.

Đau đáu nghề cứu người đuối nước

.

Hình ảnh Đội cứu hộ tại các bãi biển du lịch Đà Nẵng vốn đã quen thuộc, nay sẽ “phủ” rộng khắp khi thành phố đặc biệt chú trọng công tác phòng tránh đuối nước.

Mô tả ảnh.
Căng mắt theo từng cử động của khách tắm biển.

 

Chạnh lòng nghe tin trẻ đuối nước

10 năm gắn bó với công việc cứu hộ, anh Nguyễn Quốc Vinh, Đội trưởng Đội cứu hộ, thuộc Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng từng tham gia cứu sống không biết bao mạng người. Với anh và các đồng đội, đây không còn là nghề kiếm cơm, mà trên hết là một công việc nhân đạo. Tâm huyết và đau đáu trong từng giờ làm việc, đó là thái độ như ngấm vào máu thịt của các “kình ngư” này. Anh Vinh cho hay, từ đầu năm đến nay, đội đã cứu 70 trường hợp sẩy chân trong lúc đang tắm biển. So với cùng kỳ năm trước, số người bị tai nạn giảm gần một nửa. “Có được điều này là do chúng tôi rút được nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc phòng tránh, cảnh báo qua các năm”, anh Vinh nói.

Đội cứu hộ hiện có 73 người, hoạt động quanh năm tại 15 bãi biển. Riêng năm nay, trước tình trạng trẻ em đuối nước gia tăng khắp các tỉnh, thành trên cả nước, dự kiến lực lượng cứu hộ Đà Nẵng sẽ tăng thêm 10 người. Tại mỗi bãi tắm, luôn có từ 3 - 7 người làm việc liên tục. 3 xuồng su, 3 ca-nô, 1 mô-tô nước và 17 thúng nan của đội gần như phải làm việc hết công suất trong những ngày hè. Ngoài ca trực tại bãi, anh em của đội còn tham gia dạy bơi miễn phí cho trẻ em ở Mân Thái, Sơn Trà. Anh Vinh tâm sự: “Nguồn hỗ trợ từ công việc ngoài giờ này không đáng kể so với sức lực chúng tôi bỏ ra hàng giờ dưới nước, nhưng tất cả vì các em nên các thành viên trong đội đều nhiệt tình hết lòng. Không riêng Đà Nẵng, hễ hay tin ở bất kỳ đâu có trẻ đuối nước, chúng tôi cũng vô cùng chạnh lòng và càng tự nhủ phải bảo vệ các em tốt hơn nữa”.

Ít người được cứu nói lời cảm ơn

Vào giờ cao điểm, công việc của Đội cứu hộ đầy áp lực. Dựa theo kinh nghiệm cho biết khu vực dòng nước an toàn, các anh giăng phao giới hạn điểm tắm. Với một lượng người tập trung quá đông, việc phải căng mắt theo dõi nhất cử nhất động của từng người thực sự là một thách thức đối với nhân viên cứu hộ. “Nhìn đến nhức cả mắt và phải quan sát liên tục, nếu phát hiện người có biểu hiện lạ thì tập trung vào vị trí đặc biệt đó”, anh Hải, nhân viên cứu hộ tại bãi biển Phú Lộc nói.

Cũng theo anh Hải, càng ngày càng có nhiều người dành thời gian ra biển thư giãn cùng bạn bè, gia đình nên các anh phải cố gắng 100% sức lực. Tuy vậy, vẫn có một số người cố tình trêu chọc khiến nhân viên cứu hộ bị chi phối. “Họ giả vờ đuối nước rồi kêu cứu. Mình đến nơi mới biết… bị lừa!”, anh Hải ngao ngán. Thêm vào đó, rất ít người trong các trường hợp được cứu nói lời cảm ơn với các anh. “Có lẽ người ta nghĩ đó là công việc đương nhiên của chúng tôi, không có gì phải ơn nghĩa”, một nhân viên cứu hộ nói.

 

Theo dự thảo Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, giai đoạn 2011-2015, của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong các nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong cho trẻ em thì đuối nước (21%) chỉ xếp sau tai nạn giao thông (31,3%).
Mục tiêu từ nay đến 2015, cả nước phấn đấu giảm 10% tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước; 80% các bể bơi bảo đảm quy định an toàn.
Tại Đà Nẵng, tình hình trẻ em chết đuối là: năm 2009 có 8 em; 9 tháng đầu năm 2010 có 5 em. Tất cả đều là nam, chủ yếu từ 6-16 tuổi.

 

Bài và ảnh: Thu Hoa

;
.
.
.
.
.