.

Ngọn lửa ấm tình người

.
Vừa bước vào Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng, chợt giật mình  khi một cánh tay khẳng khiu, già nua nắm lấy tay tôi, rồi một giọng cụ bà khàn khàn cất lên: “Con vào thăm mẹ đấy à...”. Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má hốc hác, đôi mắt buồn thất vọng rồi nhìn ra xa xăm, cụ buông tay tôi khi thấy mình đã nhầm...

Mô tả ảnh.
Cụ Lê Văn Nhân (phải) hàn huyên với người bạn cùng phòng.
Con nuôi cha mẹ, kể tháng kể ngày...

Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng chưa đầy 8km, nằm ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, nhưng bước vào Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng như bước vào một thế giới khác. Nơi đó có những mảnh đời, những số phận, những giọt nước mắt nuốt nghẹn vào trong.

Vào trung tâm bao lâu, ông Lê Văn Nhân (79 tuổi) không còn nhớ rõ nữa, chỉ lờ mờ rằng khoảng hơn 10 năm gì đó. Nghĩ về thời trai trẻ, giọng ông bỗng hào sảng lạ thường. Ngày trước giải phóng làm anh tài xế dọc ngang đây đó, sau hòa bình về làm anh thợ sửa xe máy kiêm tổ trưởng dân phố. Công việc tuy bình thường, giản dị nhưng hạnh phúc bên người vợ tảo tần buôn bán nuôi bảy cái “tàu há mồm”. “Dù nghèo, nhưng hạnh phúc lắm cô à. Bảy đứa con đứa nào cũng cao ráo, đẹp đẽ, tuy không học cao nhưng đều có việc làm, thu nhập ổn định”, ông Nhân tự hào về những “thành quả” của mình.
 
Thế nhưng, vợ ông qua đời sau cơn bạo bệnh, con cái đều có gia đình, việc bố ở với ai lại là vấn đề... đau đầu? Cuối cùng, ông đành khăn gói vào Trung tâm Bảo trợ xã hội. Ông khoe có con gái làm dịch vụ cầm đồ, có nhà ba tầng ở quận Hải Châu đang cho thuê, rất giàu có. “Nhà cô ấy rộng thế, bác về ở có hơn không?”, tôi hỏi. Đôi mắt mờ đục không còn nhìn rõ của người cha già bỗng như muốn khóc nhưng lại không còn nước mắt để khóc: “Chúng đều không muốn tôi ở thì tôi ở làm gì. Số của tôi vậy, tôi phải cam chịu. Có đứa còn nói: Bọn con làm ăn không ra chi, ông cứ ở đó, khi nào chết tui đem về chôn... Đau lắm”.

Còn cụ bà Nguyễn Thị Én (77 tuổi) thì vào đây vì “chúng nó cực quá, mình là gánh nặng cho chúng”. Nhìn bà cụ gầy còm, hốc hác với đôi mắt trũng sâu, ít ai biết rằng ngày xưa bà là cô gái đẹp nhất nhì ở Thanh Quýt (Quảng Nam). “Hồng nhan bạc phận”, bà lấy phải người chồng có thói trăng hoa. Không chịu nổi, bà bỏ đi khi có mang ba tháng. Cơ cực, vất vả, gắng gượng để sinh tồn, để nuôi dưỡng sinh linh bé nhỏ, bà như vắt kiệt sức mình. Rồi con lớn, những tưởng đã đỡ khổ nhưng con trai duy nhất của bà cũng nghèo khó vì phải nuôi vợ và các con nhỏ. Không chịu được tiếng bấc, tiếng chì, lại cạn nghĩ mình là gánh nặng cho con, bà lặng lẽ tìm đến Trung tâm Bảo trợ xã hội.

Tình người

Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng đang nuôi dưỡng 182 người, trong đó có 59 người già, còn lại là trẻ em và các đối tượng khác. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, trung tâm đã khám, phát thuốc cho 789 lượt đối tượng; điều trị tại trạm xá đơn vị 35 đối tượng; chuyển tuyến trên khám 26 ca bệnh và nhập viện điều trị 10 ca; mua mới 160 thẻ bảo hiểm y tế.
Trước khi đến gặp các cụ, một cán bộ của trung tâm đã mách nhỏ: “Các cụ không muốn nói nhiều, thậm chí giấu giếm về chuyện đời tư. Cũng bởi để được vào đây, nhiều cụ khai “gian” là không còn con cháu, người thân thích”. Và trong những buổi trò chuyện cùng tôi, hầu hết các cụ đều không hề có ý oán trách, giận hờn con cháu, chỉ tủi phận mình không may mắn. Ông Nhân nói, ông nhớ nhất là anh con rể bởi anh là người thường xuyên lên thăm ông tại trung tâm. Những người con ruột của ông thì đã nhiều năm nay chưa có một lời hỏi đến. Và ông nén tiếng thở dài: Cái sự đời nhiều khi lại trớ trêu vậy đó. Còn cụ Én thì không đêm nào không khóc vì nhớ con, nhớ cháu nhưng bảo về thăm, bà lại chặc lưỡi: “Tiền đâu mà về, về lại ăn bám nó, làm khổ nó. Nó cũng phải lo làm ăn, thời gian đâu mà lên thăm”. Cùng phòng với cụ Nhân có người bạn “tâm giao” là ông Nguyễn Thành Sanh (59 tuổi). Hai người thường trò chuyện, ăn cơm, đi dạo cùng nhau. Tình bạn già ngày càng khắng khít. Những đêm trái gió trở trời, đau nhức khắp mình mẩy, họ lại đấm bóp, an ủi, động viên nhau.

Trong 31 cán bộ, nhân viên tại trung tâm thì có 4 người là trực tiếp chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho các cụ. Cụ Nhân bảo: “Các cô ấy còn hơn con gái tôi ấy chứ, như cô Huệ, cô Lai, cô Lành... Nhiều lúc nghĩ lại thấy mà thương”. Sáng nào cũng vậy, các chị đều lau chùi chỗ các cụ nằm thật sạch sẽ, dọn dẹp mùng mền, giặt giũ quần áo rồi nấu những món ăn vừa miệng các cụ. Mỗi khẩu phần ăn cũng thật khác nhau, có cụ thích ăn mặn, cụ lại thích ăn lạt. Món ăn được thay đổi thường xuyên, phù hợp với sức khỏe của các cụ. Gắn bó với trung tâm đã nhiều năm, chị Phùng Thị Huệ - một nhân viên ở đây - chia sẻ: “Cuộc đời của các cụ đã chịu nhiều bất hạnh. Chúng tôi xem các cụ như cha mẹ mình, chỉ mong góp chút sức nhỏ bé đem lại niềm vui cho các cụ khi tuổi già”.
 
Chị Huệ cười cho biết, còn phải học cách “tránh” mỗi lúc các cụ lên cơn (nhiều cụ bị tâm thần) và những chuyện bị đánh, chửi là chuyện cơm bữa. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Bi, Phó Giám đốc trung tâm không giấu sự trăn trở: “Hiện nay, mức trợ cấp cho các cụ và các em được 360 ngàn đồng/người/tháng (riêng trẻ em dưới 14 tháng được 450 ngàn đồng/tháng) còn thấp, trong lúc giá cả tăng cao. Mức chi phí thuốc men điều trị ban đầu cho các cụ mỗi người 8 ngàn đồng/tháng, trong khi các cụ lại thường xuyên bị ốm đau”.

“Công cha ba năm tình thâm lai láng
Nghĩa mẹ đậm đà chín tháng cưu mang
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn
Biết lấy chi đền nghĩa khó khăn
Hai đứa mình lên non lấy đá xây lăng phụng thờ” (Ca  dao)

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ
;
.
.
.
.
.