.
Kỷ niệm 85 năm Ngày mất Phan Châu Trinh (24-3-1926 – 24-3-2011):

Phan Châu Trinh và chuyến đi Nhật Bản

Trong cuộc đời hoạt động của Phan Châu Trinh, chuyến đi Nhật Bản đầu năm 1906 có một vai trò đặc biệt quan trọng.
 
Mặc dầu vào lúc đó  phong trào Duy Tân đã phát triển ra khắp cả nước, các cơ sở kinh tế, các học hội, thương hội, nông đoàn, hợp xã, canh nông hội, cúp tóc, ăn mặc theo Âu Tây, học chữ quốc ngữ, học tiếng Pháp... đã đi vào hoạt động và bắt đầu tạo nên một làn sóng ý thức mới về một con đường cụ thể để canh tân đất nước; thế nhưng thật ra, trước khi Phan Châu Trinh đi Nhật, một hệ thống lý thuyết hoàn chỉnh chưa hình thành, tất cả mới chỉ là những nét phác họa ban đầu, thiên về thực tiễn hành động hơn là một chủ thuyết có tôn chỉ, cương lĩnh. Theo các văn bản thì trước khi đi Nhật, Phan Châu Trinh thường nêu hai trọng điểm chủ yếu là Dân trí và trị sinh, sau khi đi Nhật về ông mới hoàn chỉnh cả tuyên ngôn: Nâng dân trí, chấn dân khí, hậu (trong hùng hậu, làm cho dày lên) dân sinh.

Phan Châu Trinh đi Nhật, ngoài ý muốn quan sát kết quả duy tân của Nhật còn những lý do chính trị khác: Ông muốn tận mắt thấy thái độ của Chính phủ Nhật với Việt Nam có đáng tin cậy hay không; khả năng đưa thanh niên Đông du học tập mà ông rất tán thành ra sao; kinh nghiệm mấu chốt của Nhật trong Duy tân là gì.
Huỳnh Thúc Kháng viết về chuyến đi Nhật của Phan Châu Trinh vắn tắt như sau: “Có người hỏi mục đích của tiên sinh thế nào. Tiên sinh nói rằng: Việc đời không thể ngồi một xó mà nói được. Huống chi thời cuộc bây giờ như gió mây biến đổi trăm ngàn dạng hình, có đi tới nơi mới thấy rõ được”.

Ông rời Bình Thuận về Quảng Nam tháng 12 năm 1905, thế mà hạ tuần tháng 2 năm 1906 ông đã giáp mặt Phan Bội Châu ở Quảng Đông. Trong hai tháng trời với phương tiện thời đó, chủ yếu là đi bộ, ông đã vượt qua hơn 2 ngàn cây số đường đất để đến Hải Phòng rồi sang Hương Cảng. Ý chí và tâm huyết của một chí sĩ yêu nước như tiếp sức cho ông trên suốt chặng đường dài vất vả ấy.

Về hoạt động 2 tháng ở Nhật, Phan Châu Trinh không để lại văn bản hoặc tự thuật nào mà chỉ có các văn bản của Phan Bội Châu hoặc Huỳnh Thúc Kháng với những nội dung rất sơ sài:

“Phan quân (Bác) đi chuyến này cốt muốn xem tình trạng văn minh của Nhật. Chúng tôi đến Hoàng Tân, đi xem khắp các trường học và các nơi danh tiếng ở thành Đông Kinh, lại giáp mặt nhiều danh nhân nước Nhật. Cách sau mấy tuần ông nói với tôi:

- Xem dân trí Nhật Bản rồi đem dân trí ta ra so sánh, thật không khác gì đem con gà con đọ với con chim cắt (diều hâu) già. Giờ Bác ở đây, nên chuyên tâm ra sức vào việc văn, thức tỉnh đồng bào cho khỏi tai điếc mắt đui, còn việc mở mang dìu dắt ở trong nước nhà thì tôi xin lãnh. Lưỡi tôi đang còn, người Pháp chẳng làm gì tôi được đâu”.

Trên báo Tiếng Dân số 887, năm 1936, số kỷ niệm 10 năm Phan Châu Trinh qua đời, Huỳnh Thúc Kháng có bài viết mang tựa đề “Cụ Tây Hồ với việc Tây học”, chúng ta biết thêm một tác động nữa của nước Nhật lên suy nghĩ của Phan Châu Trinh:

“Tôi (PCT) sang Nhật, đi đâu cũng nhờ cụ Sào Nam bập bẹ đôi tiếng, gặp người Nhật biết chữ Hán còn mượn cây bút nói được đôi chuyện, không thì ngồi đối diện với họ như người câm!... Lúc cụ Phan Bội Châu và mấy học sinh sang Nhật cầu học, Khuyển Dưỡng Nghị hỏi: “Các ông có biết tiếng Pháp không?”.” Thưa chưa” . “Các ông ở chung với Pháp đã nửa thế kỷ, nước Pháp là một nước văn minh trên thế giới, sao không học chữ họ? Người Nhật chúng tôi hễ người Anh tới, chúng tôi học tiếng Anh, người Nga, người Pháp, người Đức đến chúng tôi học tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức. Chúng tôi lại cho lớp trẻ sang tận xứ họ mà học nữa”. Đại Ôi (Thủ tướng Nhật lúc đó) nói tiếp: “Việt Nam thuộc dưới quyền bảo hộ của nước Pháp mấy mươi năm nay, mà chúng tôi gặp ông là một người Việt Nam đầu tiên mới tới nước tôi, đủ thấy dân tộc các ông ít đi ra nước ngoài. Đã không ra ngoài, ở trong nước lại không học tiếng Pháp thì các ông mắc phải bệnh “ngột”. Học tiếng Pháp, chữ Pháp chính là phương thuốc trị bệnh ngột đầu tiên của các ông vậy...”.

Ở Nhật được hai tháng thì ông nóng lòng về nước. Phan Bội Châu nói: “Ông về không sợ bị Pháp bắt hay sao?”. Ông đáp: “Sợ gì! Tôi định về thì đến ngay trước mặt nhà chính trị Pháp, nói thiệt nội tình ngoại thế với họ, nên gấp khai hóa cho người Việt Nam, không thế, sự nguy hiểm sẽ đến nơi...”.

Chuyện trở về của Phan Châu Trinh cũng chấn động dư luận thời đó. Huỳnh Thúc Kháng viết: “Tin Phan Bội Châu Đông độ (sang Nhật) đồn khắp cả nước, tiếp theo Phan Châu Trinh lại đi nữa, người trong nước nhao nhao, nhón chân, ngõng cổ, chống con mắt mà trông ra ngoài. Thoạt nghe tin tiên sinh về, kẻ nhát thì bụm tai le lưỡi, người dạn thì trợn mắt giương mày, tiếng tăm rầm lên. Người ta nửa mừng, nửa sợ: đã sang Nhật không lẽ về không, đã về chắc là có viện binh theo sau? Đã trốn đi thì về cũng phải bí mật, sao lại minh minh bạch bạch, sao to gan thế?

Cái “gan to” ấy của ông là niềm tin sâu sắc về chủ thuyết Dân quyền mà ông đã khẳng định được sau chuyến xuất ngoại đầu tiên. Chuyến đi thăm Nhật 2 tháng đã giúp ông kết luận nhiều điểm rất quan trọng về đường lối. Trước hết ông đã xác định được thái độ dứt khoát tách khỏi chủ trương vũ trang bạo động của Phan Bội Châu, “Bất ngoại viện, ngoại viện giả ngu. Bất bạo động, bạo động tất tử”. Và thứ hai nữa là có thêm một số ý niệm cụ thể về đường lối Duy Tân. Phan Châu Trinh thấy rõ Nhật đã chú trọng phát triển rất mạnh mẽ hệ thống giáo dục, cả quốc lập lẫn dân lập, có nhiều biện pháp mở mang kiến thức, đào tạo nhân tài song song với phát triển kinh tế quốc dân, nhờ đó mà nhanh chóng trở thành cường quốc. Trong quan sát hằng ngày ông hết sức tâm đắc và cảm phục trình độ dân khí và dân trí của người Nhật: Từ người lao động bình thường trở lên đều có tinh thần tự tôn dân tộc, tự giác giữ kỷ luật, đúng là có tư cách đáng quý của người dân nước độc lập... 

Với niềm tin ấy, sau khi ở Nhật về hai tháng ông viết thư dài 22 trang đánh máy gửi trực tiếp đến Chính phủ Pháp, được mọi người gọi là Đầu Pháp chính phủ thư. Đây có thể nói là Tuyên ngôn của phong trào Duy Tân. Lời bằng Hán văn, có khi hùng tráng, có khi bi đát, có khi uất nghẹn trình bày với Chính phủ Pháp sự cần thiết phải thay đổi chính sách của Pháp ở Việt Nam. Nếu không vậy, ông đe dọa, chờ khi Nhật tới, ném đi mấy vạn cái đầu, chảy ra mấy mươi vạn vũng máu... để mua lấy cái địa vị nô lệ không thay đổi! Bức thư như một hồi còi vang lên báo hiệu cái khí dân mờ nhạt, phân tán đã được tập hợp lại!

Cũng ngay trong năm sau chuyến đi Nhật này, ông viết Tỉnh Quốc Hồn Ca (Bài ca thức tỉnh hồn nước). Theo Nguyễn Văn Xuân, đây là cuốn sách có thể xem như “Kinh Duy Tân” có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng xã hội thời ấy. Trong đó Phan Châu Trinh nhấn mạnh đến những việc cần phải gấp thay đổi như: Phải học lấy nghề, phải có chí mạo hiểm, phải chung vốn làm ăn, phải giản dị hóa các tục cũ tang ma, phải cải tiến máy móc, bỏ mê tín dị đoan, phải sản xuất nhiều mặt hàng cho đời sống... Và đây là những câu bất chợt đọc thấy và giật mình như ông đang nói chuyện hôm nay:

“Chẳng qua là quơ quào ba chữ
May ra rồi ăn xở của dân
Khoe khoang rộng áo dài quần...

Đặng mấy kẻ phú hào chí khí
Chẳng  đua gan đấu trí cùng ai
Đua thì đua hại, đua tai
Đua ăn bạc lớn, đua xài bạc muôn!...”

Có thể nói, hai tháng đi Nhật của Phan Châu Trinh có một ý nghĩa vô cùng lớn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông nói riêng và phong trào Duy Tân nói chung. Các quan điểm của ông vì nhiều lý do đã không đem lại những mục đích như mong muốn nhưng không thể chối bỏ rằng kể từ đó, năm 1906, một ý thức mới về dân trí, dân khí, dân sinh đã bắt đầu hình thành trên khắp cả nước, trong đầu óc của những người dân u mê tăm tối kéo dài bởi một chính sách ngu dân vô nhân đạo.

Năm ấy, Phan Châu Trinh mới 34 tuổi.

Hồ Trung Tú
;
.
.
.
.
.