Ngày 28-6 năm nay là dịp kỷ niệm 10 năm Ngày Gia đình Việt Nam. Ngày của sự sum họp, đoàn tụ và hạnh phúc trong mỗi căn nhà. Nhưng với rất nhiều những mái ấm nhà binh, sự có mặt đầy đủ các thành viên của gia đình trong ngày này thật sự là một ước mơ.
Gia đình quân nhân tham gia Hội thi “Bữa ăn gia đình ngày chủ nhật”. |
Hầu hết những phụ nữ làm vợ bộ đội đều ở trong hoàn cảnh có chồng đi xa, từ hải đảo, biên giới xa xôi đến vùng sâu, vùng xa hẻo lánh. Mỗi năm cả nhà chỉ sum họp vài ngày vào kỳ nghỉ phép. Có khi gần 5 cái Tết các anh không về sum họp với gia đình vì nhiệm vụ. Ngôi nhà thiếu vắng bàn tay người cha, người chồng luôn chống chếnh... Đi làm, nuôi con, chăm sóc cha mẹ già đau yếu, bao nỗi vất vả chồng chất lên đôi vai nhỏ bé của những người vợ bộ đội tảo tần.
Chồng ở xa, đồng lương hạn hẹp phải chia năm xẻ bảy, lo cho bữa ăn hằng ngày đã là điều khó, nên việc xây được một ngôi nhà khang trang hay sắm sửa trang bị tiện nghi cho gia đình vẫn là chuyện của tương lai. Nhiều gia đình bộ đội vẫn còn phải ở trong những căn nhà tập thể cũ kỹ, xuống cấp, hoặc đang ở nhà thuê. Nhiều chị để hợp lý hóa gia đình đã khăn gói theo chồng chuyển nhà không dưới vài lần đến tận các hải đảo hay vùng núi xa xôi heo hút. Và, rất nhiều người vợ khi tóc đã ngả màu sương khói mới được sống gần chồng để chăm lo, săn sóc sớm hôm khi các anh đã rời quân ngũ.
Năm 2007, Trung úy Trần Quang Đạo, cán bộ của Đoàn công binh 83 hải quân nhận lệnh đi Trường Sa khi vợ anh - cô gái trẻ Nguyễn Thị Chinh đang mang thai 4 tháng. Bước chân ra đi lòng anh không khỏi nặng trĩu lo âu bởi vợ chồng vừa mới cưới nhau, cả hai chỉ có hai bàn tay trắng với một căn hộ đi thuê, ông bà nội, ngoại đều ở miền Bắc xa xôi. Vợ anh vượt cạn một mình. Mãi mấy tháng sau khi tàu chở hàng Tết ra đảo, Đạo mới nhìn thấy mặt con qua ảnh vợ gửi ra. Vắng chồng, Chinh phải một mình tự xoay xở mọi thứ với đứa con bé bỏng, công việc dạy mẫu giáo phải nghỉ hơn 1 năm để ở nhà chăm sóc con. Thu nhập hạn chế, tất cả phải chi tiêu tằn tiện từ đồng lương Đạo gửi về nơi đảo xa.
Có những lúc nửa đêm một mình đưa con vào bệnh viện cấp cứu, nước mắt người vợ trẻ chỉ chực trào ra. Chinh tâm sự: Ban ngày còn vui vì có tiếng trẻ con líu lo từ nhà hàng xóm, nhưng đêm về cô sợ nhất là nỗi cô đơn vắng lặng một mình. Nhất là những ngày lễ, Tết, căn phòng nhỏ bé mà như quá rộng vì vắng hơi ấm của chồng, đồ Tết cũng chẳng sắm sửa gì nhiều bởi chẳng có bố ở nhà mà bày vẽ. Thế nhưng 3 năm qua, chính hai mẹ con Chinh lại là hậu phương vững chắc, là nguồn động viên lớn để Trung úy Trần Quang Đạo yên tâm nơi đầu sóng ngọn gió rất đỗi thiêng liêng của Tổ quốc, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người sĩ quan công binh. Mái ấm nhà binh của họ dù vắng người đàn ông trụ cột nhưng luôn ấm áp tình yêu thương và ngập tràn hạnh phúc.
Chị Đào Thị Minh Tâm, giáo viên Trường Cao đẳng Lương thực-thực phẩm Trung ương 2 là vợ của Thượng tá Trương Chí Lăng, hiện là Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố. Gần 9 năm vắng chồng vì anh công tác xa, một mình chị phải gánh cả hai vai việc nước, việc nhà. Thường xuyên bận rộn với công việc giảng dạy của nhà trường, chị vừa phải vất vả chăm sóc hai con còn nhỏ dại. Đồng lương hạn hẹp, ngoài giảng dạy trên lớp chị còn tranh thủ mọi thời gian dạy thêm nhiều lớp do nhà trường tổ chức để có thêm thu nhập trang trải cho gia đình và chăm lo cho hai con.
Sự quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo của mẹ chính là nguồn động viên lớn để con trai Trần Việt Đức thi đỗ vào Trường THCS chuyên Nguyễn Khuyến, chuyên Anh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và đạt nhiều giải thi học sinh giỏi cấp quốc gia, con gái nhiều năm liền là học sinh giỏi. Đằng sau thành tích học tập của các con chính là một tấm lòng tận tụy và hy sinh hết mình của chị Tâm - người mẹ, người vợ bộ đội đảm đang và đầy nghị lực. Bố ở xa mỗi năm chỉ về thăm nhà được đôi ba ngày ngắn ngủi, anh em Đức không chỉ học được ở mẹ tấm gương về sự nỗ lực vươn lên mà còn luôn được mẹ dạy bảo về lối sống, về đạo đức để trở thành người hoàn thiện.
Khi được hỏi về bí quyết để trở thành học sinh giỏi 12 năm liền, Đức tự tin: Vì cháu là con nhà bộ đội, nên học tập được ở bố mẹ tinh thần tự lực, không ỷ lại mà phải vươn lên bằng chính sức mình. Đức rất chăm chỉ giúp mẹ làm việc nhà, là chỗ dựa tin cậy của mẹ khi bố vắng nhà. Với chị Tâm, một mái nhà hạnh phúc là sự thông cảm sẻ chia, hy sinh không mệt mỏi của người mẹ, người vợ. Còn với Thượng tá Trương Chí Lăng, niềm tự hào lớn nhất chính là một hậu phương vững chắc để anh yên tâm công tác suốt 9 năm xa nhà.
Bài và ảnh: CÁT TƯỜNG