.

Đi tìm hài cốt đồng đội

.

Những năm qua, các CCB ở quận Liên Chiểu đã tổ chức hơn 70 cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên các chiến trường và các khu căn cứ cách mạng trong thời đánh Mỹ. Dốc đứng khe sâu, sên núi muỗi rừng không làm nhụt bước chân của các anh chị đối với đồng đội cũ.

 

Mô tả ảnh.
Tìm hài cốt liệt sĩ trên vùng núi Hòa Bắc.

 

Hầu hết các CCB này ở phường Hòa Hiệp Nam, đã từng chiến đấu, công tác tại Tiểu đoàn Công binh Hải Vân, đại đội đặc công và các đơn vị thuộc Khu 1 Hòa Vang. Cùng chung tâm nguyện đi tìm hài cốt đồng đội trong hàng chục năm qua, với gạo nhà tiền túi, họ tự tiến hành hơn 70 chuyến “đi tìm đồng đội” trên đèo Hải Vân và những khu căn cứ năm xưa.

Những năm đánh Mỹ, có nhiều thi thể liệt sĩ không chỉ chôn mà còn phải giấu và ngụy trang thật kỹ, để địch không phát hiện được.  Mà hồi ấy chôn giấu liệt sĩ càng tốt thì bây giờ đi tìm hài cốt đồng đội lại càng khó. Hơn nữa, sau ngần ấy năm trời, cảnh vật thay đổi, cây cỏ mịt mù, nên hành trình đi tìm lại nơi chôn giấu liệt sĩ thật vô cùng khó nhọc! Nhiều chỗ cây cỏ quá rậm,  các CCB phải bỏ tiền thuê nhân công phát dọn. Có nhiều chuyến đi tìm không thấy kết quả. Cũng không ít những chuyến gặp mưa gió phải căng lều che lán trú ngụ trong rừng hàng tuần lễ.

 

Kết quả những chuyến đi ấy, các CCB Liên Chiểu đã tìm được tổng số 69 hài cốt liệt sĩ và hiện nay các anh chị vẫn đang tiếp tục hành trình đi tìm đồng đội. Một điều rất phấn khởi là những năm gần đây có cả đoàn viên thanh niên cùng tham gia với các anh chị  trong các chuyến đi tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ.

Anh Dương Đạt và chị Trần Thị Thanh Hoa (ở tổ 9, Hòa Hiệp Nam) là đôi vợ chồng duy nhất cùng tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Mặc dù hay đau ốm, nhưng cả hai cùng toàn tâm toàn ý tham gia nhiều đợt tìm kiếm trên đèo Hải Vân và trên vùng núi Hòa Bắc. Mới đây, hai vợ chồng chị cùng tham gia chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ ở khu vực hòn Quắp và khe Dâu (xã Hòa Bắc). Sau nhiều ngày chặt cây, phát cỏ, đào kiếm, đã tìm được 4 hài cốt liệt sĩ và đó là chuyến đi đạt kết quả nhất trong  số 12 chuyến đi mà vợ chồng chị đã tham gia. Chị nhớ mãi giây phút mà anh Phạm Văn Đùng nhận ra hài cốt của em mình là Phạm Thị Tân, bởi chiếc khăn voan và tấm vải dù mà chị Tân vẫn thường dùng hồi kháng chiến.

 

Không thể tả xiết niềm vui mừng của họ khi tìm được hài cốt đồng đội. Liệt sĩ Nguyễn Đình Khôi (bộ đội Tiểu đoàn Công binh Hải Vân) được tìm thấy là nhờ CCB Nguyễn Văn Điểm, nguyên Đại đội phó quân sự Đại đội 1, Tiểu đoàn Công binh Hải Vân nhớ lại, Khôi hy sinh năm 1971 trong một trận đánh đoàn xe địch tại cầu Cây Xanh trên đèo Hải Vân. Đơn vị chôn giấu anh bên một tảng đá trắng gần lối mòn, cách cầu Cây Xanh khoảng 200 mét. Nhớ như vậy, nhưng khi tìm thì không còn nhận ra đâu là địa điểm đã chôn giấu liệt sĩ, bởi cảnh vật đã thay đổi quá nhiều. Do vậy các anh chị đã đào tìm nhiều vị trí, cho đến khi tìm thấy một di hài có chiếc vải dù quấn ngang thì ai nấy đều bật khóc vì nhận ra đó chính là tấm dù đã quấn quanh bụng Nguyễn Đình Khôi năm xưa...

Anh Điểm còn nhớ rõ trường hợp hy sinh của đồng chí Nguyễn Xuân Cảnh năm 1970. Cảnh là một cán bộ của Tiểu đoàn Công binh Hải Vân, trực tiếp chỉ huy một tổ phục kích, vừa phát lệnh chiến đấu thì bị địch phản pháo trúng đội hình. Anh hy sinh bên một tảng đá bằng mà anh đã dùng làm bệ tỳ trong chiến đấu và được chôn giấu ngay cạnh tảng đá ấy. Nhớ những chi tiết đó, các CCB cùng đơn vị đã tìm thấy tảng đá có mõm bằng ở cạnh một khúc cua trên đường đèo Hải Vân, tại vị trí phù hợp với đặc điểm trận đánh. Đến khi đào kiếm, quả nhiên tìm thấy hài cốt liệt sĩ Nguyễn Xuân Cảnh với một số di vật như thắt lưng, cúc áo, túi đựng đạn...

Mỗi lần tìm thấy hài cốt liệt sĩ là các anh chị nhanh chóng báo cho các cơ quan chức năng ở quận Liên Chiểu và thân nhân của liệt sĩ mà các CCB này đã dày công tìm hỏi địa chỉ. Tiếp đến, các anh chị lại cùng với cơ quan chức năng tổ chức trang trọng, chu đáo việc cất bốc, đưa hài cốt đồng đội về Nghĩa trang liệt sĩ Hòa Hiệp để làm lễ truy điệu và tiễn đưa họ trở về quê hương.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.