Những năm trở lại đây, tình hình cháy lớn trên cả nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng diễn biến hết sức phức tạp. Những vụ cháy lớn xảy ra luôn chiếm trên 95% tổng thiệt hại do cháy nổ gây ra hằng năm.
Hiện trường một vụ cháy lớn trong năm 2010. |
Thiệt hại nặng do cháy lớn gây ra
Theo số liệu của Phòng Cảnh sát PCCC Công an thành phố, năm 2010 Đà Nẵng xảy ra 89 vụ cháy, nổ lớn nhỏ. So với cùng kỳ năm 2009, số vụ cháy tăng 11 vụ, thiệt hại về tài sản tăng 12 lần. Điều đáng nói, trong số 89 vụ cháy đó, có 2 vụ cháy lớn tại 2 khu công nghiệp, gây thiệt hại hơn 41 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 98,4% tổng thiệt hại do cháy nổ của cả năm).
Điển hình, tối 8-8-2010, tại Công ty cổ phần Sản xuất thương mại H.N (đóng tại KCN An Đồn, quận Sơn Trà) đã xảy ra hỏa hoạn khiến toàn bộ dãy nhà kho chứa hàng điện máy, hóa chất, nguyên vật liệu và giày thành phẩm chuẩn bị xuất khẩu bị thiêu rụi. Mặc dù vụ cháy xảy ra đã được phát hiện kịp thời, song vì nơi cháy là kho hàng nhạy cảm với lửa nên khi lực lượng PCCC chuyên nghiệp huy động lực lượng và phương tiện đến thì lửa đã bùng phát dữ dội. Phải mất nhiều giờ, đám cháy mới được khống chế. Tuy nhiên, thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.
Hoặc vụ ngày 7-6-2010, một xưởng Cơ khí ô-tô tại khu công nghiệp Hòa Khánh cũng đã bốc cháy. Sau nhiều giờ nỗ lực chữa cháy của các lực lượng chức năng, đám cháy mới được dập tắt. Tuy nhiên, vụ cháy đã gây tổn thất nghiêm trọng về tài sản khi 3 xe bồn chở khí CO2 và 4 chiếc xe máy của công nhân bị thiêu rụi...
Theo Thiếu tá Nguyễn Thành Nam, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC: Nguyên nhân cháy nổ xảy ra do ý thức PCCC của các cơ quan, doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp trang bị phương tiện PCCC còn thiếu, yếu, không bảo đảm yêu cầu, tiêu chuẩn PCCC hiện hành. Ngoài ra, đa số các vụ cháy đều xảy ra ngoài giờ làm việc nên không phát hiện kịp, lực lượng tại chỗ mỏng, không giải quyết được sự cố, gây cháy lớn. Khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến nơi thì đám cháy đã bùng lên khá lớn, nên khả năng chữa cháy và cứu tài sản gặp nhiều khó khăn.
Cần chủ động...
Để giảm thiệt hại về cháy nổ cho các doanh nghiệp, theo Thiếu tá Nguyễn Thành Nam, đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, người đứng đầu cần chủ động triển khai các quy định của pháp luật về công tác bảo đảm an toàn, PCCC; xây dựng hoàn thiện và ban hành hệ thống nội quy, quy định về công tác PCCC trong đơn vị; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về PCCC nhằm nâng cao nhận thức về công tác này cho cán bộ, công nhân của mình. Bên cạnh đó phải xây dựng, củng cố đội PCCC tại chỗ đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng nhằm đáp ứng được nhiệm vụ PCCC khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Đồng thời thường xuyên tổ chức thường trực bảo đảm an toàn PCCC, tăng cường tuần tra, canh gác, nhất là vào ban đêm và ngoài giờ làm việc, kịp thời khắc phục các sơ hở, thiếu sót về PCCC, ngăn chặn không để phát sinh nguồn điện gây sự cố cháy. Tiếp tục điều tra khảo sát, đánh giá công tác PCCC tại các nhóm cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Qua đó có kế hoạch kiểm tra PCCC, chấn chỉnh những thiếu sót, vi phạm, xây dựng phương án chữa cháy phù hợp với tình hình, đặc điểm của cơ sở.
Đối với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCCC, đặc biệt tuyên truyền mạnh về trách nhiệm PCCC của người đứng đầu cơ sở. Thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho mọi đối tượng để họ trở thành chiến sĩ PCCC ở mọi lúc, mọi nơi. Tăng cường công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu, nhất là vào các thời gian cao điểm, đồng thời chuẩn bị tốt lực lượng và phương tiện, sẵn sàng nhận tin chính xác, xuất xe nhanh, chữa cháy hiệu quả.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ