.

Phục hồi chức năng cho người khuyết tật

.

“Đề án trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006-2010” đến nay đã đạt được những kết quả nhất định, giúp người khuyết tật (NKT) vươn lên ổn định đời sống và hòa nhập cộng đồng. Trong đó phải kể đến việc triển khai trợ giúp về y tế và phục hồi chức năng (PHCN) cho NKT dựa vào cộng đồng.

Mô tả ảnh.
Trẻ em khuyết tật được tập luyện PHCN tại Trạm PHCN Hòa Phong, huyện Hòa Vang. (Ảnh tư liệu)

 

Xây dựng mô hình PHCN ở địa phương

Suốt gần nửa năm nay, chị Đỗ Thị Mỹ Hạnh thường xuyên dẫn con gái (5 tuổi) bị bệnh bại não đến Trạm PHCN Hòa Phong, nằm trong khuôn viên Trạm y tế xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Tại đây, con gái chị Hạnh được kỹ thuật viên của trạm hướng dẫn và giúp đỡ một số bài tập nhằm giúp cháu có thể vận động được dễ dàng hơn. Trạm đóng trên địa bàn xã nên việc con đi tập PHCN cũng dễ dàng hơn đối với gia đình chị Hạnh. Được biết, kể từ khi thành lập đến nay (gần 2 năm) Trạm PHCN xã Hòa Phong tiếp nhận trung bình 12 - 15 bệnh nhân/ngày đến tập. Cơ sở vật chất được đầu tư mới với nhiều loại máy móc như máy siêu âm; đèn tia hồng ngoại; máy mát-xa chân, lưng; ghế tập cơ; xe đạp tập cố định; máy điện châm…

Đến tập tại Trạm PHCN Hòa Phong chủ yếu là bệnh nhân mắc các dạng khuyết tật mới, gây khó khăn trong vận động  như chấn thương sọ não, trẻ bị bại não, chấn thương tủy sống… còn những loại khuyết tật khác như câm, điếc… phải chuyển về Bệnh viện Điều dưỡng và PHCN Đà Nẵng. Chị Lê Thị Hóa, kỹ thuật viên tại trạm cho biết, NKT về vận động khi tham gia tập luyện PHCN tại Trạm sẽ được hướng dẫn nhiều bài tập căn bản. Người tập vừa được hỗ trợ từ nhiều dụng cụ tập luyện, vừa được người thân ở cạnh động viên nên nếu chăm chỉ và chịu khó bệnh tình tiến triển rất tốt. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn ngần ngại chưa đưa người thân bị khuyết tật đến tập, thêm vào đó trạm chỉ có một kỹ thuật viên PHCN nên nhiều lúc người bệnh phải tự luyện tập.

Đẩy mạnh thực hiện

 

Đến nay, toàn thành phố có 81 điểm PHCN tại cộng đồng, với hơn 500 NKT thường xuyên đến tập luyện; đã xây dựng được mạng lưới cộng tác viên tại địa phương với 178 người; thành lập khoa mới về PHCN cho NKT là Khoa tổn thương tủy sống.

Việc hình thành các phòng tập PHCN dựa vào cộng đồng cho NKT  tại địa phương đã góp phần giảm tải sức ép bệnh nhân cho Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, tập luyện đối với người dân ở địa phương. Ông Phạm Văn Nam, phụ trách Trạm PHCN Hòa Phong, cho biết: “Bệnh nhân khuyết tật đến với phòng tập PHCN chúng tôi được miễn phí hoàn toàn, thời gian phục vụ theo giờ hành chính (trừ thứ 7 và chủ nhật). Với người dân, nhất là những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thì đây là điều kiện tập luyện rất tốt, giúp họ giảm bớt gánh nặng về kinh tế cũng như tâm lý”.

 

Tính đến nay, phòng tập PHCN cho NKT đã được xây dựng ở hầu hết các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Mô hình PHCN dựa vào cộng đồng đã được xây dựng lồng ghép trong Trạm y tế của 56 xã, phường. Ngoài việc tạo điều kiện tập luyện, PHCN cho NKT, các sở, ban, ngành, hội đoàn thể đã vận động hỗ trợ hơn 6.000 xe lăn, xe lắc tay, máy trợ thính, chân tay giả... cho NKT. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tập huấn cho các kỹ thuật viên, xây dựng rộng rãi mạng lưới cộng tác viên PHCN tại địa phương, nhằm nâng cao năng lực phục vụ của các Trạm PHCN này.

KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.