.

Thanh niên Đà Nẵng với các vấn đề quốc tế

.

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng phối hợp với Thành Đoàn Đà Nẵng, Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng đã ký kế hoạch liên tịch tổ chức Diễn đàn “Thanh niên với các vấn đề quốc tế”. Chúng tôi ghi lại ý kiến của một số sinh viên Khoa Quốc tế học, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng về những vấn đề mang tính quốc tế hiện nay.

 

Mô tả ảnh.
Giao lưu ẩm thực giữa sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng với sinh viên quốc tế.

 

Sinh viên Trần Thị Vân Đức quan tâm tới vấn đề “Chế độ qua lại vô hại trong lãnh hải theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”. Vân Đức tỏ ra khá am hiểu khi đề cập tới vấn đề đang được rất nhiều bạn trẻ quan tâm hiện nay là Biển Đông và cho rằng: Trong suốt chiều dài phát triển của Luật Biển quốc tế, hai quan điểm đối lập: Biển mở và biển đóng luôn tồn tại song song với nhau. Sự đấu tranh giữa hai quan điểm đó đã dẫn đến sự ra đời của hai nguyên tắc: Nguyên tắc chủ quyền lãnh hải và nguyên tắc qua lại vô hại trong lãnh hải. Khái niệm quyền “qua lại vô hại” đầu tiên được đưa ra trong tác phẩm “Luật thương mại trong quan hệ của nó với luật nhân quyền” của Masse vào nửa cuối thế kỷ XIX và một số Công ước tiếp sau như: Công ước Barcelona (năm 1921); Công ước Geneva (năm 1958)… tạo cơ sở cho sự hình thành của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Quyền qua lại vô hại trong lãnh hải đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo đảm chủ quyền của quốc gia và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia ven biển với nhau. Những lợi ích đó bao gồm sự an toàn hàng hải và quy định giao thông đường biển; bảo vệ đường dây cáp, ống dẫn và các cứu trợ hàng hải; bảo vệ và bảo tồn môi trường biển và những tài nguyên sinh vật biển... Theo Vân Đức, đối với thế hệ thanh niên Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa, việc hiểu rõ chủ quyền trên biển của quốc gia là điều hết sức cần thiết để có những hành động bảo vệ đất nước đúng đắn, đặc biệt là trong thời điểm hiện tại trước thái độ “hung hăng” và tham vọng bá quyền ở Biển Đông của Trung Quốc.

Một vấn đề quốc tế khác được sinh viên Võ Đại Thành Nhân quan tâm là “Thực trạng của tình hình biến đổi khí hậu cũng như tác động của nó đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng”. Theo Nhân, các biện pháp giải quyết sự thay đổi khí hậu được chia thành ba nhóm là các biện pháp thích ứng, giảm nhẹ và hỗ trợ, trong đó có những công việc cụ thể cho mỗi cá nhân như: Thay đổi thói quen hằng ngày trong cuộc sống theo hướng tiết kiệm năng lượng, và thân thiện với môi trường. Cần phải nhận thức đầy đủ hơn về nguyên nhân và hậu quả của sự biến đổi khí hậu để vận dụng trong những hoàn cảnh cụ thể, đặc biệt là đối với những người “ra quyết định”.

 Trong khi đó, sinh viên Nguyễn Thị Thanh Dung thì trăn trở với vấn đề “Thanh niên Việt Nam làm như thế nào để quảng bá hình ảnh thanh niên Việt Nam với bạn bè quốc tế?”. Theo Dung, hình ảnh thanh niên tượng trưng cho sức mạnh, cho tầm vóc của một đất nước. Vì vậy, việc quảng bá hình ảnh thanh niên có ý nghĩa vô cùng quan trọng. “Thanh niên Việt Nam chỉ có thể quảng bá được hình ảnh của mình với bạn bè quốc tế khi và chỉ khi thanh niên Việt Nam quảng bá thành công được hình ảnh của mình trong mắt người dân Việt”. Hình ảnh thanh niên được quảng bá tốt nhất khi giỏi ngoại ngữ, tự tin hòa nhập tập thể, cởi mở tham gia những hoạt động xã hội mang tầm vóc quốc tế có ý nghĩa tích cực. Đó là những điều mà thanh niên cần phải làm để quảng bá hình ảnh của mình rộng rãi trong cộng đồng quốc tế.

Yên Giang - Thu Hằng (ghi)

;
.
.
.
.
.