.

Chuẩn bị diễn tập ứng phó sóng thần tại Đà Nẵng

.

(ĐNĐT) - Ngày 25-8, Thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Ủy viên Thường trực, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN), Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) đã buổi làm việc với lãnh đạo Quân khu 5 và UBND TP Đà Nẵng về việc chuẩn bị cho cuộc diễn tập thí điểm cấp quốc gia về ứng phó sóng thần sắp tổ chức tại Đà Nẵng.

Mô tả ảnh.
Phương án thực binh của cuộc diễn tập ứng phó sóng thần

Mở đầu buổi làm việc, ông thông báo ngay về trận động đất vừa xảy ra rạng sáng cùng ngày trên biển Đông, cách bờ biển Phú Yên khoảng 300km. Trận động đất này tương đối mạnh (5,1 độ Richter) nhưng do chấn tiêu nằm sâu (khoảng 250km) và chấn tâm nằm xa nên không có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng tới bờ biển Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là hồi chuông cảnh báo bởi theo dự báo của các nhà khoa học thì dọc tuyến sông Ba từ Phú Yên lên Gia Lai là khu vực dễ có khả năng xảy ra động đất.

Từ đó Thiếu tướng Phạm Hoài Giang nhấn mạnh: “Cách đây 10 năm, các nhà khoa học trên thế giới còn tranh cãi quyết liệt về việc thế giới có nóng lên không, nhưng bây giờ thì rõ rồi. Tương tự, cách đây 2 – 3 năm còn thấy chuyện biến đổi khí hậu, nước biển dâng khá xa vời nhưng bây giờ đến từng nhà rồi. Nghĩa là chúng ta phải chuẩn bị đối mặt với những hiện tượng rất cực đoan của thời tiết”.

Theo tính toán của các nhà khoa học, tại đới đứt gãy Manila (Philippines) thường xuyên xảy ra động đất, nếu lên tới 8 độ Richter sẽ tạo ra sóng thần mà bờ biển miền Trung Việt Nam là một trong những nơi có nguy cơ cao phải chịu những trận sóng thần này đổ ập vào. Do vậy, Chính phủ hết sức quan tâm đến cuộc diễn tập ứng phó sắp tới ở Đà Nẵng nhằm chuẩn bị đối phó một cách có hiệu quả nhất, giảm thiếu thiệt hại nếu có tình huống xấu xảy ra. Trực tiếp Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ vào dự và chỉ đạo cuộc diễn tập.

Theo kịch bản, lúc 8g35 sáng 7-10 xảy ra động đất 8,8 độ richter ở phía Tây đảo Luzon (Philippines), gây ra sóng thần trên biển Đông. Sau 2,5 – 3 giờ, sóng thần ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển Đà Nẵng với độ cao sóng khoảng 6m. Phải sơ tán khẩn cấp 27.230 hộ/133.529 nhân khẩu ở 20 phường của năm quận ven biển; trong đó có 26.346 trẻ em và 11.190 người già. Ngoài ra còn có trên 6.500 khách du lịch trong và ngoài nước đang ở khu vực ven biển; 75 tàu thuyền với hơn 900 lao động hoạt động trên biển; một số khu dân cư ven biển chưa được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiều công trình ven biển chưa hoàn thành… Các lực lượng công an, biên phòng, không quân, hải quân, cảnh sát biển, thông tin… đều được huy động tham gia cuộc diễn tập.

Mục đích chính của cuộc diễn tập là kiểm tra hệ thống cảnh báo, thông tin về sóng thần của Việt Nam, nhất là hoạt động của 10 trạm trực canh, cảnh báo sóng thần vừa được lắp đặt thí điểm ở Đà Nẵng để chuẩn bị triển khai ở các địa phương ven biển. Nâng cao khả năng chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và các ngành, lực lượng đối với tình huống xảy ra. Nâng cao nhận thức khi thiên tai xảy ra việc bảo toàn tính mạng, tài sản là nhiệm vụ của cả cả cộng đồng chứ không chỉ của chính quyền. Nghiên cứu rút ra những chỉ số về thời gian huy động lực lượng, sơ tán dân, trang thiết bị có phù hợp, hệ thống thông tin cảnh báo có bảo đảm… để tiếp tục đầu tư, trang bị.

“Yêu cầu cao nhất của cuộc diễn tập là phải sát thực tế. Đây không phải diễn tập tác chiến mà là diễn tập phòng chống thiên tai nên nguy cơ như thế nào phải diễn tập đúng như thế, để khi xảy ra thì có đủ kinh nghiệm, kỹ năng ứng phó. Đồng thời phải có cơ sở khoa học để nội dung diễn tập có tính thuyết phục”, Thiếu tướng Phạm Hoài Giang nói.

Theo Thiếu tướng Phạm Hoài Giang, cuộc diễn tập ở Đà Nẵng sắp tới sẽ giúp các bộ ngành, địa phương rút kinh nghiệm để xây dựng lại kế hoạch ứng phó động đất, sóng thần theo chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia TKCN. Đồng thời rút kinh nghiệm cho việc tổ chức diễn tập ở địa phương mình. Ông cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định sau cuộc diễn tập đầu tiên tại Đà Nẵng về ứng phó sóng thần, năm 2012 tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức diễn tập ứng phó hoá chất độc xạ và Cà Mau diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu.

Việt Ân

;
.
.
.
.
.