Hội nghị triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm năm 2011 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại Đà Nẵng sáng 31-3 đã đề cập đến nhiều vấn đề lớn về việc làm như: Xuất khẩu lao động, thông tin thị trường lao động, chất lượng lao động...
Khó khăn vì thiếu vốn
Nhiều ý kiến được các đại biểu đưa ra đều xoay quanh vấn đề đầu tiên là… tiền đâu? Đại biểu tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Khó nhất đối với chúng tôi là… đi đòi nợ. Người đi xuất khẩu lao động phần lớn là người nghèo, nên hầu hết đều phải vay ngân hàng nhưng đến khi đi xuất khẩu về rồi thì… quên luôn chuyện trả. Tính đến ngày 31-3, nợ quá hạn gần 5 tỷ đồng và nợ tới hạn cũng tương đương con số đó”. Đại biểu tỉnh Kiên Giang thì đưa ra giải pháp kiên quyết hơn: “Vận động được người nghèo đi xuất khẩu lao động đã là một cố gắng, đến khi đi được rồi thì họ lại “xù” nợ.
Đi những nước như Malaysia thì tiền còn thấp, đi Đài Loan phải đóng cả trăm triệu, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ cho vay tối đa 30 triệu, tỉnh đành “bấm bụng” cho vay thêm cho đủ 100 triệu để họ đi xuất khẩu (năm qua là 10 tỷ). Thế nhưng tiền một đi không trở lại, tỉnh cứ rót ra hoài mà không đòi được cũng “ngán”. Bởi vậy, cần phải có cơ chế để ràng buộc họ trả nợ sau khi đi xuất khẩu về”. Điều này lại dẫn đến một thực tế nữa được các đại biểu đề cập đến là khó khăn trong việc vay vốn. Đại biểu tỉnh Tuyên Quang cho biết: Thủ tục được vay không dễ dàng, nhất là đối với lao động ở miền núi, không có sổ đỏ.
Cũng về vấn đề vốn, đại biểu TP. Hải Phòng cho biết: “Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng khó khăn do thiếu vốn, mức vay là 20 triệu đồng/hộ trong thời buổi trượt giá thì rất khó để sản xuất, nên chăng cần nâng mức cho vay cao hơn để bà con có vốn làm ăn”. Một thực tế hiện nay, các dự án cho vay giải quyết việc làm chủ yếu là dự án trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 62%), đối tượng vay là các cơ sở sản xuất kinh doanh chiếm tỷ lệ thấp (dưới 10%) nên chỉ tăng thời giờ làm việc mà chưa tạo thêm nhiều việc làm mới, nguồn vốn vay bổ sung mới đáp ứng 35-40% nhu cầu vay. Ở nhiều địa phương, nguồn vốn vay tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm trực tiếp qua NHCSXH nên Sở LĐ-TB&XH không nắm được nguồn vốn để xây dựng kế hoạch tạo việc làm.
Tại Đà Nẵng, hoạt động cho vay vốn để hỗ trợ người lao động được đẩy mạnh. Tổng nguồn vốn thành phố đang quản lý cho vay là hơn 60 tỷ đồng (trong đó vốn Trung ương 46,608 tỷ đồng, vốn địa phương ủy thác cho vay đối tượng di dời giải tỏa là 17 tỷ đồng). Sở LĐ-TB&XH thành phố phối hợp với NHCSXH cho vay trên 1.300 dự án, kinh phí trên 26 tỷ đồng (năm 2010), góp phần giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động.
Mất cân đối cung-cầu lao động
Từ năm 2006 đến nay, cả nước đã tạo việc làm cho khoảng trên 8 triệu lao động, đạt 100,5%, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị 4,43%. Dự kiến, sẽ có gần 50 ngàn tỷ đồng hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề giai đoạn 2011-2015. |
Điểm nổi bật là tình trạng mất cân đối cung-cầu lao động cục bộ đang diễn biến phức tạp. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình tuyển dụng, kể cả lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật và lao động phổ thông. Năm 2009, theo tổng hợp từ các Trung tâm giới thiệu việc làm, cả nước có hơn 100 ngàn việc làm trống, trong đó 80% là nhu cầu về lao động phổ thông làm việc trong các ngành dệt-may, da giày và chế biến nông sản, nhưng số lao động đăng ký tìm việc tại các trung tâm chỉ chiếm 17% tổng số việc làm trống. Tại thành phố Đà Nẵng, ở các khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp cần tuyển hàng trăm lao động, chủ yếu là lao động phổ thông.
Theo ông Nguyễn Pháo, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng: “Đà Nẵng đang thiếu hụt lao động phổ thông nên các doanh nghiệp phải dùng nhiều biện pháp giữ chân người lao động”. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận thực tế: Không ít doanh nghiệp đăng thông báo tuyển dụng tăng gấp 5 - 10 lần so nhu cầu thực tế để lôi kéo lao động; hoặc tuyển để thay thế, dự phòng lao động nhảy việc. Cũng có trường hợp tuyển mới trả lương thấp hơn công nhân cũ và trốn nộp bảo hiểm xã hội…
Phương Trà