Phường Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu) hiện có rất ít hộ dân được sử dụng nước sạch do Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng cung cấp, tuy rằng ở địa bàn này có Nhà máy nước Hải Vân, công suất 5.000 m3/ngày đêm.
Công nhân kiểm tra thiết bị tại Nhà máy nước Hải Vân. |
Năm 2002, Tổng Công ty Xây dựng miền Trung xây dựng nhà máy nước dưới chân núi Hải Vân, cấp nước cho Khu Công nghiệp Liên Chiểu (KCNLC). Từ năm 2003 đến đầu năm 2006, ngoài một số doanh nghiệp tại KCNLC, nhà máy cấp nước cho Trường Cao đẳng Giao thông vận tải và mấy khu dân cư lân cận. Năm 2006 đến nay, nhà máy này do Công ty CP Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng quản lý và đã mở rộng phạm vi cấp nước ra một số tổ dân phố ở Hòa Hiệp Bắc. Tuy vậy, đến đầu năm 2011 cũng chỉ có 32 doanh nghiệp (DN), đơn vị, trường học, nhà trẻ và 260 hộ dân ở 10 tổ dân phố dùng với lượng nước khoảng 1.000 m3/ngày đêm.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, cán bộ quản lý Nhà máy nước Hải Vân cho biết, ngoài những hạng mục đơn vị trước đã triển khai, mấy năm qua, công ty đầu tư 6 tỷ đồng lắp đặt gần 10 nghìn mét đường ống các loại tại địa bàn 8 tổ dân phố (từ tổ 21 đến 28). Hiện tại, đơn vị đang xúc tiến việc đưa nước về cho các hộ có nhu cầu. Năm nay, công ty đầu tư tiếp 10 tỷ đồng lắp đặt đường ống về các tổ dân phố còn lại, 5 tỷ đồng nâng cấp đập dâng và trạm xử lý tại nhà máy.
Nước thô cấp cho nhà máy tự chảy từ núi xuống, đầu nguồn không có tình trạng đào đãi vàng, qua hệ thống xử lý chu đáo, sản phẩm của Nhà máy nước Hải Vân chất lượng rất bảo đảm. Hằng tháng, theo định kỳ, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đến lấy mẫu nước xét nghiệm và đều bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định.
Nước dư thừa, chất lượng bảo đảm, thế nhưng với 3.963 hộ dân, 13.600 nhân khẩu của phường Hòa Hiệp Bắc, đến nay chỉ có 260 hộ dùng nước. Trao đổi về thực trạng này, ông Tuấn cho biết: 3-4 năm qua, bên cạnh việc đầu tư nhiều tỷ đồng lắp đặt hệ thống đường ống, công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng nước sạch, song kết quả không như mong muốn. Ngay như tại KCNLC cũng chỉ có 5 DN sử dụng nước sạch do nhà máy cấp, 10 DN còn lại sử dụng nước ngầm tại chỗ. Với nhân dân địa phương, lâu nay đường ống dẫn nước chạy qua trước ngõ nhưng không mấy ai quan tâm, rất ít hộ đăng ký sử dụng. Đời sống khó khăn và thói quen dùng nước giếng đóng từ bao đời nay là cản trở trong việc đưa nước sạch về cho người dân. Để có nước dùng, phải tốn kinh phí đầu tư lắp đặt đường ống, đồng hồ; hằng tháng phải trả tiền nước là điều không đơn giản cho nhiều hộ ở Hòa Hiệp Bắc. Do vậy, tỷ lệ hộ dùng nước sạch đến nay rất thấp.
Ông Trương Việt, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho rằng, trước đây, đời sống khó khăn và thói quen dùng nước giếng bơm nên ít hộ sử dụng nước sạch do nhà máy cấp. Hiện nay, tình hình đã thay đổi. Hầu hết người dân đã nhận ra rằng, nước ngầm họ sử dụng bị ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, số hộ đăng ký sử dụng nước tăng đáng kể. Chủ trương của địa phương trong năm nay, phấn đấu 100% hộ dân dùng nước sạch.
Nhu cầu sử dụng nước tăng trong khi nhà máy mới khai thác 1/5 công suất. Vấn đề đặt ra hiện nay là công ty sớm đầu tư lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước về cho 27 khu dân cư còn lại của phường và các cơ quan, đơn vị, DN đứng chân trên địa bàn. Theo phản ánh của lãnh đạo phường Hòa Hiệp Bắc, hiện tại tiến độ lắp đặt thiết bị sử dụng nước còn chậm, mỗi ngày chỉ trên dưới 10 hộ.
Nói là vậy, song qua tìm hiểu của chúng tôi, việc lắp đặt thiết bị sử dụng nước sạch ở Hòa Hiệp Bắc chưa phải đã thuận lợi. Khá nhiều hộ dân vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này. Nguyên do cũng vì đời sống, thu nhập khó khăn, nhận thức về sử dụng nước sạch còn hạn chế. Để người dân tự nguyện sử dụng nước sạch, chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương cần tích cực vận động, tuyên truyền để nhà nhà đăng ký dùng nước sạch.
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu