Những ngày làm việc đầu năm đã thực sự bắt đầu, nhưng không ít nhân viên, công chức làm giờ hành chính vẫn chịu sầu ngồi nhà, thay vì đến cơ quan đúng theo quy định, chỉ vì người giúp việc (NGV) về quê chưa lên!
Vợ chồng thay nhau người đi làm, người ở nhà chăm con, nội trợ trong lúc đợi người giúp việc “ăn Tết” xong. (ảnh minh họa)
|
Anh D. (một công chức xin được giấu tên) cho biết, trước khi NGV về quê ăn Tết, giữa hai bên đã có cuộc “cò kè” ngày trở lại. Theo quy định, vợ chồng anh phải đi làm vào sáng mùng 6 Tết, nhưng NGV đòi mùng 10 mới rời Đại Lộc ra Đà Nẵng. Lý do của chị này là để đợi cúng... mùng 9 (cúng đầu năm) xong, sắp xếp việc riêng của gia đình đâu vào đó mới chịu lên phố. Anh D. cho hay: “Lương mỗi tháng 1,5 triệu đồng đâu có ít, trước Tết còn quà cáp đàng hoàng, nhưng rút cục của sự mặc cả thì chúng tôi vẫn là người thua cuộc. Đã thế, sau Tết, tôi sẽ chuẩn bị đón nhận... đợt hô giá mới!”.
Có vẻ, vợ chồng chị Anh Thư (nhân viên PR của một công ty tổ chức sự kiện trên địa bàn thành phố) không đến nổi hao hơi tốn sức nài nỉ như gia đình anh D., vì NGV đã khẳng định như đinh đóng cột trước ngày lên đường là đúng mùng 6 sẽ có mặt. Thế nhưng, vào giờ G, chị Anh Thư nhận được cuộc gọi từ Thanh Hóa (quê của NGV) rằng: “Đợi mùng 10 chị ạ, em chưa giải quyết hết chuyện nhà!”. Giống như anh D., sau khi lo mọi khoản chi phí khác, chị Thư trả cho NGV 1 triệu đồng/tháng và có cả khoản thưởng Tết để chị giúp việc phấn khởi. Chị Thư cho biết: “Giờ chuyện đã rồi. Biết trách ai, kiện ai?”.
“Trói” nhau bằng... lời hứa
Theo chị Thư, cũng phải đành ngậm ngùi vượt qua những ngày khó khăn này, vì giữa bên sử dụng lao động và người lao động không có bất kỳ sự ràng buộc nào, ngoài “hợp đồng… miệng”! Chị Thư cho rằng: “Chuyện làm hợp đồng chỉ mang tính hình thức trong khi chúng tôi chưa rõ luật về người giúp việc. Hơn nữa, giả như ký hợp đồng rồi, trong trường hợp NGV vi phạm, mình cũng chẳng nỡ nào đòi bồi thường khi họ đã quá nghèo”.
Hiện nay, bên cạnh đối tượng NGV được tiếp nhận qua các trung tâm dịch vụ việc làm, thì một phần không nhỏ NGV đến từ các vùng quê nghèo trên cả nước được những người quen biết giới thiệu qua lại cho nhau. Chính vì lý do này, nhiều người ngại ngần khi xử lý “thẳng tay” trong những tình huống NGV sai phạm, vì sợ đụng chạm chỗ quen thân. Chủ nhà chỉ còn cách tự cắt xén thời gian tại cơ quan để ngồi nhà trông ngóng.
Nếu vợ chồng anh D. thay nhau người đi làm, người “cắm cửa”, thì chị Thư đã xin nghỉ việc cho đến khi nào NGV chịu trở lại. Chị Thư cho biết, hao tổn từ chuyện này là không nhỏ, bởi công việc bị xáo trộn và còn bị trừ lương, thưởng do không bảo đảm ngày công lao động của công ty.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm phụ nữ thành phố Đà Nẵng, thời điểm trước và sau Tết, nhu cầu tuyển NGV rất lớn, nhưng hiện nay trung tâm chưa đáp ứng được do chưa có nguồn cung ứng lao động thường xuyên. Thực tế tại thành thị, sử dụng NGV là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, cho đến nay, việc quản lý các đối tượng này vẫn chưa được các cơ quan chức năng làm rõ, khiến thị trường lao động này gần như đang bị rơi vào trạng thái được ai nấy nhờ, thiệt ai nấy chịu.
THU HOA