.

Cho ngư dân yên tâm bám biển sản xuất

.
Những năm  qua, thực hiện chủ trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế biển của Nhà nước và địa phương, số tàu thuyền từ các tỉnh đến Đà Nẵng đánh bắt hải sản ngày càng tăng, từ đó đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự và các tệ nạn khác. Đặc biệt, thời gian qua tàu thuyền nước ngoài thường xuyên xâm phạm vùng biển của ta để khai thác trộm hải sản, có vụ chúng còn uy hiếp đe dọa, lục soát ngư dân ta để cướp tài sản, gây tâm lý hoang mang trong ngư dân.

Mô tả ảnh.
Bộ đội Biên phòng luôn là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân khi hành nghề trên biển.
Từ thực tế đó, để ổn định tình hình, Bộ Chỉ huy Biên phòng thành phố đã xây dựng đề án phần mềm quản lý tàu cá nhằm tăng cường quản lý các hoạt động nghề cá trên địa bàn thành phố, xây dựng kế hoạch quản lý hoạt động của các phương tiện thủy. Các cấp, các ngành đã thống nhất chủ trương, phối hợp chỉ đạo thực hiện, UBND các phường ven biển cùng với đồn Biên phòng tổ chức hội nghị triển khai đến các ban, ngành, đoàn thể địa phương, các chủ tàu, thuyền trưởng; đồng thời điều tra, khảo sát phân loại ngành nghề, công suất máy, bến đậu của các loại phương tiện.
 
Các Đồn Biên phòng và chính quyền địa phương tiếp tục củng cố và duy trì các đội tàu thuyền an toàn, cung cấp mọi tình hình xảy ra trên biển, sẵn sàng tham gia cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai và các tình huống khác khi cần thiết, phổ biến cho các thuyền viên hiểu rõ và cùng có trách nhiệm thực hiện. Đến nay các Đồn Biên phòng phối hợp cùng với UBND các phường ven biển đã tham mưu hướng dẫn cho bà con ngư dân thành lập được trên 100 tổ tàu thuyền đánh bắt trên biển, hoạt động có nền nếp và đạt hiệu quả cao.

Đại tá Nguyễn Quốc Bình, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng thành phố cho biết: Để duy trì hoạt động của các đội tàu thuyền an toàn, hằng năm Bộ đội Biên phòng tổ chức huấn luyện dân quân biển, nghiệp vụ cần thiết cho thuyền viên, tuyên truyền giáo dục họ về ý thức giữ gìn chủ quyền, tài sản quốc gia, bảo đảm phương tiện an toàn khi ra khơi làm ăn trên biển. Để kịp thời xử lý các tình huống đột xuất xảy ra, các Đồn Biên phòng tổ chức cho thuyền trưởng đăng ký máy thông tin liên lạc, quy ước tần số, giờ liên lạc với đồn; nắm chắc quy định tín hiệu khi có bão xa, bão gần, bão khẩn cấp, các hoạt động trấn cướp và cách phòng chống.
 
Các phương tiện ở ngoài tỉnh thường xuyên hoạt động trên vùng biển Đà Nẵng cũng được các Đồn Biên phòng tổ chức đăng ký và quy định về trách nhiệm tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trên biển, tham gia cứu hộ cứu nạn và chấp hành các quy định tại bến đậu. Qua đó ngư dân đã kịp thời báo cho lực lượng Biên phòng và các cơ quan chức năng xử lý hàng trăm vụ tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Đặc biệt thời gian gần đây nhiều tàu cá của Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu hải sản và phạt tiền rất nặng, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, hướng dẫn cho các chủ phương tiện và thuyền viên về các quy định của Nhà nước liên quan đến việc làm ăn của họ trên biển như: Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc, quy định về đường cơ sở, lãnh hải, thềm lục địa... để bà con nắm bắt, tránh hoạt động ở những vùng biển nguy hiểm, hạn chế tổn thất về tài sản, yên tâm bám biển sản xuất.

Bài và  ảnh: Bá Vĩnh
;
.
.
.
.
.