Ai cũng biết họp tổ dân phố là để tuyên truyền những chính sách, pháp luật… của Đảng, Nhà nước đến từng người dân. Họp tổ dân phố thường định kỳ theo quý hoặc tháng. Với nội dung họp và tính chất định kỳ ấy, các cuộc họp đôi khi làm cho người ta có cảm giác nhàm chán. Làm sao để các cuộc họp tổ dân phố ngày càng hấp dẫn, sinh động đang được bà con quan tâm.
Cần quan tâm đổi mới cách thức họp tổ dân phố. (Ảnh mang tính minh họa) |
Phải gần dân...
Ông Huỳnh Vũ, Tổ trưởng tổ dân phố 19, phường Thạch Thang, với kinh nghiệm của một người đã từng làm công tác chính trị trong lực lượng Công an thành phố (khi đương nhiệm), cộng với mấy năm làm Bí thư chi bộ khu dân cư, tổ trưởng tổ dân phố (khi đã nghỉ hưu) khẳng định: “Nói gì thì nói, trong mọi hoạt động, trước hết người cán bộ tổ dân phố phải gần dân, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của nhân dân… Trong các cuộc họp, muốn dân nghe mình thì phải nói những vấn đề gắn với cuộc sống thiết thân, với quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Nếu dân nghĩ một đường, cuộc họp cứ khoa trương một nẻo, người ta buồn ngủ là phải”.
Cũng theo ông Vũ, người tổ trưởng ngoài sự nhiệt tình, năng nổ, cần có năng lực tổ chức, năng lực thuyết phục người khác, biết làm mới vấn đề. Vì câu chuyện có hay đến mấy, nhưng cứ ấp a ấp úng như gà mắc tóc, hay nói một kiểu từ năm này sang năm khác thì không ai muốn nghe đâu. Cô Lê Thị Dung (trú tổ 19, phường Thạch Thang) khoe: “Sở dĩ tổ của cô luôn đạt những thành tích nổi bật so với toàn phường và quận cũng là nhờ các cuộc họp tổ dân phố luôn thu hút được người dân tham gia, cứ nhận được giấy mời là mọi người thu xếp công việc đi ngay”.
Không nên máy móc
Chị Phan Thị Hà Bắc, Phó trưởng Phòng VH-TT quận Thanh Khê, vừa là một cán bộ văn hóa, vừa là tổ viên đi dự không ít các cuộc họp tổ dân phố đã bày tỏ: “Nếu như tại các cuộc họp dân phố, phần thuyết giảng, mệnh lệnh được thay bằng các tiết mục ca hát, đóng kịch tuyên truyền thì sự tiếp thu của người dân chắc chắn sẽ tự nhiên và hiệu quả hơn nhiều. Nhiều người dân đi họp thì nhác, nhưng đi xem văn nghệ thì người ta rất thích, nhất là những người quanh năm đầu tắt mặt tối, đi làm về đã mệt, người ta luôn muốn được thoải mái, thư giãn…”.
Anh Lưu Kim Bông, Tổ trưởng Khu chung cư 4 (Sơn Trà) cho biết, trong các cuộc họp của khu chung cư, anh thường lồng ghép hoạt động kỷ niệm nhân các ngày lễ lớn trong năm, chương trình, hình thức kỷ niệm cũng được thay đổi theo từng năm, gắn với những trọng tâm khác nhau theo tình hình cụ thể, để người dân luôn trong tâm trạng hứng khởi khi đi họp. Không như một người dân ở tổ 39, phường Bình Hiên (xin giấu tên) phản ánh: “Năm nào tôi cũng kiên nhẫn đi họp tổ để xem có gì mới, nhưng năm nay cũng như mọi năm, cứ đọc thông báo, chỉ thị một thôi một hồi, nộp các khoản tiền vận động, đóng góp xong là về. Không phải người dân không có ý thức nhưng cứ họp hành kiểu ấy, chúng tôi rất nản”.
Một thực tế nữa là hiện nay, đối tượng đi họp tổ dân phố thường là những người già, người về hưu, còn người trẻ bao giờ cũng chiếm số ít. Đây cũng là điều khiến các vị tổ trưởng suy nghĩ, không ít biện pháp được đưa ra như thành lập hội riêng, phân công công việc cụ thể cho họ, tổ chức văn nghệ… nhưng xem chừng vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Tốc độ phát triển đô thị càng lớn, tính cá nhân của con người càng có dịp phát huy, những sinh hoạt cộng đồng - trong đó có họp tổ dân phố là một trong những cơ hội hiếm hoi để người dân thắt chặt tình đoàn kết, tính tự quản tại khu dân cư càng cần được quan tâm đổi mới.
Bài và ảnh: Ngọc Dung