.

Cháy... hết đường chạy

Mùa nắng nóng lại cận kề, những người dân sống trong các kiệt, hẻm ở Đà Nẵng lại nơm nớp lo sợ cháy nổ xảy ra. Bởi tại những nơi này, khi chẳng may hỏa hoạn xảy ra sẽ chẳng còn đường đâu mà chạy.

 

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC, Công an thành phố Đà Nẵng, trong năm 2010, phòng đã trực tiếp tham gia chữa cháy 105 vụ. Trong đó, cháy ở khu dân cư và cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ chiếm tỷ lệ cao (76,4%).

Kiệt 210, đường Trần Cao Vân được biết đến là một trong những kiệt hẻm nhỏ và ngoằn ngoèo nhất trên tuyến đường này. Đầu hẻm có chiều rộng chừng 1,2m, hai xe máy có thể dừng lại để tránh nhau được, nhưng càng vào sâu, những nút thắt cổ chai, những ngách nhỏ có bề ngang chưa đầy 1m chạy sâu vào trong từng khu dân cư khiến người điều khiển xe máy đi lại còn khó khăn chứ chưa nói đến khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Anh Phạm Ngọc, trú tại đây cho biết, sống ở những con hẻm này, mỗi lần nghe đến cháy nổ là người dân lo sợ, nếu có sự cố cháy nổ xảy ra, con người còn không biết có giữ được tính mạng không chứ nói gì đến tài sản!

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn Đà Nẵng có rất nhiều những kiệt hẻm nhỏ và sâu tương tự ở các tuyến đường thuộc trung tâm thành phố. Tuy nhiên, tại những nơi này, công tác phòng, chống cháy nổ của người dân chưa được chú trọng. Theo kinh nghiệm, nếu cháy nổ xảy ra, thì vai trò của lực lượng chữa cháy tại chỗ là rất quan trọng, có thể kìm hãm đám cháy và chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến ứng cứu. Tại các kiệt hẻm, vai trò của lực lượng này lại càng quan trọng hơn, bởi khi có sự cố xảy ra, chủ yếu dựa vào lực lượng tại chỗ là chính, các phương tiện chữa cháy hiện đại rất khó tiếp cận và tác chiến với “bà hỏa” trong các kiệt hẻm này. Thế nhưng, dụng cụ phòng chống cháy nổ ở những nơi này chỉ là vài cái xẻng, vài cây gỗ tự chế… do dân phòng quản lý, tuyệt nhiên không có một công cụ chữa cháy hiện đại, kể cả những họng nước cứu hỏa - một phương tiện rất cần trong công tác chữa cháy.

Chính vì thế, nguy cơ cháy nổ và cháy lớn luôn rình rập và đe dọa tính mạng của những người dân ở các khu dân cư đông đúc, nhất là ở những kiệt, hẻm. Trong mùa nắng nóng hanh khô, đề phòng tai họa cháy nổ là việc hết sức cần thiết. Thực tế đã có nhiều bài học từ những vụ cháy lớn, nhưng nhiều nơi vẫn còn chủ quan, mất cảnh giác trong việc phòng cháy chữa cháy.

Trước thực trạng trên, theo Thượng tá Nguyễn Huy Phong, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC, Công an thành phố Đà Nẵng thì các khu dân cư, nhất là những khu dân cư có nhiều con hẻm hẹp, sâu cần tăng cường công tác tuyên truyền trong người dân, thường xuyên tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC để khắc phục kịp thời các nguy cơ gây cháy nổ; xây dựng và củng cố hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ, trang bị phương tiện, huấn luyện nghiệp vụ để lực lượng này có khả năng phát hiện, báo cháy và dập tắt cháy ngay từ đầu. Ðối với mỗi gia đình, cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, các thiết bị điện, bếp đun để kịp thời khắc phục những nguy cơ gây cháy, nổ; tắt nguồn lửa và ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng; cẩn trọng trong việc thắp hương, đốt vàng mã vào dịp cúng kính, lễ hội; trang bị phương tiện PCCC tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, nước chữa cháy và hướng dẫn các thành viên trong gia đình cách sử dụng; có phương án thoát nạn thật cụ thể cho người và tài sản khi có cháy xảy ra.

Tai họa cháy, nổ xảy ra đôi khi không phải do con người mà do thời tiết khí hậu. Vì thế, mỗi khu dân cư cần tuyên truyền và kêu gọi mọi người dân thực hiện thật tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại khi có cháy, nổ xảy ra.  

VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.