.

Có một Trường Sa ở Hòa Cường

.

Trận hải chiến năm 1988 bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa đã có 64 chiến sĩ của ta hy sinh anh dũng, trong đó có 7 chiến sĩ quê ở phường Hòa Cường, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. 23 năm đã trôi qua nhưng trong hoài niệm của người thân và đồng đội, các anh vẫn trẻ hoài tuổi 20.

Mô tả ảnh.
Bà Lê Thị Muộn với kỷ vật của liệt sĩ Phan Văn Sự .                                            

Chiếc áo chàng lính thủy

Chúng tôi đến nhà bà Lê Thị Muộn ở 47 Hàn Thuyên, mẹ của liệt sĩ Phan Văn Sự và thật bất ngờ khi biết chiếc áo trắng bà đang mặc là từ chiếc áo hải quân của con trai sửa lại. Sau khi anh Sự hy sinh, kỷ vật quân ngũ được đồng đội ở Đơn vị T3 đưa về (không mang ra tàu) là chiếc áo lính thủy. Nhớ con, bà Muộn đã cắt thành áo bà ba, mân mê từng đường kim mũi chỉ, suốt hai ngày thì hoàn thành. Chiếc yếm viền xanh và đôi măng-sét áo thì bỏ trong gối nằm. Thi thoảng bà đem áo ra mặc, giữ hơi ấm của con luôn bên mình.

80 tuổi, bà Muộn không quên một chi tiết nào về người con trai yêu dấu: “Cháu đằm tính, hiếu thảo với cha mẹ lắm. Đóng quân ở Sơn Trà, ngày phép lại tranh thủ về nhà chặt củi, xách nước giúp đỡ gia đình. Trước khi vào Cam Ranh để chuyển vật liệu ra xây dựng Trường Sa, cha cháu bệnh tình nghiêm trọng phải mổ. Sự được phân công ở lại đơn vị giữ kho chứ không phải đi xa, vậy mà nó nhất mực đi bằng được với lý do: “Bạn bè con đã đi hết, lẽ nào Tổ quốc gọi, con lại ở nhà”. Cháu xin phép cha cho đi và được đồng ý, dù cha cháu biết rằng có thể sẽ không gặp lại con.

Y như vậy, sáng 14-3, cháu hy sinh thì buổi chiều sau ca đại phẫu, chồng tôi cũng từ trần. Mấy ngày sau gia đình mới biết tin chính thức. Trên bàn thờ lại có thêm một bức hình, tôi tưởng mình không đứng dậy nổi. Nhờ bạn bè cháu, nhất là lãnh đạo phường, Đơn vị Công binh T3 Hải quân thường xuyên thăm hỏi, động viên, tôi mới bình phục. Mới đây Hải quân của ta tìm được một số hài cốt các liệt sĩ năm ấy, có đến nhà 7 gia đình ở Hòa Cường xét nghiệm ADN, mong sao tìm được các cháu thì mừng biết mấy!. Má nghe chuyện tàu Trung Quốc gây hấn trên biển Đông mà căm quá. Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, sao họ không để cho mình yên hả con?”.

Mong hết nghĩa vụ về chài lưới

Mô tả ảnh.
     Ông Lê Văn Xuân bên di ảnh con mình.

Ông Lê Văn Xuân, cha của liệt sĩ Lê Văn Xanh lục tìm trong chiếc hộp cũ kỷ vật của người con bộ đội. Đó là những trang giấy chép những bài hát, tâm tư của một thanh niên khát khao cống hiến cho đất nước. Hình bóng người con trai đầy ắp trong nỗi nhớ của người cha: “Xanh đánh đàn và hát rất hay. Những đêm trăng, trẻ con trong xóm thường tụ tập tại nhà để nghe Xanh hát và kể chuyện cổ tích. Ngày nghỉ bạn bè hay tập họp tại nhà tôi ăn chè, hát hò sôi động lắm. Tôi còn nhớ lần cháu về phép cuối cùng, khi đi qua xóm chài, cả nhóm đồng thanh hét lên cho mọi người biết các cháu đã về.

Cháu luôn mong hết nghĩa vụ về tiếp tục bám sông nước chài lưới với cha. Ngày Xanh hy sinh trên tàu HQ-604 năm ấy, tôi thấy nóng ruột vô cùng, bỏ thúng chạy về nhà hỏi thăm. Mấy ngày sau điếng người khi Đài Tiếng nói Việt Nam đọc tên cháu hy sinh ở đảo Gạc Ma, cụm đảo Sinh Tồn khi cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ Trường Sa. Chỉ một đoạn đường ngắn về nhà mà tôi té chúi nhủi không biết bao nhiêu lần. Mẹ cháu thì khóc mãi. Tôi phải cứng cỏi làm chỗ dựa cho cả nhà và cho các gia đình có người hy sinh nữa”.

Nhiều tháng liền, Đơn vị Công binh T3 và Quân khu 5 mời ông Xuân đi nói chuyện với những chiến sĩ trẻ. Ông thường tâm tình với các chiến sĩ: “Các con thân mến, vừa rồi các chiến sĩ làm việc trên biển đã bị sát hại. Các con không được lùi bước. Chủ quyền lãnh thổ là điều thiêng liêng nhất...”. Ông còn nhớ những cánh tay ngày ấy đã đưa lên đồng loạt biểu thị quyết tâm bảo vệ đất nước. Rất nhiều đồng đội của Xanh đi Trường Sa ngày ấy vẫn thường đến nhà thắp hương. Mới đây, anh Từ Văn Mỹ đến thông báo về tình hình trên biển, nói rằng dẫu đã xuất ngũ nhưng sẵn sàng đi ra đảo lần nữa nếu Tổ quốc cần.

Hòa Cường vì Trường Sa

Ông Phan Văn Tân, Trưởng ban Dân vận Quận ủy Hải Châu, nguyên là Phường đội phó của phường Hòa Cường năm 1988, sau này là Bí thư Đảng ủy phường, nhớ rất rõ 7 chiến sĩ Hòa Cường đã hy sinh trong số 30 thanh niên của phường đi Hải quân năm đó: Trần Văn Tài, Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Hữu Lộc, Phan Văn Sự, Lê Văn Xanh, Phan Văn Lợi, Nguyễn Phú Đoàn.

Ông Tân bồi hồi kể: “Bấy giờ sống quây quần ven sông nên tôi rành từng thanh niên. Em nào cũng to khỏe, tràn đầy nhiệt huyết, đặc biệt nhiều em như Xanh, Tài, Lộc rất có năng khiếu văn nghệ, luôn trong Đội xung kích của phường. Ngày các em hy sinh, chúng tôi vô cùng bàng hoàng, thương tiếc. Phường tổ chức phát động phong trào noi gương chiến sĩ Trường Sa, phát huy truyền thống bảo vệ Tổ quốc. Sau những năm chống Mỹ, cứu nước, chưa bao giờ ở Hòa Cường lại rạo rực khí thế cách mạng đến thế. Vùng này trước đây cỏ cây rậm rạp, bà con đi lại phải men đường ruộng.

Vậy mà qua đợt phát động, nhân dân đã tự nguyện chặt phá vườn tạp, đồng hoang, hiến đất mở con đường đất đỏ từ Bình An qua tận sân bay, dài khoảng 2km lấy tên là Trường Sa. Đây chính là tiền thân của đường 30-4 to, đẹp hiện nay. Hằng năm ngày 27-7 và trước Tết, phường đều cho xe chở các gia đình lên thắp hương con em mình ở Nghĩa trang thành phố. Chính quyền phường cũng thường xuyên tổ chức gặp mặt các gia đình, đưa các mẹ liệt sĩ đi thăm Lăng Bác và các thắng cảnh trong cả nước, ưu tiên đất đai khi chỉnh trang đô thị. Chúng tôi cũng rất biết ơn Đơn vị Công binh T3 Hải quân đã luôn cùng địa phương tặng quà, làm nhà tình nghĩa cho các gia đình liệt sĩ, cử chiến sĩ về tham gia xây nhà, sửa đường khi lũ lụt, khắc sâu nghĩa tình quân dân...”.

Bài và ảnh: HỒNG VÂN

;
.
.
.
.
.