Trước tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt có xu hướng gia tăng và thường xảy ra tại những đường ngang dân sinh có mật độ người và phương tiện giao thông nhiều, Ban ATGT thành phố đã thành lập 3 tổ cảnh giới ATGT có người trực gác. Kết quả qua gần 3 năm đi vào hoạt động tại 3 tổ cảnh giới ATGT có người gác này không xảy ra một vụ TNGT đường sắt nào trong giờ có người trực.
Ông Nguyễn Ca đang đóng ba-ri-e vì sắp có tàu lửa chạy qua. |
Đường ngang dân sinh gần khu vực cầu vượt Hòa Cầm từ lâu là “điểm đen” về TNGT đường sắt. Mật độ lưu thông đường bộ cắt qua đường sắt tại vị trí này rất cao với trung bình mỗi ngày gần cả ngàn lượt, vì vậy tại đây năm nào cũng có nhiều vụ TNGT xảy ra. Ông Nguyễn Văn Tiến làm nghề xe ôm tại đây cho biết, trước đây số vụ TNGT xảy ra nhiều. Tuy nhiên, từ tháng 5-2010, tại vị trí này được Ban ATGT thành phố thành lập tổ cảnh giới có người trực, nhờ vậy không xảy ra vụ TNGT đường sắt nào nữa. Hiện tại tổ cảnh giới này có 4 người thay phiên nhau trực gác từ 8 giờ 30 đến 21 giờ 30 hằng ngày, và duy trì suốt tháng không nghỉ bất cứ ngày nào.
Ông Mai Xuân, nhân viên gác trực tại đây cho biết: Mật độ người và phương tiện lưu thông qua đường ngang dân sinh gần cầu vượt Hòa Cầm này rất cao, thế nhưng nhiều người không ý thức hết được sự nguy hiểm mỗi khi có tàu chạy qua. Vì vậy, công việc của chúng tôi không đơn giản chỉ chờ tàu đến là đóng ba-ri-e, mà còn phải lo ngăn cản những người cố tình vượt qua đường sắt ngay trước đầu tàu. Qua một năm qua làm việc tại đây, ông Mai Xuân đã cứu 4 trường hợp thoát chết trong gang tấc, vì lỗi cố tình vượt qua đường sắt. Thế nhưng điều ông Mai Xuân thấy buồn là mình làm hết sức vì sự an toàn cho người đi đường, vậy mà ngày nào đóng ba-ri-e cũng bị la ó, chửi mắng, thậm chí có trường hợp còn đánh ông sụp cả sống mũi phải đi bệnh viện.
Lượng người và phương tiện đi qua các đường dân sinh rất nhiều, vì vậy việc thành lập những tổ cảnh giới ATGT là rất hữu ích. |
Ông Nguyễn Văn Ca, nhân viên gác trực tại gác chắn số 2 phường Hòa Hiệp Nam bộc bạch: Đường ngang dân sinh này là lối đi chính của cả thôn Xuân Dương, phường Hòa Hiệp Nam ra đường Nguyễn Lương Bằng. Băng qua đường sắt đã nguy hiểm, thế nhưng do đường sắt ở đây cao hơn đường ngang dân sinh gần cả mét, vì vậy khi qua đây càng nguy hiểm hơn. Trước đây khi chưa có gác chắn này thì tại đây năm nào cũng có từ 2-3 vụ TNGT gây chết người. Từ tháng 3-2008, khi trạm gác này được thành lập đến nay chỉ xảy ra một vụ TNGT làm 1 người chết, nhưng thời điểm xảy ra TNGT là đã hết phiên trực gác trong ngày của chúng tôi. Ở tuổi 69 nhưng ông Nguyễn Văn Ca cho biết làm gác trực tại đây không chỉ cần tinh thần trách nhiệm mà phải có sức khỏe vì công việc không đơn giản là đóng, mở ba-ri-e, mà còn phải lo ngăn cản không ít trường hợp cố tình vượt qua trước mũi tàu.
Thậm chí đôi khi còn phải chạy ra phụ giúp người dân đẩy chiếc xe bò, hay dắt chiếc xe bị chết máy để giúp những trường hợp cố tình vượt đường sắt khi tàu chuẩn bị đến. Đã vậy do chưa được trang bị điện thoại thông báo giờ tàu đến nên gần như trong 7 tiếng đồng hồ trực gác, ông Ca đứng ngồi không yên, phải căng mắt ra quan sát tàu chạy đến. Ông cho biết, mỗi tháng chỉ được hỗ trợ 1 triệu đồng là chưa đúng công sức bỏ ra, nhưng thôi mình ráng làm coi như giúp bà con trong thôn tránh được TNGT là hạnh phúc rồi.
Rất nhiều biện pháp được triển khai để hạn chế TNGT nói chung và đường sắt nói riêng trong thời gian qua, tuy nhiên hiệu quả chưa như mong đợi. Vì vậy việc lập những tổ cảnh giới ATGT trên tuyến đường sắt chạy qua địa bàn thành phố rất được hoan nghênh và cần nhân rộng. Về phía người tham gia giao thông cũng cần ủng hộ những người làm công việc này, và đó cũng là biện pháp bảo vệ chính mình.
Xuất phát từ kết quả này nên ngày 3-6-2011, UBND thành phố đã cho phép thành lập thêm 2 tổ cảnh giới ATGT đường sắt tại hai vị trí là Km 798+228 (trước số nhà 1120 đường Trường Chinh) và Km 779+500 (sau nhà số 814 Nguyễn Lương Bằng). Ban ATGT thành phố có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí cho lực lượng làm nhiệm vụ cảnh giới ATGT tại hai vị trí trên với mức 1,5 triệu đồng/người/tháng. |
Bài và ảnh: Trần Luân Sơn