.

Mỗi người một cách tiết kiệm điện

.
(ĐNĐT) - Bắt đầu từ hôm nay (1-3), giá bán điện đã chính thức tăng lên 15,28%. Tiết kiệm tiêu thụ điện năng là giải pháp được nhiều người áp dụng để tiết giảm chi phí.

* Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó giám đốc Sở Công thương thành phố Đà Nẵng: Quan tâm tới hộ nghèo, người thu nhập thấp
ong-phuc.jpg

Việc điều chỉnh giá điện năm 2011 dựa trên nguyên tắc không gây ra sự biến động lớn về giá, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt Nhà nước vẫn có cơ chế hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo và các hộ thu nhập thấp.

Cụ thể, các hộ thuộc diện nghèo theo tiêu chí do Chính phủ quy định được hỗ trợ giá điện cho 50kWh/tháng với mức hỗ trợ là 30.000 đồng/hộ/tháng.

Chúng tôi đã triển khai kế hoạch kêu gọi các đơn vị sử dụng điện tiết kiệm và hợp lý. Đồng thời sẽ tiếp tục tìm bàn bạc tìm ra những giải pháp lâu dài hơn nhằm bảo đảm quyền lợi của những người có thu nhập thấp, người thuê trọ.
 
Việc tăng giá điện một bước sẽ vẫn chưa giải quyết ngay được việc cắt điện, mà dự kiến ngành điện sẽ thực hiện cắt luân phiên ngay từ tháng 3 này. 
 
* Ông Hồ Hai (Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất và XNK Dệt may Đà Nẵng (Vinatex Danang):
Tính đến phương án bỏ giờ tăng ca

Trước tình hình giá điện tăng, trong khi đó vẫn phải cắt điện luân phiên nên chúng tôi đã tính đến phương án bỏ giờ làm việc tăng ca cho công nhân. Bởi chi phí cho nhiên liệu tiêu thụ của 2 tiếng tăng ca bằng 20% so với chi phí tiền điện làm trong giờ hành chính.

“Chúng tôi cũng sẽ thường xuyên theo dõi lịch cắt điện cụ thể có ảnh hưởng tới công ty và sẽ đề xuất cho chuyển sang ngày nghỉ để giảm chi phí. Ví dụ, lịch cắt điện rơi vào ngày thứ 2 hoặc thứ 3 thì sẽ xin chuyển qua ngày chủ nhật. Bởi giá điện tính ngoài giờ và ngày nghỉ rất cao.
 
* Chị Nguyễn Thị Kiều (nhân viên Công ty TNHH Một thành viên Thy Phương): Giảm mỗi thứ một ít
 
 
Mô tả ảnh.
Tiết kiệm điện là việc làm thường xuyên được mọi người trong gia đình duy trì. Mỗi tháng, gia đình tôi, gồm 4 người lớn và 2 trẻ nhỏ, sử dụng 200.000 đồng tiền điện. Song với giá điện tăng lên, cần hạn chế tới mức tối đa hơn nữa để giảm chi phí. 
 
Ngoài việc tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, chúng tôi cũng hạn chế sử dụng điều hòa, bình nóng lạnh, máy vi tính… bởi giảm được mỗi thứ một ít sẽ đỡ được một khoản kha khá để giành cho nhiều việc khác nữa”.
 
 
 
* Cô Võ Thu Thảo (Giáo viên Anh văn, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền): Hạn chế tối đa đèn điện trang trí
 
Bình quân gia đình tôi phải trả 250 - 300.000đồng/tháng cho tiền điện. Song trước tình hình giá điện tăng như hiện nay, phải hạn chế tối đa việc mở các thiết bị dùng điện.
 
Việc bật đèn trang trí trong nhà cũng phải hạn chế. Cả việc soạn giáo án sử dụng máy tính cũng sẽ cố gắng hạn chế tiết kiệm thời gian. 
 
 * Bạn Nguyễn Thị Thu Phương (Sinh viên năm cuối Trường CĐ Kinh tế - kế hoạch Đà Nẵng): Hạn chế mở máy tính
 
Mô tả ảnh.
Sinh viên Thu Phương (trái) và bạn.
Việc tăng giá điện cũng sẽ đẩy nhiều chi phí khác lên cao. Phòng trọ của  em hai người phải chịu mức tiền điện 2.500 đồng/chữ. Mỗi tháng, riêng tiền điện bọn em tiết kiệm lắm cũng phải mất hơn 100.000. Giờ giá điện tăng lên, tuần tới thế nào bà chủ cũng sẽ tăng tiền điện lên 3.000đồng/chữ là điều chắc chắn.
 
Là sinh viên năm cuối nên cả hai đều cần sử dụng máy tính vào làm đồ án tốt nghiệp. Em thì hạn chế việc sử dụng máy tính vào việc không cần thiết, còn bạn em dùng laptop nên nhiều lúc rảnh mang ra sạc điện ngoài quán cà phê để tối về dùng, cũng đỡ được một chút tiền điện của tháng.
 
 

Áp dụng 7 bậc giá đối với điện sinh hoạt

Từ ngày 1-3, bảng giá điện sinh hoạt đã được Chính phủ phê duyệt tăng 15,28%. Như vậy, giá bán điện bình quân năm 2011 sẽ là 1.242 đồng/kWh, tăng 165 đồng/kWh so với giá điện bình quân thực hiện năm 2010.

Biểu giá bán điện sẽ gồm 7 bậc:

Bậc thứ nhất (từ 0-50kWh) sẽ có giá được tính ở mức bằng 80% so với giá điện bình quân (993,6 đồng/kWh), áp dụng đối với các hộ có thu nhập thấp thường xuyên sử dụng điện ở mức dưới 50kWh. Bậc thứ 2 (0-100kWh) sẽ có giá 1.242 đồng, các bậc tiếp theo sẽ tăng dần với mục tiêu để khuyến khích tiết kiệm sử dụng điện.

Đắc Mạnh  (thực hiện)

;
.
.
.
.
.