.

Việc thực hiện pháp luật lao động: Còn nhiều bất cập

.

Trong tháng 12 vừa qua, Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng đã có đợt kiểm tra về việc thực hiện pháp luật lao động tại hơn 20 doanh nghiệp. Qua đó, đã phát hiện nhiều tồn tại, nhất là những bất cập về hợp đồng lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động...

Mô tả ảnh.
Người lao động cần được đóng BHXH để được hưởng đầy đủ quyền lợi của mình.

Còn nhiều tồn tại...

Vào những ngày cuối năm, Sở LĐ-TB&XH đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Daiwa Việt Nam ở Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu. Đây là đơn vị chuyên sản xuất dụng cụ thể thao, hiện có khoảng hơn 2 ngàn lao động gồm cả người Việt Nam và nước ngoài (lao động là người nước ngoài có 6 người). Trong đó: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn có 17 người, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng: 2.050 người, ký hợp đồng học việc có 45 người. Nhìn chung, việc chấp hành pháp luật lao động của đơn vị này đầy đủ so với quy định pháp luật lao động như: Đóng BHXH, BHYT, BHTN; chi trả trợ cấp thôi việc, lập thủ tục và giải quyết trợ cấp ốm đau, thai sản kịp thời; đã ký kết hợp đồng lao động, thành lập Hội đồng hòa giải, Hội đồng bảo hộ lao động; xây dựng và đăng ký nội quy lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại như: Chưa đăng ký thang lương, bảng lương theo quy định Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31-12-2002 của Chính phủ; chưa tiến hành làm thủ tục cấp sổ lao động cho người lao động làm việc tại công ty, theo quy định tại Điều 183, Bộ luật Lao động; chưa đăng ký các quy chế như: Quy chế trả lương, quy chế thưởng, quy chế nâng bậc lương theo quy định...

Còn tại Công ty TNHH Hoàn Mỹ Đà Nẵng (ở quận Hải Châu), đoàn cũng đã kiểm tra về tình hình sử dụng lao động của đơn vị. Công ty chuyên về dịch vụ giao nhận, vận chuyển hàng hóa, giặt là, làm sạch môi trường... với 317 lao động đang làm việc, trong đó, hợp đồng xác định thời hạn từ 12-36 tháng là 288 người, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định dưới 3 tháng là 29 người. Đơn vị này cũng có những sai phạm nhỏ, như Hợp đồng lao động ghi chưa đúng quy định tại Thông tư số 21/2003-BLĐTBXH ngày 22-9-2003 của Bộ LĐTBXH...

Không biết hay... không muốn

Chỉ tính riêng trong năm 2010, Sở đã tổ chức nhiều lớp tập huấn pháp luật lao động cho hàng trăm người sử dụng lao động và tuyên truyền viên của doanh nghiệp. Bước đầu đã có nhiều doanh nghiệp tiến hành phổ biến pháp luật lao động cho người lao động trong đơn vị mình. Những đơn vị tổ chức tốt công tác phổ biến pháp luật cho 100% người lao động như Tổng Công ty Cảng hàng không miền Trung, Công ty Liên doanh Trung tâm dịch vụ Total Việt Nam...

Do đó, sau gần 2 năm thực hiện Đề án 31, toàn thành phố đã có trên 18 ngàn người được tham dự các lớp tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động, trong đó có 448 người sử dụng lao động, hơn 1.500 cán bộ phụ trách nhân sự và đại diện Ban Chấp hành Công đoàn, 212 cán bộ tuyên truyền viên pháp luật của doanh nghiệp và trên 16 ngàn người lao động. Sở LĐ-TBXH  còn mở các lớp phổ biến toàn diện pháp luật lao động, các lớp chuyên đề về bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động, tổ chức hoạt động diễn tập về phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại về chấp hành pháp luật lao động, qua các đợt kiểm tra nào cũng thấy các đơn vị vẫn còn vi phạm, chủ yếu là về vấn đề hợp đồng lao động hoặc không đăng ký nội quy lao động, không đăng ký thang lương, bảng lương, chậm nộp bảo hiểm xã hội, nợ lương, không đăng ký cấp phép lao động cho người nước ngoài...

Không thể nói là các đơn vị không biết về pháp luật lao động. Lý giải về vấn đề này, một cán bộ lãnh đạo Sở cho rằng: Đó là do nhiều nơi không muốn cho người lao động hiểu biết nhiều về pháp luật lao động, họ chỉ muốn người lao động cam phận, tuân thủ theo sự điều hành có lợi cho mình. Nhiều hành vi “lách” luật, không muốn ký hợp đồng trên 3 tháng cho người lao động, nhất là các công ty chuyên về thủy sản, may mặc. Một giám đốc doanh nghiệp giải thích rằng: Ký hợp đồng dài hạn, đóng BHXH xong xuôi, làm được vài  bữa lao động lại nghỉ việc, lại phải thay đổi, rất mất thời gian. Nói đi thì cũng nói lại, người lao động vẫn còn chưa ý thức hết quyền lợi của mình, nhiều lao động phổ thông vẫn chưa gắn bó với cơ sở làm việc. Đó là chưa nói tới nhiều lao động thời vụ kiếm việc lúc nông nhàn, muốn ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng để không bị trừ 8,5% (6% BHXH, 1,5% BHYT, 1% BHTN). 

Bài và ảnh: Phương Trà

;
.
.
.
.
.