.

Hội thảo Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đà Nẵng năm 2011

.
Ngày 9-6, UBND thành phố phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo bàn các giải pháp duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đà Nẵng. Các đồng chí Trần Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố, Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI Việt Nam chủ trì hội thảo. 

Mô tả ảnh.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: THÀNH LÂN
 
Năm 2010 là năm thứ 3 liên tiếp Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đà Nẵng đã được cộng đồng DN đánh giá cao trong việc tạo lập môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi cho DN. Đây là kết quả của sự năng động trong việc khai thác tốt những nguồn lực sẵn có và sự nỗ lực không ngừng, sự linh hoạt và sáng tạo trong điều hành kinh tế của chính quyền thành phố trong thời gian qua. Riêng năm 2010, Đà Nẵng đứng đầu cả nước chỉ số PCI với 67,77 điểm, tiếp tục là địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất trên toàn quốc.
 
Kết quả khảo sát cho thấy: Đà Nẵng hấp dẫn DN nhờ có chất lượng đào tạo lao động, tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin, tính năng động và tiên phong của chính quyền thành phố, chi phí gia nhập thị trường thấp. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ số giảm điểm so với nhiều địa phương khác như tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức... Vì vậy tại hội thảo, trên cơ sở phân tích cụ thể các thang điểm, sự đánh giá của DN ở từng chỉ số dành cho Đà Nẵng và so sánh với các địa phương khác, các đại biểu đã phát biểu, thảo luận, xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao các chỉ số thấp điểm cũng như duy trì, phát huy những thế mạnh, nhằm tiếp tục nâng cao năng lực điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Đà Nẵng. Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cao cấp, cho rằng: Thứ hạng PCI của Đà Nẵng trong nhiều năm liền (2005-2010) luôn được xếp vào nhóm khá tốt, 3 năm hạng nhì và 3 năm hạng nhất.
 
Điều này khẳng định được môi trường đầu tư tại đây. Để tiếp tục phát huy và duy trì vai trò đầu tàu của mình, Đà Nẵng cần tận dụng những định hướng, cơ chế mới như tăng trưởng nhanh và bền vững, đổi mới mô hình tăng trưởng (coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức mạnh cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức). Bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; phát triển liên kết vùng; đô thị hóa và phát triển nông thôn mới. Trong đó, đẩy mạnh quan tâm, hỗ trợ đến phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển việc làm, nâng cao chất lượng việc làm và thu nhập, tăng cường năng lực phát triển bền vững, định vị địa phương trong mối quan hệ hợp tác và cạnh tranh trong vùng… Đồng thời nâng cao chất lượng điều hành về mọi mặt như tính minh bạch, sự phối hợp giữa các cơ quan…

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Pháp chế VCCI, với Đà Nẵng - địa phương có 3 năm liên tục đứng đầu cả nước về chỉ số PCI thì sẽ là một lợi thế lớn. Khoảng cách lớn của Đà Nẵng so với các tỉnh thuộc vùng duyên hải miền Trung đã nói lên điều này. Tuy nhiên, năm 2010, Đà Nẵng vẫn có nhiều chỉ tiêu giảm so với năm 2009. Trong đó, quy hoạch đất đai của thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, giá thuê mặt bằng kinh doanh cao, thủ tục hành chính mua đất phức tạp… Các chỉ số đã giảm như đào tạo lao động, tính năng động, chi phí không chính thức, tính minh bạch… Các doanh nghiệp dân doanh của Đà Nẵng cũng gặp không ít khó khăn về vốn, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính… Chính vì vậy, Đà Nẵng cần phải có những thay đổi lớn hơn nữa. Vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh không phải là vấn đề chỉ của một năm. Làm hài lòng DN và người dân mới là mục tiêu quan trọng và bền vững nhất của chính quyền. Trong thời gian tới, Đà Nẵng cần tiếp tục tập trung cải cách về tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin; dịch vụ hỗ trợ DN; đào tạo lao động; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tăng cường đối thoại, tiếp xúc DN; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN và nhà đầu tư.

Các chuyên gia của VCCI cho rằng, tính minh bạch không được cải thiện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Bởi môi trường kinh doanh càng minh bạch thì DN càng tin tưởng vào hiệu quả quản trị của Nhà nước, từ đó hoạch định các kế hoạch đầu tư dài hạn, phân bổ các nguồn lực hợp lý, giảm chi phí không chính thức khi tiếp cận thông tin, tăng tính bình đẳng về cơ hội kinh doanh giữa các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, thành phố cần tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ cả về trình độ lẫn thái độ ứng xử, kỹ năng giao tiếp với DN.

Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh cho rằng: Mặc dù tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số PCI năm 2010 nhưng thành phố không vì thế mà chủ quan. Để duy trì được vị trí dẫn đầu, Đà Nẵng cần phải tiếp tục quan tâm thúc đẩy hơn nữa quá trình cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh nhằm giúp DN phát triển đầu tư, sản xuất và kinh doanh đạt hiệu quả tốt nhất… Chủ tịch Trần Văn Minh đã cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước trong việc phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, những mặt làm được và những mặt chưa làm được của thành phố, nhất là đã chỉ ra cụ thể các sở, ngành, cơ quan, đơn vị nào gây phiền hà nhất. Trong thời gian đến, thành phố sẽ tiếp tục duy trì việc đối thoại với các hội DN, doanh nhân; mời đại diện Hội Doanh nhân trẻ thành phố và Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia họp giao ban hằng tháng với các sở, ban, ngành; giao Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH thành phố phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư nghiên cứu sâu thêm về các giải pháp nâng cao chỉ số PCI; các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện nghiên cứu khắc phục những chỉ số còn thấp để góp phần nâng cao chỉ số PCI của thành phố. Đồng thời, cần thực hiện tốt việc cải thiện môi trường đầu tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao năng lực quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ hành chính công của chính quyền các cấp.
 
Tích cực thực hiện Đề án 30, thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông”. Tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN tiếp cận thông tin để hiểu rõ hơn các chiến lược, định hướng và kế hoạch đầu tư phát triển của thành phố. Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ. Các sở, ban, ngành, các DN cần quán triệt và thực hiện tốt kế hoạch hành động cải thiện PCI. Để thu hút đầu tư, cần rà soát, điều chỉnh các chính sách khuyến khích đầu tư của thành phố, đẩy mạnh thông tin quảng bá tiềm năng, thế mạnh của thành phố qua việc nâng cấp Cổng thông tin điện tử thành phố; tăng cường tính công khai, minh bạch trong ban hành, thực hiện chính sách của các cấp chính quyền nhằm cải thiện chỉ số thành phần tính minh bạch và tiếp cận thông tin...

Thành Lân
;
.
.
.
.
.