.

Rộn ràng Tết

.

Những ngày cuối năm, từ sáng sớm, người người đổ về các chợ mua bán tấp nập với mong mỏi chuẩn bị chu đáo cho một cái Tết thật đầm ấm, yên vui.

 

Mô tả ảnh.
Người mua bán đông đúc ở các chợ.

Cuối năm, mỗi người đi chợ một tâm trạng, nhưng tựu trung đều hối hả theo nhịp thời gian. Chị Trần Thị Hải Hà (quê Nam Định, công nhân dệt KCN Hòa Khánh) bày tỏ sự lo lắng: “Tiền thưởng Tết của công nhân không lớn nhưng chúng tôi cũng phải tranh thủ vào giờ tan ca xuống chợ Cồn để mua quà chuẩn bị về quê. Cả năm đi xa, về quê phải có chút quà cáp cho gia đình”. Trong không khí tấp nập của chợ Tết, rất đông sinh viên kéo nhau vào chợ mua hàng.

Thấy chúng tôi hỏi, Diệu Trang (quê Quảng Trị, SV năm 2, ngành Sư phạm mầm non) hồ hởi khoe: “May mà mấy tháng vừa rồi em đi làm thêm nên có được vài triệu. Số tiền này em để dành phụ với ba mẹ mua bánh mứt Tết và sắm cho mấy đứa em ở quê vài bộ đồ Tết, chứ ba mẹ em chỉ làm nông nên thu nhập không dư dả để sắm sửa rình rang”. Lỉnh kỉnh những túi xách to nhỏ trên tay, nhiều chị bước ra khỏi cổng chợ với vẻ mãn nguyện. Chị Thanh, kế toán một doanh nghiệp tâm sự: “Chị em chúng tôi phải tranh thủ lúc nghỉ trưa để mua sắm Tết. Mua sắm được sớm cũng ổn”.

 

Mô tả ảnh.
Chậu quật tết được bày bán trên đường Lê Độ-Đà Nẵng.

Thời điểm này, tại các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn thành phố, lượng người mua sắm đông đúc gấp 3-5 lần ngày thường. Bãi giữ xe các chợ đã ken kín. Nhiều bãi đất trống khu vực xung quanh chợ Hòa Khánh được san bằng, mở rộng nhằm có thêm chỗ giữ xe. Những chợ lớn như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Mới, chợ Đống Đa, chợ Hòa Khánh, Ban Quản lý (BQL) chợ phải bố trí thêm diện tích mặt bằng cho người kinh doanh tạm thời. Hai tuyến đường nội bộ chợ Cồn vốn cấm kinh doanh hàng rong nhưng do nhu cầu mua bán cuối năm, BQL chợ đã cho phép hàng trăm hộ được vào bán.

Hàng hóa cuối năm vốn nhiều gấp 5-7 lần, cộng với lượng người ra vào quá tải trong không gian chập hẹp cũng là nỗi lo của BQL nhiều chợ. “Để bảo đảm an ninh trật tự cũng như nguy cơ cháy nổ trong dịp Tết, chúng tôi đã tăng cường hệ thống loa đài thông báo, các ca trực bảo vệ, xe cứu hỏa luôn trong tư thế sẵn sàng 24/24 giờ. Hơn nữa, lợi dụng tình hình mua bán đông đúc cuối năm, kẻ cắp cũng thường trà trộn vào chợ, do vậy BQL luôn nhắc nhở lực lượng bảo vệ và tổ xe thồ tự quản tập trung bảo vệ hàng hóa của hộ kinh doanh và tài sản của người đi chợ”, ông Phan Quang Cả, Phó BQL chợ Cồn cho biết.

Tại các cơ sở bán hàng dùng làm quà Tết cũng đông đúc không kém. Cơ sở tré Bà Đệ trên đường Hải Phòng mấy ngày nay tấp nập người ra vào đặt hàng, chủ yếu khách tới mua làm quà đi các nơi và bỏ sỉ cho các điểm bán lẻ quen thuộc. Bà Lữ, chuyên làm nem chả tại chợ Cồn đắt hàng không kém. Bà cho hay đến ngày 30 Tết, khách vẫn lui tới nhà bà để mua nem chả. Mặt hàng mắm tôm chua, cà pháo của chị Lệ ở chợ Hàn luôn đông đúc, bởi đây là thời điểm khách hàng đặt đóng gói làm quà ra Bắc vào Nam. Các quầy hàng dưa món, củ kiệu, bánh chưng, hoa, trái cây, đồ cúng, thực phẩm đóng hộp và tươi sống… ít còn cảnh trả giá kì kèo vì ai nấy đều vội vã, muốn mua nhanh. Nhiều chủ hàng phải thuê thêm các nhân viên mùa vụ giúp bán hàng Tết từ sáng sớm đến tối om. Ngoài ra, tại các điểm bán tranh ảnh, vật trang trí như lồng đèn, dây treo hình đồng tiền, vàng miếng, thiệp chúc Tết, hoa khô, hoa và cây cảnh giả… người chọn mua tấp nập. 

 

Mô tả ảnh.
Không khí Tết đã tràn về trên khắp các đường phố.

Cũng như mấy năm trước, thời điểm cận Tết, giá cả các mặt hàng bao giờ cũng đắt lên thấy rõ, tăng lên từng ngày tùy theo cung-cầu của thị trường, nhất là từ 18 tháng Chạp trở đi, khi nhà nhà cúng tất niên, đưa ông Táo về trời. Những ngày từ 27 đến 30 Tết là cao điểm của mua sắm Tết, khi đó, nhiều mặt hàng đã vơi hoặc hết sạch bởi thông thường xe tải từ Nam-Bắc không về nữa, khiến hàng hóa bị làm giá là dễ hiểu. Vì vậy, kinh nghiệm của nhiều người là nên mua sắm sớm. Hiện tại, sự phong phú của hàng hóa, việc tham gia bình ổn giá tích cực của nhiều siêu thị, đơn vị kinh doanh, hệ thống bán lẻ trên địa bàn đã làm giảm bớt áp lực về giá khi cung khôngđủ cầu.

 

Mô tả ảnh.
Tại buổi trao quà cho hộ nghèo ở quận Hải Châu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn.

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, trong thời gian qua, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo, hướng dẫn các phòng ban, đơn vị trực thuộc và Phòng Văn hóa-Thông tin (VHTT) các quận, huyện tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong dịp Tết dương lịch, Tết cổ truyền dân tộc năm 2011 và dịp kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2011). Đến nay, các đơn vị đã hoàn tất mọi công tác tổ chức, chuẩn bị nhiều hoạt động phong phú, đa dạng nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi phục vụ nhân dân thành phố trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Sở cũng đã huy động các đơn vị ngoài công lập tích cực tham gia công tác tuyên truyền, cổ động bằng hình thức xã hội hóa. Phòng VHTT các quận, huyện đều nhiệt tình hưởng ứng tham gia Hội thi trang trí cổ động trực quan Mừng Đảng – Đón Xuân Tân Mão do Trung tâm Văn hóa thành phố tổ chức. Các quận, huyện đã hướng dẫn các phường, các khu dân cư treo băng-rôn, khẩu hiệu, cờ phướn, pa-nô trên các tuyến đường chính và trung tâm hành chính của quận, huyện…, đồng thời trang trí lại các cổng chào và các di tích lịch sử trên địa bàn; vận động và thông báo cho nhân dân tổng dọn vệ sinh đường làng, tổ dân phố và treo cờ Tổ quốc trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão và kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Các địa điểm vui chơi, giải trí, biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn cũng đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị trong và ngoài thành phố để tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật phong phú, phục vụ nhân dân vui Xuân.

 

Mô tả ảnh.
Dịp Tết, bánh chưng, bánh tét được tiêu thụ nhiều. (ảnh chụp tại chợ Hàn - thành phố Đà Nẵng)

Điểm nhấn cho các hoạt động này là Hội hoa Xuân Tân Mão sẽ diễn ra từ ngày 4-2 đến ngày 8-2 tại Công viên 29-3. Đợt trưng bày, giới thiệu và phục vụ Hội báo Xuân Tân Mão 2011 và trưng bày giới thiệu sách nhân kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng với 268 đầu báo, tạp chí trên cả nước và hơn 200 bản sách về Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, nhân dịp này, Thư viên Khoa học tổng hợp Đà Nẵng sẽ vận chuyển báo Xuân và tạp chí về phục vụ tại thư viện các quận, huyện.

 

Mô tả ảnh.
Cận Tết, dịch vụ đánh bóng lư đồng cũng trở nên tấp nập. (ảnh chụp trên đường Trưng Nữ Vương- Đà Nẵng)

Phòng VHTT các quận, huyện cũng sẽ tổ chức nhiều chương trình văn nghệ chào mừng năm mới. Phòng VHTT huyện Hòa Vang sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân tại sân trước Trung tâm Hành chính huyện vào tối 30 tháng Chạp; Phòng VHTT quận Cẩm Lệ và Đoàn Ca múa nhạc Đà Nẵng cũng tổ chức 3 đêm văn nghệ phục vụ nhân dân tại 3 phường thuộc quận Cẩm Lệ; Phòng VHTT quận Sơn Trà thực hiện Chương trình văn nghệ chào mừng năm mới và kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Đảng vào tối 30-1 tại sân khấu ngoài trời gần chân cầu Sông Hàn…

Bên cạnh đó, Phòng VHTT quận Liên Chiểu sẽ tổ chức chương trình Dạ hội - Văn nghệ mừng Xuân mới tại chợ Hòa Khánh. Phòng VHTT quận Thanh Khê tổ chức Đêm văn nghệ mừng năm mới 2011 tại sân Siêu thị Bài Thơ cũ (nay là Trung tâm Thương mại Nguyễn Kim Đà Nẵng). Chương trình văn nghệ “Mừng Đảng - đón xuân” tại quảng trường trước Nhà hát Trưng Vương do Phòng VHTT quận Hải Châu thực hiện…

 

Mô tả ảnh.
Hoa nhựa Tết, bao lì xì được bày bán khắp nơi. (Ảnh chụp trên đường Hùng Vương-Đà Nẵng)

Theo đánh giá của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhằm phục vụ nhân dân vui Xuân, đón Tết cổ truyền dân tộc năm nay sẽ diễn ra phong phú, đa dạng và rộng khắp hơn mọi năm. Nhiều chương trình ca múa nhạc được dàn dựng công phu, có chất lượng nghệ thuật cao, nhằm ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, ca ngợi đất nước vào Xuân với nhiều thành tựu mới… sẽ góp phần cho nhân dân thành phố vui Xuân, đón Tết lành mạnh và nhiều phấn khởi trước thềm năm mới.

Bài: Duyên Anh - VĂN NỞ

Ảnh: ĐẮC MẠNH

;
.
.
.
.
.