Việc cấp thẻ BHYT miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những mầm non tương lai. Tuy nhiên, nhiều trẻ em tại Đà Nẵng vẫn chưa được cấp thẻ và không ít phụ huynh lại thờ ơ với cái thẻ vì muôn vàn lý do...
Thẻ BHYT rất cần cho trẻ em dưới 6 tuổi khi khám chữa bệnh. (Ảnh chụp tại Trung tâm Phụ sản-Nhi Đà Nẵng). |
Còn 2 ngàn trẻ em dưới 6 tuổi chưa có thẻ?
Dù cu Kin đã hơn 2,5 tuổi nhưng chị Nguyễn Hoàng Quỳnh Chi (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) vẫn chưa thể đưa con đi khám bệnh bằng thẻ BHYT, với lý do “vì ông tổ trưởng quên đưa vào danh sách”. “Chờ mãi không thấy có thẻ, mình cũng nản, sau đó vì bận công việc quá nên quên luôn, đành đưa con đi khám ngoài. Khám ngoài tốn kém lắm, cũng chỉ là giải pháp tạm thời”, chị Chi cho biết.
Theo thống kê chưa đầy đủ từ Phòng thu của BHXH Đà Nẵng, đến tháng 8-2011, toàn thành phố có khoảng 104 ngàn trẻ em dưới 6 tuổi, trong đó có gần 102 ngàn trẻ em đã được cấp thẻ BHYT. Như vậy, còn khoảng 2 ngàn trẻ em dưới 6 tuổi ở Đà Nẵng vẫn chưa được cấp thẻ bảo hiểm? Số thẻ chưa được cấp là do cán bộ cơ sở chưa thống kê đầy đủ, đặc biệt là số trẻ em từ nơi khác mới đến. Một nguyên nhân khác do quy định của Thông tư liên Bộ số 09 cho phép trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh bằng giấy khai sinh, giấy chứng sinh, thẻ khám bệnh miễn phí hoặc xác nhận của cơ sở y tế mà không có thời hạn trẻ đến độ tuổi nào thì chấm dứt quy định này. Vì vậy, nhiều bậc cha mẹ không vội xin cấp thẻ BHYT cho con. Hoặc có phụ huynh dù có thẻ nhưng để rách nát, làm mất nên cũng không thể khám chữa bệnh cho con bằng thẻ BHYT.
UBND thành phố Đà Nẵng vừa có Công văn số 5348/UBND-VX yêu cầu các ngành tăng cường thực hiện BHYT với trẻ em dưới 6 tuổi. Cụ thể, yêu cầu Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn, kiểm tra việc lập danh sách trẻ em dưới 6 tuổi và phối hợp để bảo đảm trẻ em được cấp thẻ BHYT và hưởng mọi quyền lợi về khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu với bệnh nhân BHYT cũng như trẻ em dưới 6 tuổi; BHXH thành phố chỉ đạo hướng dẫn thực hiện đăng ký cho trẻ em ngay từ khi trẻ mới sinh ra... |
Việc quy định trẻ em dưới 6 tuổi khám chữa bệnh bằng BHYT phải đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và đúng tuyến cũng khiến nhiều phụ huynh ngại đưa con đi khám. Khoản 3, điều 7 Nghị định số 62/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT quy định “khi khám, chữa bệnh không đúng cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu hoặc khám, chữa bệnh không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định (trừ trường hợp cấp cứu) thì được BHYT thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi: 70% chi phí đối với trường hợp khám, chữa bệnh (KCB) tại cơ sở khám, chữa bệnh đạt tiêu chuẩn hạng III; 50% chi phí đối với trường hợp KCB tại cơ sở KCB đạt tiêu chuẩn hạng II và 30% chi phí đối với KCB tại cơ sở đạt tiêu chuẩn hạng I...”.
Chị Nguyễn Kiều Hạnh (quận Hải Châu) cho biết, hai con chị - một cháu 3 tuổi và một cháu 6 tuổi lại có 2 nơi đăng ký khám chữa bệnh là Trung tâm Y tế quận Hải Châu và Trung tâm Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. “Do Trung tâm Phụ sản-Nhi ở xa nhà, nên mỗi khi bé ốm tôi toàn đưa bé đi khám cơ sở tư nhân ở gần nhà. Nói là được thanh toán vậy chứ thực ra xin giấy tờ rất mất thời gian, nên toàn nộp tiền cho xong”, chị Hạnh cho biết.
Không mặn mà
Chị Phạm Thị Hoa (quận Hải Châu) thường hay đưa con đi khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, rất ít khi chị dùng tới thẻ BHYT. Chị bảo: “Mình cũng đã vài lần đưa con đi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT ở bệnh viện công. Ngồi chờ khá lâu mới đến lượt, gặp được bác sĩ rồi thì không dám hỏi về bệnh tật con mình vì trông mặt nặng còn hơn đeo đá. Khám qua loa vài ba phút rồi được cấp cho vài viên thuốc, uống không hết bệnh”. Thế là từ đó trở đi chị toàn đưa bé đi khám tư vừa nhanh, được phục vụ tận tình và thuốc tốt, nhanh khỏi bệnh, nhưng, giá cả thì không hề “mềm” chút nào. Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, khám bằng thẻ BHYT, các bác sĩ phải rất cân nhắc về phương pháp điều trị, xem loại thuốc đó có nằm trong danh mục BHYT chi trả hay không. Nếu ngoài danh mục, bác sĩ phải bàn bạc với phụ huynh để thông báo cùng chi trả, bởi khung giá chi trả của BHYT hiện nay khác với thực chi.
Bởi vậy, bên cạnh việc phát hành thẻ BHYT, cũng cần chú ý nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ và nhiều ý kiến cho rằng với trẻ dưới 6 tuổi, thì không nên quy định đúng tuyến để các em được hưởng một cách tốt nhất các quyền lợi của mình.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ