“Con cái là một cuốn sách chứa vô số những điều bí ẩn cần chúng ta nghiên cứu và giải mã. Để giáo dục và quản lý con tốt, mỗi bậc phụ huynh hãy bỏ chút thời gian “đi học” cách làm cha mẹ tốt, sau đó mới học cách dạy con tốt”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc Trung tâm Thanh- thiếu niên miền Nam chia sẻ tại buổi Gặp mặt gia đình thanh - thiếu niên chậm tiến được tổ chức vào sáng 18-6 vừa qua.
Chị Võ Thị Minh Dung ghi chép những phân tích tâm lý trẻ vị thành niên của chuyên gia Nguyễn Thành Nhân. |
Vượt qua mặc cảm...
Chọn cho mình hàng ghế cuối cùng, cô Nguyễn Thị Hoa (mẹ em Trương Ngọc Tùng - SN 1995) ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu vẫn còn chút e ngại khi tham gia buổi gặp mặt. Dù trước đó, cô Hoa đã bất chấp lời can ngăn của chồng con để đến đây. Cô bảo, nhà được ba thằng con trai thì thằng út lại nghiện game. Mới lớp 8 nó đã tự bỏ học, suốt ngày đóng chốt ở quán Internet. Dăm bữa lại bỏ nhà đi bụi cả tuần mới thấy về. Vợ chồng cô héo mòn vì đi tìm con, cuối cùng đành sắm luôn bộ máy vi tính, nối mạng để “thà cho nó chơi ở nhà mình còn quản lý được”. Im lặng một lúc, cô nói tiếp: “Cả nhà xấu hổ nên không cho cô đi. Nhưng cô nghĩ, con mình đã hư rồi, mình đã hết cách giúp nó rồi thì phải hợp tác với cộng đồng xã hội, chứ giấu giếm miết đâu có được. Lên đây vừa được tư vấn, vừa được trò chuyện với những người “cùng cảnh ngộ” tự nhiên thấy bớt “khổ” hơn”. Tranh thủ giờ giải lao, cô Hoa điền nốt nguyện vọng học nghề cho con vào phiếu khảo sát do Thành Đoàn Đà Nẵng phát, với hy vọng, biết đâu con mình sẽ tiến bộ khi nhận được sự giúp đỡ từ các hội, đoàn thể ở địa phương.
Rất nhiều bậc cha mẹ đã luôn mang trong mình mặc cảm, tự ti khi có con là đối tượng thanh-thiếu niên chậm tiến. Thậm chí không ít người đã từ chối tham gia vào các hoạt động xã hội ở địa phương. Chính điều này vô hình trung đã ngăn cản sự tiếp cận, giúp đỡ từ các hội, đoàn thể đối với con em họ. Trường hợp gia đình cô Đinh Thị Mai (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) là một ví dụ. Cô kể, người ta có con trai hư đã đành, con mình là gái mà cũng bỏ học vì ham chơi, suốt ngày lêu lổng với đám bạn xấu. Ngày trước đi họp phụ huynh bữa nào cũng ê mặt vì “thành tích giang hồ” của nó. Họp tổ dân phố cũng bị nêu tên. Riết rồi vợ chồng tôi cũng “chán” không muốn đi nữa. Nhưng năm vừa rồi có chị bên Hội CCB phường đến động viên suốt nên cũng tự tin hơn. Bữa nay lên đây gặp mặt mới thấy mình làm vậy là sai, là vô tình làm hại con mình.
... Để “học” cách dạy con
Những bài giảng, phân tích tâm lý hay thế này mà được đem về nói với thanh niên ở địa phương sẽ có tính giáo dục tốt lắm
Bác Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hội CCB phường Hòa Khánh Bắc nói.
|
Anh Nhân cũng nhấn mạnh, trẻ em chính là “bản sao” từ những hành động của cha mẹ chúng sau này. Chính vì vậy, cha mẹ cần hết sức cẩn thận trong dạy con, nhất là khi sử dụng đến bạo lực trong gia đình. Một trong những lý do nữa dẫn đến tình trạng cha mẹ ngày càng rời xa với con cái và đứa trẻ dễ sa ngã đó là vì nhiều cha mẹ đã không chú trọng và duy trì được bữa cơm gia đình. Chưa biết tận dụng bữa cơm gia đình để tạo sợi dây ràng buộc tình cảm với con cái.
Lặng lẽ ghi chép kỹ những phân tích của chuyên gia Nguyễn Thành Nhân, chị Võ Thị Minh Dung (nhân viên Công ty Seatech Đà Nẵng) thừa nhận có những điều chuyên gia trao đổi đã từng xảy ra trong gia đình chị, nhưng chưa bao giờ chị nghĩ rằng nó ảnh hưởng lớn đến con mình như vậy. Nhờ buổi gặp mặt hôm nay chị mới nhận ra rằng, không phải cứ sinh con ra tức khắc sẽ biết cách dạy con. Đôi lúc mình cũng cần phải “đi học” để “theo kịp” con và quản lý, giáo dục chúng tốt hơn. Trao đổi với chúng tôi, anh Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng nói: “Đây là lần đầu tiên Thành Đoàn, Hội CCB và Công an thành phố đồng tổ chức hoạt động này. Vì trong công tác giáo dục, cảm hóa thanh-thiếu niên chậm tiến, gia đình đóng vai trò rất quan trọng, nhưng không phải gia đình nào cũng ý thức được điều này. Sau gặp mặt thanh-thiếu niên chậm tiến thì việc gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh, phát phiếu khảo sát nguyện vọng của gia đình các em được xem là bước đi cần thiết nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới”.
Kết thúc buổi gặp mặt hôm đó, cô Nguyễn Thị Hoa đã đi theo chúng tôi để xin cho bằng được xấp tài liệu về giáo dục tâm lý tuổi vị thành niên do chuyên gia Nguyễn Thành Nhân viết. Cô bảo: “Đem về nhà nghiên cứu, biết đâu lại giúp được con mình”.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thành Nhân, trẻ em ở lứa tuổi vị thành niên thường trải qua ba giai đoạn phát triển về tâm lý, đó là: ích kỷ, ngang bướng và nổi loạn. Chúng cũng thường mắc những căn bệnh sau: bệnh dùng điện thoại; bệnh quấy rối trong lặng thầm; bệnh thích khác người; tự cho mình là con “bệnh”; ganh tị với người thân trong gia đình; bệnh ỷ lại; nghiện game onlline; bệnh nói dối; mất tập trung. |
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA