.

Vận động bầu cử trên Internet: “Cũng có thể được”

.
Không hạn chế ứng cử viên vào Quốc hội nhận xét về chương trình hành động của nhau, và có thể vận động bầu cử qua Internet.

Mô tả ảnh.
Tổng thư ký Hội đồng Bầu cử Trung ương Phạm Minh Tuyên
Trưởng ban Công tác đại biểu, Tổng thư ký Hội đồng Bầu cử Trung ương Phạm Minh Tuyên nêu quan điểm như vậy khi trao đổi với báo chí về quá trình vận động bầu cử cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, ngày 15-4.

Ông Tuyên cũng cho biết qua kết quả hiệp thương lần thứ 3, thì tỷ lệ ứng cử viên ngoài Đảng, trẻ tuổi, doanh nhân, phụ nữ… về cơ bản là đảm bảo yêu cầu.

“Quan” và dân đều bình đẳng

Thưa ông, từ ngày 3-5 tới đây các ứng cử viên đại biểu Quốc hội sẽ bắt đầu thực hiện quyền vận động bầu cử. Hoạt động này có gì mới không, thưa ông?

Theo luật thì các ứng cử viên tiếp xúc cử tri và thực hiện vận động bầu cử chính là nói lên trách nhiệm đại biểu Quốc hội khi trúng cử rồi hoạt động thế nào.

Thứ hai là trách nhiệm của họ đối với những nơi mà cử tri nơi đấy sẽ thực hiện quyền bỏ phiếu bầu họ vào Quốc hội.

Đối với quá trình vận động này thì người ứng cử đại biểu Quốc hội hoàn toàn nêu suy nghĩ của mình để cho cử tri và nhân dân ở những khu vực này biết năng lực bước đầu của người ứng cử.

Ứng cử viên sẽ được sử dụng hình thức nào để vận động để cử tri bầu cho mình?

Vận động thì hiện có mấy hình thức: tiếp xúc trực tiếp với cử tri nơi ứng cử, hoặc có thể nêu suy nghĩ thông qua đài truyền hình địa phương.

Thưa ông, việc tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử do cơ quan Nhà nước tổ chức hay ứng cử viên phải tự lo?

Theo quy định của luật thì cơ quan của Nhà nước có trách nhiệm tổ chức đảm bảo để những người ứng cử được tiếp xúc cử tri và những điều kiện đảm bảo cho cuộc tiếp xúc đó. Còn tự đứng ra thì tùy điều kiện từng người, nhưng theo quy định thì do Nhà nước đứng ra tổ chức.

Hội đồng bầu cử có hướng dẫn thế nào để tránh tình trạng bất bình đẳng trong tiếp xúc cử tri giữa đại biểu là quan chức và đại biểu bình thường?

Cái này thì Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc đã có hướng dẫn, trong đó khẳng định tiếp xúc cử tri bình đẳng giữa các ứng viên có chức vụ khác nhau trong quá trình vận động.

Việc bình đẳng này có phần nào liên quan đến phân bổ ứng viên về các địa phương. Vậy việc phân bổ căn cứ vào tiêu chí nào?

Hội đồng Bầu cử Trung ương có nêu mấy tiêu chí. Thứ nhất là trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội nước ta có cả các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, có cả những anh chị em công tác ở những cơ quan, đơn vị khác nhau.

Vậy nên, thứ nhất là phải đảm bảo cơ bản nguyên tắc các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước được phân bổ đều trong địa bàn rải đều trong phạm vi cả nước. Những địa bàn trọng điểm về kinh tế, quốc phòng, an ninh thì có sự phân bổ tập trung hơn.

Các đồng chí khác thì được phân bổ cơ bản theo tính chất công việc và theo nguyện vọng của mình được đăng ký.

Thí dụ, với mỗi một đại biểu, Hội đồng Bầu cử Trung ương có đề nghị đăng ký ở ba nơi: khu vực miền Bắc một tỉnh, Trung một, Nam một. Và Hội đồng sẽ căn cứ vào đăng ký ấy.

Nguyên tắc nữa là phân bổ không trùng, ví dụ không có hai đồng chí cùng làm công tác luật hoặc kinh tế ở một đơn vị bầu cử, mà cố gắng đan xen nhau ở các địa bàn về các thành phần.

Ứng cử viên nữ thì được ưu tiên bầu ở địa phương mình hoặc những địa bàn mình công tác.

Còn một số các trường hợp khác, ví dụ như các cụ cao tuổi, thì hội đồng bầu cử sẽ cân nhắc bố trí vào địa bàn bầu cử hợp lý nhất với tinh thần để giảm bớt khoảng trống giữa đại biểu và cử tri trong quá trình tìm hiểu.

Có thể vận động qua Internet

Tại cuộc bầu cử trước đã có trường hợp ứng cử viên phát tờ rơi khi vận động bầu cử. Theo ông, điều đó có phạm luật không?

Nếu như có điều kiện, thì ứng cử viên có thể nêu nguyện vọng, suy nghĩ của mình và chuyển tải những suy nghĩ này đến cử tri bằng hình thức khác nhau, cái đó pháp luật không cấm.

Trong cùng một cuộc tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử, các ứng viên có được nhận xét về chương trình hành động của nhau không, thưa ông?

Luật pháp không cấm, nhưng ở Việt Nam người ta tôn trọng suy nghĩ của mỗi người ứng cử, cho nên việc anh phát biểu thế nào trước cử tri là quyền cá nhân. Còn trao đi đổi lại không thấy trong các cuộc tiếp xúc cử tri, dù luật pháp không cấm.

Như ông nói thì luật pháp không cấm việc tranh luận khi tranh cử, vậy thì tại sao chúng ta không khuyến khích các ứng viên trao đổi, tranh luận để cử tri có điều kiện cân nhắc kỹ hơn?

Các cử tri hoàn toàn có quyền trao đổi với nhau, cách của anh, cách của tôi, vì đây không phải tranh cử vào chức vụ nào đó mà ứng cử vào diện tương đối rộng. Bên cạnh đó, luật pháp không cấm, nhưng do đây là truyền thống tôn trọng lẫn nhau của người Việt Nam, từ trước giờ anh em đi phát biểu đều nói về năng lực bản thân thôi.

Đối với vùng sâu vùng xa ứng viên có thể dùng tiền để hỗ trợ bà con về của cải vật chất, rồi những ứng viên trẻ sẽ tận dụng phương tiện mạng xã hội, blog... trên Internet để vận động bầu cử… Những hình thức đó có phạm luật không, có được khuyến khích không, thưa ông?

Theo luật định, Nhà nước đảm bảo cho cá nhân đi vân động bầu cử, còn cá nhân anh có tiền hỗ trợ nhân đạo thì Nhà nước đang khuyến khích, không cứ gì ứng cử viên đại biểu Quốc hội, với nguồn tiền chính đáng.

Nhưng với phạm vi một đơn vị bầu cử khoảng 3 - 4 huyện thì chắc các đại biểu cũng không có điều kiện làm việc này. Những ứng viên có động cơ đúng mức, có trách nhiệm thì cứ vận động đúng theo quy định của pháp luật, còn sau này khi anh trúng cử tại địa bàn đó rồi thì tham gia hoạt động từ thiện thì đúng với đạo lý người Việt Nam và nhân dân sẽ nhận thức vấn đề này khách quan hơn.

Còn hình thức vận động trên mạng, hiện luật pháp chưa quy định, nhưng cá nhân tôi thấy nếu vận động trên mạng mà trung thực, khách quan, phù hợp với các quy định của pháp luật, thì cũng là một hình thức thông tin. Cá nhân tôi cho rằng, cũng có thể được.
 
VnEconomy
;
.
.
.
.
.