại."

1.377 đại biểu chính thức thay mặt hơn 3,6 triệu đảng viên, tiêu biểu cho sức mạnh đoàn kết, ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, dự Đại hội.

Tới dự phiên khai mạc trọng thể này có các đại biểu khách mời trong nước, gồm nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ các khóa, đại diện Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhân sỹ trí thức tiêu biểu, đại diện thế hệ trẻ Việt Nam và các Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa X.

Tới dự khai mạc Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam còn có các vị Đại sứ, đại diện ngoại giao các nước, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Trong không khí phấn khởi, trang trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đọc diễn văn khai mạc Đại hội.

Các Đại biểu thành phố Đà Nẵng tại Đại hội. Ảnh: N.T
Đồng chí Nguyễn Minh Triết nêu rõ, Đại hội diễn ra trong một thời điểm có ý nghĩa quan trọng khi đất nước trải qua 25 năm đổi mới toàn diện, cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH đã được thực hiện 20 năm, đặc biệt là đất nước đã nỗ lực phấn đấu, vượt khó khăn, tác động của suy thoái toàn cầu, đạt những thành tựu quan trọng đáng tự hào.

“Trong bối cảnh đó, Đại hội có trách nhiệm lịch sử to lớn trước toàn dân tộc. Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đề cao tinh thần tự phê bình nghiêm túc để kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu và yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH 10 năm. Trên cơ sở đó, Đại hội quyết định bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991, xác định Chiến lược phát triển KTXH 10 năm (2011-2020), đề ra phương phướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm”, đồng chí Nguyễn Minh Triết cho biết.
 
Đồng thời, Đại hội có trọng trách kiểm điểm sâu sắc, toàn diện công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo của Ban chấp hành TƯ Đảng khóa X, xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong thời kỳ mới, bổ sung, sửa đổi một số điểm trong Điều lệ Đảng cũng như bầu Ban chấp hành TƯ Đảng khóa XI.

Để thực hiện thành công những nhiệm vụ quan trọng đó, đồng chí Nguyễn Minh Triết đề nghị Đại hội phát huy cao độ trí tuệ, ý thức trách nhiệm và sự đoàn kết, thống nhất cao để hoàn thành tốt nhất những nhiệm vụ của Đại hội, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước.
 
Tại Đại hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về các văn kiện Đại hội XI của Đảng.

Tổng Bí thư nêu rõ: Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội các văn kiện: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020; Báo cáo chính trị; Báo cáo một số vấn đề về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng và Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.

Trong quá trình chuẩn bị Đại hội, các dự thảo văn kiện Đại hội đã được thảo luận, góp ý tại đại hội đảng bộ các cấp, được công bố rộng rãi để lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội, các thành viên, hội viên của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các đồng chí lão thành cách mạng, các nhân sĩ, trí thức, đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước, đồng bào ta định cư ở nước ngoài và đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp quý báu, đầy tâm huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với Đảng, với đất nước, mong muốn Đảng ngày càng vững mạnh, đất nước ta ngày càng phát triển. Ban Chấp hành Trung ương đã tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý, xác đáng để bổ sung, hoàn chỉnh làm cho các văn kiện trình Đại hội thật sự là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, đồng thời để chỉ đạo trong hoạt động thực tiễn.

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trình bày những nội dung chủ yếu trong các văn kiện trình Đại hội.

Tổng Bí thư khẳng định năm năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, toàn Đảng, toàn dân ta đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội X đề ra.

Nổi bật là nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, các ngành đều có bước phát triển, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và các lĩnh vực xã hội có tiến bộ; bảo vệ tài nguyên, môi trường được chú trọng hơn; đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện; chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, vị thế, uy tín quốc tế của nước ta được nâng cao; phát huy dân chủ có tiến bộ, khối đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được củng cố; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tăng cường, đạt một số kết quả tích cực. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đạt được một số kết quả bước đầu. Đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, vào công cuộc đổi mới và triển vọng phát triển của đất nước.

Mười năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010 là giai đoạn đất nước ta đã tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động tiêu cực của hai cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế khu vực và toàn cầu, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đạt được những thành tựu to lớn, rất quan trọng, nhiều mục tiêu chủ yếu của Chiến lược 2001-2010 đã được thực hiện. Kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt tốc độ bình quân 7,2%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 theo giá thực tế gấp 3,4 lần so với năm 2000; thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 5 lần so với năm 2000; GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.168 USD. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt thành tựu quan trọng trên nhiều mặt, chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.

Sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh, nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước thực hiện thành công bước đầu công cuộc đổi mới, ra khỏi tình trạng kém phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, tăng cường. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của đất nước đã tăng lên rất nhiều, tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trên cơ sở những quan điểm cơ bản và định hướng lớn của Cương lĩnh, xuất phát từ yêu cầu và dự báo tình hình thực tế của đất nước trong thời gian tới, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 được xác định là Chiến lược tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu tổng quát của chiến lược là phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị-xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.

Năm năm 2011-2015 là bước rất quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020. Mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Tại Đại hội, ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đọc Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.

Nhân dịp khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam, các đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế đã gửi 121 điện mừng Đại hội, bày tỏ tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của bạn bè quốc tế đối với Đại hội - sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Buổi chiều, các đại biểu làm việc tại Đoàn nghiên cứu, thảo luận các văn kiện Đại hội XI. 
 
TTXVN - Chinhphu.vn
;
.
.
.
.
.