.

Chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam

.
Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ, trước nguy cơ thất bại của Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã quyết định đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam. Trung tuần tháng 4-1964, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ vạch kế hoạch ném bom 94 mục tiêu ở miền Bắc. Tháng 6-1964, chấp hành mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Quốc phòng, Hải quân Việt Nam  đã chuyển toàn bộ Quân chủng vào trạng thái thời chiến.

Mô tả ảnh.
Lữ đoàn 172 huấn luyện biên đội trên biển.
 
Đêm ngày 31-7, rạng sáng ngày 1-8-1964, tàu khu trục Ma-đốc thuộc biên đội xung  kích 77, Hạm đội 7 của Mỹ đã tiến sâu vào vùng biển miền Bắc Việt Nam và gây ra nhiều tội ác đối với nhân dân ta. Với ý chí quyết đánh, dám đánh và quyết tâm trừng trị kẻ xâm lược, ngày 2-8-1964 các tàu phóng lôi 333, 336, 339 do phân đội trưởng Nguyễn Xuân Bột chỉ huy đã xuất kích. Với lực lượng nhỏ bé, bị hạn chế về tính năng, kỹ chiến thuật, lại phải chiến đấu độc lập với loại tàu khu trục lớn của Mỹ, nhưng bất chấp sự chống trả của đối phương, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng và ý chí làm chủ vùng biển của cán bộ, chiến sĩ phân đội 3 tàu phóng lôi của Hải quân Việt Nam đã anh dũng kiên cường chiến đấu, buộc tàu Ma-đốc phải tháo chạy ra khỏi hải phận miền Bắc nước ta. Đây là trận chiến đấu thể hiện ý chí “Dám đánh, quyết đánh và biết đánh” của Hải quân non trẻ lúc bấy giờ.

Đêm ngày 4-8-1964, chính quyền Mỹ đã dựng lên cái gọi là “Sự kiện vịnh Bắc bộ”, vu cáo cho Hải quân Việt Nam cố ý tiến công tàu chiến Mỹ ở vùng biển quốc tế, để lấy cớ ngày 5-8-1964 dùng lực lượng Không quân tập kích ác liệt vào lực lượng Hải quân Việt Nam. Chúng sử dụng lực lượng của biên đội tàu sân bay gồm 40 máy bay với 64 lần chiếc máy bay cất cánh, bất ngờ tấn công vào các căn cứ Hải quân từ Hòn Gai (Quảng Ninh), Sông Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội (Nghệ An) đến Lạch Trường (Thanh Hóa). Tất cả 25 tàu của Hải quân bị tấn công trên một phạm vi dài 250 hải lý bờ biển. Chúng liên tiếp tấn công 3 đợt, mỗi đợt đánh phá 2 địa điểm gần cùng một lúc, đợt nọ cách đợt kia 2 giờ, nhằm tiêu hao lực lượng tàu chiến đấu, quân cảng, kho tàng, nhiên liệu của Hải quân Việt Nam trong 1 ngày.

Trong trận đầu thử lửa, Hải quân Việt Nam đã hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội phòng không quốc gia, công an vũ trang, dân quân tự vệ và quân dân các địa phương đập tan cuộc tập kích bằng không quân của Mỹ, bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống Trung úy giặc lái An-vơ-rét (là phi công đầu tiên của Mỹ bị bắt ở miền Bắc). Cùng với thành tích đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc ngày 2-8, chiến thắng ngày 5-8 đã mở đầu trang sử chiến đấu và chiến thắng hào hùng của Hải quân Nhân dân Việt Nam, khẳng định quyết tâm và ý chí dám đánh, quyết đánh và biết đánh quân xâm lược của ta.
 
Chiến thắng ngày 2 và 5-8 năm 1964 là thắng lợi có ý nghĩa quan trọng về chính trị , có tiếng vang lớn trên thế giới của quân và dân Việt Nam. Với thắng lợi ấy, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương công trạng, được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhì, 5 Huân chương Quân công hạng ba và 142 Huân chương Chiến công các loại cho các tập thể và cá nhân đã lập thành tích xuất sắc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã biểu dương: “Tôi rất tự hào về tinh thần chiến đấu của Hải quân ta. Chiến thắng của các đồng chí có ý nghĩa to lớn lắm”. Một năm sau (ngày 5-8-1965), Bác Hồ đã gửi thư khen: “Hải quân đã anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công; bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc”.

Ngày 2 và 5-8-1964, mãi mãi trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam và của quân, dân miền Bắc, là bài học quý báu trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong giai đoạn hiện nay.

TUYÊN HUẤN
;
.
.
.
.
.