Dọc theo con đường đất đỏ ba-zan về hướng phía tây, chúng tôi về Tà Lang, một bản cuối cùng của xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Con đường lên thôn rộng chừng 6m, hai bên cây rừng, cỏ dại mọc um tùm. Chiếc xe Uoát của chỉ huy Đoàn S80 Hải quân cùng 2 chiếc xe JIN-131 cứ lắc qua, lắc lại bởi những khúc đường cua quanh co gập ghềnh.
Giao lưu văn nghệ ở Hòa Bắc. Ảnh: VĂN HOA |
... Sau khi trao đổi, làm việc với chính quyền địa phương, đoàn công tác gồm 30 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn S80 nhận nhiệm vụ giúp địa phương xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước từ con suối trên sườn núi cao quanh co theo triền đồi về những nương ngô, sắn mới trồng nhưng bị vàng úa bởi đợt nắng hạn kéo dài vừa qua. Bộ phận còn lại tiến hành tu sửa trường lớp bị dột, xuống cấp do bão hoành hành năm ngoái; đóng lại bàn ghế, đồ dùng học tập để các em kịp thời gian khai giảng năm học mới. Nhiệm vụ của đoàn công tác tương đối nặng nề, công việc đòi hỏi mất nhiều công sức, thời gian, tiến độ phải nhanh để kịp cứu những ruộng ngô đang khát nước.
Về với Tà Lang, ngay trên công trường mà mấy cậu lính trẻ tinh nghịch đặt tên là “công trường tình yêu” rộn vang tiếng cuốc, xẻng lẫn trong tiếng hát, tiếng cười giòn tan của các cô gái dân tộc Cơtu giờ đã không còn e thẹn, ngại ngùng như ngày đầu mới gặp, đã nhanh chóng xua đi cái nắng nóng, mệt nhọc. Đâu đó vang lên câu hát của mấy chiến sĩ trẻ tình tứ: “Có yêu nhau, nhìn nhau một tí, để trong tim còn có mắt nhau, có yêu nhau phải gần nhau hơn nữa, để công việc chóng thành công hơn”. Sau những tiếng cười khúc khích, các cô gái Cơtu cũng đáp lại mạnh dạn và tình tứ không kém: “Có thương em, về cùng em thưa mẹ cha với Tà Lang yêu dấu, có thương em để ngọn bầu, ngọn bí trổ nhụy đơm hoa”...
Đêm đêm, bên ánh lửa bập bùng giữa núi rừng đầy huyền bí, tôi được nghe mẹ Nùi kể bao chuyện đã trở thành huyền thoại nơi đây về tình người, tình núi rừng, nơi khởi nguồn của những con sông, dòng suối từ rất xa xưa ở vùng đất này. Mẹ kể: Khi xưa nơi đây là núi rừng hoang vu, chỉ toàn thú dữ, rắn rết, nên ít người ở, từ ngày bộ đội giải phóng mở đường tiến vào Nam đánh Mỹ, rồi ở lại giúp bà con xây dựng cuộc sống mới, đồng bào Cơtu các nơi mới đến tụ hội đông vui thế này. Mẹ nói: Bộ đội khi nào cũng giỏi hết nờ! Ngày xưa thì giúp bà con đuổi bọn thổ phỉ đến cướp phá mùa màng, bắt con heo, con bò, ngày nay thì giúp bà con đưa nước về đồng, làm cho bà con cái nhà, dựng trường dựng lớp cho bọn trẻ, mang cái chữ về bản làng! Bộ đội thật giỏi, cái chi cũng biết, cái chi cũng làm được! Đúng là “Bộ đội Cụ Hồ” mà!
Một tháng trôi qua, công việc hoàn tất, đã đến ngày cán bộ, chiến sĩ của Đoàn phải chia tay với bà con để trở về đơn vị nhận nhiệm vụ mới. Cảm giác sắp phải xa nơi đây, xa những con người hiền lành, chất phác luôn tràn ngập tình cảm yêu thương, xa những câu chuyện kể về mảnh đất Tà Lang đầy những hư linh, huyền thoại của mẹ Nùi khiến tôi nghèn nghẹn đến phát khóc! Tạm xa “công trường tình yêu” nơi đã để lại bao tình cảm lưu luyến giữa những cô gái của núi rừng Tà Lang với những người lính biển, xa ánh mắt nụ cười thân thương trìu mến.
Đêm chia tay, từ người già đến con trẻ của bản làng đã thức trắng cùng với những lời ca, tiếng hát của bà con dân tộc dành cho bộ đội vang lên giữa núi rừng lẫn trong tiếng gió của đại ngàn mênh mang. Chóe rượu cần cứ vơi đi rồi lại đầy, chúng tôi nắm tay những cô gái Cơtu dịu hiền tung tăng nhảy múa quanh đống lửa giữa núi rừng Tà Lang hùng vĩ cho đến khi chỉ còn lại những ánh mắt trao nhau và những lời dặn dò tha thiết. Chợt một bàn tay con gái níu cánh tay tôi hỏi: Mùa rẫy sang năm bộ đội có về nữa không? Trong men say ngây ngất của hương rượu cần, tôi nhìn thấy trong mắt em một niềm tin, niềm mong đợi tha thiết: Năm nào bộ đội cũng về mà! Về để cùng bà con Tà Lang xây dựng thôn bản, để cùng con gái của Tà Lang ca hát, nhảy múa chứ!
BÙI NGỌC DƯƠNG