.

Lào trì hoãn quyết định xây đập Xayaburi

.

Mô tả ảnh.

Lào đã trì hoãn quyết định xây đập Xayaburi, đập thủy điện đầu tiên ở khu vực hạ lưu sông Mêkông, do có sự phản đối từ phía các quốc gia trong vùng.

Quyết định trì hoãn trên được đưa ra tại một cuộc họp ngày 19-4 của bốn quốc gia Đông Nam Á (gồm Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam) tại thủ đô Vientiane của Lào.

Các bên phản đối lo ngại đập thủy điện Xayaburi sẽ mở đường cho việc xây dựng khoảng 10 con đập khác ở vùng hạ lưu của sông Mekong. Điều này sẽ làm suy thoái hệ sinh thái mỏng manh của sông Mekong và đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân sống dựa vào dòng sông này.

Tuy nhiên, tại cuộc họp trên, bốn quốc gia Đông Nam Á đã không thống nhất được về việc liệu Lào có nên tiếp tục dự án xây con đập trị giá 3,5 tỷ USD gây tranh cãi này hay không.

4 nước thành viên là Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Lào đã nhất trí tiếp tục quá trình tham vấn việc xây đập thủy điện Xayaburi lên cấp bộ trưởng, khi các nước chưa thể đi đến một kết luận chung về tiến trình của dự án.

Theo thông báo của Ủy ban Liên hợp sông Mêkông (JC - MRC), các thành viên JC cho rằng, vẫn có sự khác biệt trong quan điểm của mỗi nước về việc quá trình tham vấn nên kết thúc hay chưa.

Tại cuộc họp, đại diện của Lào khẳng định, không cần kéo dài quá trình tham vấn nữa khi nó không thiết thực, trong khi các tác động về môi trường xuyên biên giới với các nước ven sông khác là không chắc xảy ra.

Tuy nhiên, các thành viên khác, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam, vẫn nêu mối quan ngại của mình về sự thiếu kiến thức kỹ thuật, cũng như các nghiên cứu về tác động của dự án. Ba nước này cho rằng, dự án có tác động đối với môi trường và đời sống dân cư ở lưu vực sông Mêkông và cần phải có thêm tham vấn của cộng đồng.

Trưởng đoàn của Lào, ông Viraphonh Viravong nói, “Chúng tôi đánh giá cao tất cả các bình luận và chúng tôi sẽ xem xét tất cả các mối quan ngại”. Do đó, Lào đề xuất cần chấm dứt quá trình tham vấn, việc kéo dài để có thêm các nghiên cứu sâu hơn sẽ lâu hơn 6 tháng, và sẽ không thể thỏa mãn mối quan tâm của tất cả các bên.

Đoàn đại biểu của Lào cũng cam kết, dự án Xayaburi sẽ tuân thủ chỉ đạo thiết kế ban đầu của ban thư ký MRC và thực tiễn tốt nhất, dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế. Các tác động lớn về đường thủy, đường đi của cá, phù sa, chất lượng nước và hệ sinh thái cho các loài thủy sinh, an toàn đập có thể giảm xuống mức có thể chấp nhận được.

Trong khi đó, các thành viên khác của MRC bày tỏ nhiều mối lo ngại về kế hoạch được đề xuất và đưa thêm các khuyến nghị.

Việt Nam bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự thiếu đánh giá toàn diện và thích đáng về các tác động xuyên biên giới và ảnh hưởng tích lũy của dự án có thể gây ra với hạ lưu, đặc biệt là vùng châu thổ Mêkông. Vì vậy, Việt Nam đề nghị hoãn xây dựng Xayaburi cũng như các đập thủy điện khác trên dòng chính sông Mêkông ít nhất 10 năm.

Việc hoãn tiến hành nên được nhìn nhận tích cực như là cách để có thêm thời gian cần thiết cho Chính phủ các nước ven sông thực hiện các nghiên cứu toàn diện hơn, định lượng cụ thể hơn về tất cả các tác động tích lũy có thể có, ông Lê Đức Trung, chánh văn phòng ủy ban Mêkông Việt Nam nói.

Việt Nam cho rằng, khung thời gian giới hạn của quá trình tham vấn (6 tháng) là không thỏa đáng. Sự trì hoãn nên giúp các nước đảm bảo sự hiểu biết tốt hơn và sự tin tưởng của cộng đồng trong khu vực và quốc tế.

Đồng tình với Việt Nam, Campuchia và Thái Lan cũng cho rằng cần có thêm thời gian tham vấn, để đảm bảo sự tham vấn hiệu quả giữa các thành viên MRC cùng cộng đồng. Và điều này cũng giúp chủ đầu tư Xayaburi “lấp lổ hổng” về thủ tục kỹ thuật.

Bên cạnh đó, Campuchia khẳng định cần có nghiên cứu toàn diện, đánh giá về các tác động xuyên biên giới và môi trường tích lũy.

Nhìn nhận tầm quan trọng của dự án với kế hoạch phát triển của Lào, Thái Lan cho rằng, trong việc xúc tiến dự án, các biện pháp phòng ngừa và giảm nhẹ tác động cần được thực hiện vì lợi ích của người dân và môi trường trong khu vực. Thái Lan bày tỏ lo ngại về môi trường như mất các loài cá và đầm lầy, thiếu các biện pháp giảm nhẹ tác động, cuộc sống của người dân phụ thuộc vào dòng sông.

Theo TTXVN - SGTT.VN

;
.
.
.
.
.