Ngoài chuyên chở hành khách đi lại, các tuyến xe buýt Đà Nẵng đi Quảng Nam kiêm luôn nhiệm vụ chở hàng hóa và người buôn chuyến. Tuyến xe buýt Đà Nẵng - Tam Kỳ được đưa vào hoạt động từ tháng 9-2006, với 4 đơn vị vận tải (2 đơn vị của Quảng Nam và 2 đơn vị của Đà Nẵng) là tuyến có lượng khách lớn.
Từ khi có tuyến xe buýt này, nhiều bà con chuyên đi buôn chuyến đi lại đỡ vất vả hơn, cứ 15 phút có một chuyến, rất thuận tiện. Người đi suốt tuyến từ Đà Nẵng đến Tam Kỳ phụ xe thu 20.000 đồng/người, người đi từng chặng từ Đà Nẵng đến Cẩm Lệ, Hòa Phước, Vĩnh Điện, Nam Phước, Hà Lam… giá cước cũng linh hoạt, khá tiện lợi cho hành khách. Ngày thường, mỗi chuyến xe chạy tuyến Đà Nẵng - Tam Kỳ đến trạm dừng trước UBND phường Chính Gián đón nhận nhiều hành khách và hàng hóa, đến Bệnh viện Quân y 17 là hết chỗ ngồi, hành khách lên xe bắt đầu phải đứng. Vào những dịp cuối tuần, hành khách mỏi mệt đứng chen chúc, xe không còn chỗ đứng. Nhiều lúc trời nắng nóng bức, xe không bật quạt gió hoặc điều hòa nhiệt độ, phụ xe phục vụ hành khách không lịch sự, hay xảy ra cãi cọ, to tiếng với nhau… Tuyến xe buýt Đà Nẵng - Ái Nghĩa hình thành từ tháng 2-2007 đến nay với cự ly 35km, bình quân 30 phút/chuyến, cũng luôn chật ních hành khách là công nhân, sinh viên, hành khách đi thăm người thân, bà con đi buôn chuyến.
Tháng 11-2010, UBND thành phố Đà Nẵng và Ngân hàng Thế giới (WB) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Tổng kết nghiên cứu tiền khả thi Hợp phần Xe buýt chất lượng cao BRT” do WB tài trợ. Theo đó, trong giai đoạn đầu, tuyến xe buýt nhanh BRT (Bus rapid transit) có làn đường riêng biệt đi như sau: KCN Hòa Khánh - đường Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng - Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Văn Linh - cầu Rồng - Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn - Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa - Trường Cao đẳng CNTT Việt-Hàn và ngược lại. Ban đầu sẽ sử dụng 33 chiếc xe buýt dài 12m, cỡ trung, sàn cao, 2 cửa bên trái và 1 cửa bên phải, có công suất tối đa 100 khách; sau này sẽ sử dụng loại xe buýt nối toa lớn có công suất tối đa từ 140-200 khách. Chi phí đầu tư cho dự án khoảng hơn 13 triệu USD từ nguồn vốn vay ưu đãi của WB và nguồn vốn đối ứng ngân sách thành phố. |
Các đơn vị vận tải cũng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lái xe và nhân viên phục vụ trên xe nắm vững các quy định của Bộ, UBND và Sở Giao thông-Vận tải 2 tỉnh, thành; rà soát và cắm lại biển trạm dừng đã hư hỏng và theo những lộ trình mới được phép chạy của từng tuyến; tăng cường công tác kiểm tra nhằm chấn chỉnh kịp thời những hành vi sai trái của lái xe như bỏ phiên chuyến, phóng nhanh, vượt ẩu, đậu dừng đón khách không đúng quy định, chạy sai lộ trình; tập trung phương tiện nhằm phục vụ tốt nhất cho học sinh tham dự kỳ thi đại học, cao đẳng và phục vụ nhân dân đi lại dịp lễ, Tết; khi đưa phương tiện ra hoạt động xe phải sạch sẽ, có đủ giấy tờ, trong xe phải sử dụng máy điều hòa nhiệt độ trong suốt quá trình hoạt động trên tuyến đối với những tuyến đã có thống nhất…
Theo Sở Giao thông-Vận tải thành phố Đà Nẵng, sắp đến 2 Sở sẽ tổ chức ký kết quy chế liên Sở về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giữa tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, gồm các quy định về tổ chức thực hiện lộ trình các tuyến, biểu đồ xe chạy, phương tiện… Hai Sở cũng sẽ tổ chức họp nhằm đánh giá các khó khăn, thuận lợi, đề xuất của các đơn vị vận tải; nhu cầu đi lại của người dân và du khách… để có giải pháp tổ chức, quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giữa 2 tỉnh, thành.
Còn theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tuyến xe buýt Tam Kỳ-Đà Nẵng dường như đang quá tải, nhiều hành khách lên xe phải đứng từ Bệnh viện Quân y 17 vào đến thị trấn Hà Lam (hơn 40km). Vào mỗi chiều chủ nhật, sinh viên từ Tam Kỳ ra lại Đà Nẵng đông, phải đứng chen chúc, mệt mỏi, nóng hầm hập từ Tam Kỳ ra đến đường Nguyễn Hữu Thọ-Nguyễn Tri Phương (Đà Nẵng). Thiết nghĩ, các doanh nghiệp tham gia tuyến xe buýt Đà Nẵng-Tam Kỳ cần nghiên cứu đề xuất tăng phương tiện, giảm thời gian giãn cách để giảm tình trạng quá tải.
Bài và ảnh: NAM TRÂN