Chủ nhà trọ “tát nước theo mưa”
Hoàng Ngọc Hùng, sinh viên lớp 09CBC - Khoa Ngữ Văn (Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng), ở trọ trên đường Phạm Như Xương cho biết, phòng trọ em ở trước Tết bà chủ thu tiền điện 2.500 đồng/chữ, giờ được thông báo tăng lên 3.000 đồng/chữ.
Mặc dù rất nhiều chủ nhà cho sinh viên thuê trọ có hợp đồng đăng ký mua giá điện ưu đãi, nhưng rất hiếm khi các bạn được hưởng quyền lợi này. |
Khi được hỏi về vấn đề sinh viên trong dãy trọ có đăng ký mua điện theo giá của một hộ gia đình, Mai cho hay, khi vào ở bà chủ nhà đã thông báo cho mọi người trong xóm trọ đưa giấy đăng ký tạm trú tạm vắng để đi đăng ký mua điện theo giá ưu đãi của Nhà nước, nhưng đăng ký rồi mà sinh viên vẫn không được hưởng.
“Khi bọn em thắc mắc, trao đổi với chủ nhà trọ, thì chủ nhà cho biết, tiền điện tăng, rồi tiền lắp đặt công tơ, tiền “hao mòn” đường dây điện… nên phải trả giá mức đó. Nếu bạn nào ở được thì trả tiền mà không ở thì cứ đi kiếm nơi khác", Hùng cho hay.
Chị Nguyễn Thị Hoa (công nhân Công ty cổ phần đầu tư Quốc Bảo), trọ trên đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà, cho biết dãy trọ của chị có 6 phòng, 14 người thuê, tiền điện trả 2.000 đồng/chữ. “Giờ thấy giá điện tăng nên nhà chủ cũng nói sắp tới sẽ tăng lên, mà lương công nhân thì chẳng thấy tăng”, chị Hoa lo lắng. Tương tự, chị Trần Thị Thanh Phúc, công nhân Công ty TNHH May mặc Liên Đỉnh, dãy trọ của chị ở kiệt 261 đường Ngô Quyền, chủ nhà chủ thu tiền điện 2.000 đồng/chữ.
Khi hỏi có biết được quy định sinh viên, công nhân… thuê trọ nếu có hợp đồng thuê nhà, đăng ký tạm trú đầy đủ theo quy định sẽ được mua điện theo giá ưu đãi của Nhà nước, thì cả hai đều nói có nghe nói nhưng cũng... không quan tâm lắm.
“Lúc đầu thuê nhà thì chỉ thỏa thuận bằng miệng với chủ nhà về giá phòng, điện, nước chứ chẳng có hợp đồng gì. Hàng tháng chủ nhà thông báo hết bao nhiêu thì nộp bấy nhiêu. Biết là giá điện, nước bị thu cao hơn quy định nhưng tụi tôi cũng chỉ biết vậy mà thôi”, chị Trúc nói.
Trần Thùy Dung (sinh viên Trường Đại học Đông Á), trọ trên đường Đống Đa (quận Hải Châu) bức xúc cho biết, cả dãy 4 phòng trọ, bà chủ thu tiền điện 2.500 đồng/chữ nhưng đồng hồ điện thì không lắp ở từng phòng mà được “gom” lại vào một phòng của nhà chủ để “tiện theo dõi”.
“Đến hết tháng bà chủ chỉ đưa tờ giấy viết tay, ghi số tiền điện và tiền nước mỗi phòng phải đóng và hẹn ngày trả tiền. Em thắc mắc, nói sao không ghi rõ số điện thì cô chủ cáu gắt, nói với vẻ khó chịu: tiền nước rõ ràng nên ghi ra đó, số còn lại thì lấy tổng trừ đi là ra tiền điện”, Dung nói.
Theo báo cáo của Sở Công thương Đà Nẵng, từ ngày 15-4 đến ngày 26-4-2010, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Thanh tra, Phòng Quản lý điện (Sở Công thương), Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, chuyên viên Phòng Kinh tế của các quận, huyện…đã kiểm tra việc thực hiện giá bán lẻ điện tại 66 địa điểm thì có 63 hộ cho thuê nhà vi phạm giá bán điện theo Thông tư 08.
Giá bán điện của các hộ cho thuê nhà thấp nhất là 800đồng/kWh, cao nhất là 2.500đồng/kwh, mức 1.500 - 2.000đồng/kWh là phổ biến.
Đáng buồn là dù phát hiện tình trạng thu tiền điện “cắt cổ” như trên nhưng theo Sở Công thương, đơn vị này không có thẩm quyền xử phạt chủ nhà trọ bán điện cao hơn giá quy định mà sẽ lập danh sách các trường hợp trên chuyển đến cơ quan chức năng xử lý.
Ông Nguyễn Đức Tuyến, Phó Chánh thanh tra Sở Công thương cho biết, trong năm 2010, Thanh tra Sở chỉ nhận được duy nhất 1 đơn thư của sinh viên phản ánh về việc trọ trên đường Pasteur, quận Hải Châu phải mua điện với giá 3.000đồng/kW. Đoàn đã kiểm tra và lập biên bản, rồi cũng chỉ dừng ở mức… nhắc nhở đối với trường hợp này.
Trả lời câu hỏi trong năm 2011 khi nào Sở Công thương lập Đoàn đi kiểm tra việc thực hiện giá bán điện của các chủ nhà trọ, ông Nguyễn Pháp, Trưởng phòng Quản lý điện (Sở Công thương thành phố Đà Nẵng) cho hay: tới thời điểm này vẫn chưa có kế hoạch gì, nếu có chắc cũng phải cuối tháng 3 này, chứ giờ nhiều công việc lu bu quá (!?)…
Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Đà Nẵng, cho biết mặc dù chủ nhà trọ sai phạm trong bán điện, nhưng nhiều người khi thuê trọ chỉ hợp đồng bằng miệng, nên không đủ cơ sở pháp lý để làm thủ tục mua điện theo giá sinh hoạt.
Hơn nữa, nhiều người có hợp đồng thuê nhà nhưng trong đó lại không ghi giá điện, nước phải trả, khi kiểm tra chủ nhà trọ đã chối là thu tiền điện giá cao nên khó khăn trong khi lập biên bản.
Ông Phúc cho biết, những trường hợp người thuê trọ phải mua điện giá cao muốn phản ánh thì phải chứng minh được thực tế thông qua biên lai thu tiền điện của chủ nhà. Người thuê nhà bị mua điện với giá cao cũng có thể phản ảnh đến số điện thoại 05113. 895.300 (Tổ tiếp nhận hồ sơ 1 cửa thuộc Sở Công thương) và số điện thoại của Thanh tra Sở Công thương: 05113. 822.103 để được giải quyết.
Thông tư số 05/2011/TT – BCT ngày 25-2-2011 của Bộ Công thương quy định, sinh viên, người lao động sẽ được trực tiếp mua điện giá bậc thang nếu đáp ứng đủ điều kiện (có hợp đồng thuê nhà và đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên), chủ nhà trọ có trách nhiệm thu của người thuê theo đúng quy định giá điện sinh hoạt (50kWh đầu giữ ở mức 993 đồng/kWh). Người thuê nhà được lựa chọn một trong hai phương án: Hoặc trực tiếp ký hợp đồng với bên bán điện để mua điện theo đúng giá bậc thang sinh hoạt cho hộ gia đình. Trường hợp này, hộ thuê nhà phải có từ bốn người trở lên, có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên có xác nhận đăng ký tạm trú. Nếu thuê nhà dưới 12 tháng, hợp đồng mua bán điện sẽ phải do chủ nhà ký và người thuê chịu thêm 10% so với giá bán trên hoá đơn. Phương án nữa là người thuê nhà có thể mua công tơ trả trước và trả qua thẻ (lắp vào công tơ) mà không cần ký hợp đồng mua điện. Về việc khiếu nại chủ nhà trọ tính tiền điện sai giá quy định, theo Điểm c, Khoản 3, Điều 14 Nghị định 68 ngày 15-6-2010 của Chính phủ (quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực), cá nhân tự ý bán điện cho tổ chức, cá nhân sử dụng điện khác trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt sẽ bị xử phạt hành chính từ 2 - 4 triệu đồng. |
Bài và ảnh: Đắc Mạnh – Lâm Thơ