.

Sâu nặng nghĩa tình Lào - Việt

.

Lần đầu đặt chân đến đất Lào, chúng tôi đã được tham dự một buổi liên hoan mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 do Việt kiều Lào tổ chức tại tỉnh Attapư (Nam Lào). Với những Việt kiều đang sinh sống tại đây, ngày 8-3 không chỉ là ngày của chị em mà còn là dịp để họ chia sẻ nỗi nhớ quê hương, cùng nói tiếng mẹ đẻ, ăn những món ăn thuần Việt và cùng giao lưu với những bạn Lào thân thiết.

 

Mô tả ảnh.
Việt kiều tại tỉnh Attapư giao lưu với người dân địa phương tại buổi liên hoan mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3.

 

Chị Võ Thị Dung, gần 20 năm làm ăn, sinh sống tại tỉnh Attapư tâm sự: “Thời gian đầu khi mới sang, vùng đất Attapư này còn nghèo khó lắm, đường sá chưa có, xe đi lại không thuận tiện. Nhờ người dân nước bạn cảm thông, giúp đỡ, mình làm ăn từng bước khấm khá lên. Người Việt ở đây bây giờ luôn dựa vào nhau, đoàn kết, khuyên bảo nhau vượt qua khó khăn”. Với những Việt kiều đang cư trú tại Attapư, chuyện kinh doanh buôn bán đã tốn không ít thời gian. Chính vì vậy, để tổ chức được một đêm giao lưu giữa phụ nữ Việt và phụ nữ Lào trong ngày Quốc tế Phụ nữ không phải dễ. Tuy nhiên, với Hội Phụ nữ Việt kiều tại đây, sự kiện này chính là cơ hội để giới thiệu với bạn Lào những nét văn hóa trong cách ăn, cách mặc của người Việt và cũng là dịp quan trọng để thể hiện tình đoàn kết, gắn bó giữa người dân địa phương với Việt kiều sinh sống tại Lào.

Theo ông Phạm Thắng, Chủ tịch Hội Việt kiều tỉnh Attapư thì hiện có gần 50 hộ gia đình người Việt sống ở Attapư, chủ yếu làm nghề buôn bán. Để có điều kiện sống và sinh hoạt tốt như hiện nay, Việt kiều cũng phải nương tựa bà con người Lào. Chính sự thân thiện, gần gũi, dễ mến của người dân Lào đã giúp cho người Việt vơi đi cảm giác xa lạ khi cư ngụ trên đất bạn. Ông Phạm Thắng cho biết: “Nhiều người dân Việt sang đây làm ăn, rồi họ ở lại, mang gia đình sang theo. Tình cảm của người dân Lào với Việt kiều mình rất tốt. Mình sống tốt thì họ sẽ quan tâm lo lắng, giúp đỡ mình. Nhưng nếu thiếu chân thật thì cũng khiến bà con người Lào xa lánh. Điều này cũng dễ hiểu thôi vì bản thân người dân Lào luôn sống rất chân tình và cũng muốn người dân nước khác đối đãi với mình như vậy”.

Nói chuyện với chúng tôi, ông Phạm Thắng không giấu niềm tự hào khi giới thiệu cơ ngơi khách sạn mà ông gây dựng được trên vùng đất Attapư sau hơn 22 năm bôn ba xứ người. Đối với ông, chính cách sống gần gũi của người Lào đã giúp cho người Việt hòa nhập dễ dàng với văn hóa, nếp sống ở nước bạn. Không chỉ riêng ông Thắng mà nhiều Việt kiều tại Lào đều có nhận định chung như vậy. Có những gia đình sau khi sang Lào, làm ăn khấm khá, lại đưa người nhà sang sinh sống, làm việc tại đây, thậm chí, còn kết hôn với người Lào, tạo nên sự gắn kết sâu sắc giữa hai dân tộc láng giềng. Anh Nguyễn Ngọc Huy, công dân thành phố Đà Nẵng, đã thành lập Công ty Vanda đầu tư trồng cây cao su, khai thác và chế biến gỗ tại tỉnh Salavan cho biết: “Việc làm ăn kinh doanh ở đây tiến triển khá tốt. Chúng tôi đã thuê hàng trăm ha để trồng cao su và khai thác, xuất khẩu gỗ. Hiện công ty có hơn 200 công nhân gồm người địa phương lẫn người Việt và mức lương trung bình công ty trả cho người Việt làm tại đây là khoảng 250USD/người/tháng”.

Người làm chúng tôi ấn tượng nhất là ông Bun-nhơn, Cố vấn Ban Chấp hành Hội Việt kiều tại Lào, người không chỉ góp công cho sự nghiệp giải phóng của nhân dân các bộ tộc Lào mà còn là sợi dây kết nối tình hữu nghị Việt - Lào trong quá khứ cũng như hiện tại. Là bộ đội tình nguyện Việt Nam sang nước bạn chiến đấu, không những ông đã hy sinh tuổi trẻ, cống hiến hết mình cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Lào mà thời bình, ông còn là điển hình trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đất Sêkông nhiều gian khó. Ông là người Việt đầu tiên đảm trách chức vụ Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sêkông và suốt cuộc đời, ông luôn tự hào khi mang trong mình dòng máu Việt nhưng đồng thời, cũng là một công dân ưu tú ở đất nước bạn. Với ông, nước Việt tạo nên hình hài, nuôi dưỡng ông thành người và trên quê hương đất nước Triệu voi, ông trở thành một con người biết hy sinh, biết cống hiến cho cuộc sống của cộng đồng.

Những người như ông Bun-nhơn, chị Dung, ông Thắng, anh Huy và rất nhiều người Việt sinh sống tại Lào đã góp phần quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách về ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống giữa hai dân tộc. Bằng việc giao lưu về giáo dục, kinh tế, thương mại, tình cảm giữa nhân dân hai nước Việt - Lào ngày càng gắn bó mật thiết. Đây là cơ sở quan trọng để thắt chặt hơn sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào; đồng thời, cũng là cách mà hai nước lựa chọn để hòa nhập vào một cộng đồng ASEAN thống nhất trong những năm đến.

Bài và ảnh: HÀ AN

;
.
.
.
.
.