Mặc dù đường dây điện đi trên không nhưng cũng có hành lang bảo vệ dưới mặt đất. Tùy theo điện áp của đường dây mà hành lang bảo vệ điện rộng hay hẹp nhằm bảo đảm an toàn hệ thống điện và người dân khi tham gia các hoạt động dưới mặt đất.
Nhà dân xây dựng ngay dưới hành lang bảo vệ điện trên tuyến 110kV từ Trạm biến áp 500kV đến Khu công nghiệp Hòa Khánh. |
Có thể nói rằng, công tác tuyên truyền của ngành Điện về bảo đảm hành lang an toàn lưới điện theo luật được triển khai liên tục và khá rộng rãi. Vậy nhưng vẫn xảy ra việc vi phạm hành lang bảo vệ lưới điện. Người dân trên đường Nguyễn Chí Thanh vẫn còn nhớ về vụ tai nạn điện, làm chết một công nhân đang sửa chữa nhà cho một hộ ở mặt tiền đường vào dịp giáp Tết 2010. Những sự cố mất điện ở một bộ phận dân cư, do các đơn vị thi công xây dựng các công trình làm đứt đường dây, đổ trụ điện... vẫn xảy ra. Ông Phạm Nam Hải, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn (Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng) khẳng định: Hầu hết lãnh đạo các đơn vị thi công các công trình trong hành lang bảo vệ điện đều biết các quy định trên, nhưng để tiết kiệm chi phí, đẩy nhanh tiến độ thi công, họ đã bỏ qua khâu phối hợp với ngành điện để có giải pháp bảo đảm an toàn.
Chỉ khi sự cố xảy ra, đơn vị thi công mới mời ngành điện phối hợp giải quyết hậu quả, chấp nhận phạt. Còn những vụ vi phạm hành lang bảo vệ điện nhưng không gây sự cố mà ngành điện thống kê được rất nhiều. Gần đây nhất là trên đường Trần Nam Trân, người ta trồng một hàng cau vua cho đẹp, đã vi phạm nghiêm trọng hành lang bảo vệ điện vì loại cau này có thể cao tới 15 mét trở lên, trong khi đường dây điện ở đây chỉ cao 7 mét (theo quy định). Từ đầu năm đến nay, tại tuyến đường dây 110kV từ Trạm biến áp 500kV về Khu công nghiệp Hòa Khánh, tình trạng người dân lấn chiếm và vi phạm hành lang bảo vệ điện để làm nhà đã diễn ra.
Trên địa bàn thành phố, không hiểu sao khi xây dựng một số khu dân cư mới, các nhà thiết kế đã không để ý tới các công trình điện đang hiện hữu. Chẳng hạn như dự án khu dân cư Quảng Thắng, đường dây 110kV ở đây đã có từ lâu, nhưng khi quy hoạch khu dân cư này không được tính đến. Hậu quả là sau khi san nền, đổ đất thì mặt nền đường chỉ cách đường dây trên không quá 3,8 mét, theo quy định về an toàn điện thì đường dây phải cách mặt đất tối thiểu là 7 mét. Vì thế để bảo đảm an toàn cho người dân khi đi qua đây, ngành điện đã phải cắm một hàng dài các biển cảnh báo. Rất may là trong suốt quá trình đổ đất, san nền đã không có phương tiện và công nhân nào bị tai nạn.
Gần đây, việc cải cách hành chính về thủ tục cấp phép xây dựng theo cơ chế “một cửa” đã có những đổi mới. Những hộ dân, cơ quan nào xin phép xây dựng nhà nằm trong hành lang bảo vệ điện, hoặc có ảnh hưởng đến các công trình điện thì bộ phận tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đã gửi văn bản xin ý kiến ngành điện. Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát các hộ xây dựng đã được cấp phép còn mang tính hình thức. Cá biệt có một số hộ làm nhà không xin phép, nên nguy cơ mất an toàn điện do các trường hợp này gây ra rất cao. Một số công trình ngầm do ngành điện xây dựng mặc dù có biển cảnh báo, nhưng vẫn xảy ra các sự cố đứt dây cáp ngầm do các đơn vị thi công gây ra. Ở một số trường hợp cho thấy khi quy hoạch, thiết kế các dự án, người ta đã cố tình quên đi các công trình điện đang hiện diện, vì đường dây điện rất lớn, rất dài, không thể không nhìn thấy. Trong khi đó, việc di dời các đường dây điện này rất tốn kém và yêu cầu kỹ thuật an toàn cao. Để tình trạng này không xảy ra, cần có sự phối hợp trong công tác quy hoạch, thiết kế các dự án mới, nhất là các dự án xây dựng các khu dân cư mới.
Bài và ảnh: Đức Thịnh