.
Bí thư Quận ủy đối thoại với người nhặt rác:

Để không còn người sống bằng nghề nhặt rác

.

(ĐNĐT) - Đà Nẵng đang trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, một thành phố đáng sống. Thế nhưng vẫn còn những con người phải mưu sinh nhờ bãi rác, nhặt rác không có trang bị bảo hộ lao động, ăn uống ngay cả trên bãi rác ô nhiễm, hôi thối, đầy ắp ruồi nhặng. Chứng kiến cảnh ấy, là lãnh đạo quận, tôi thấy mình có lỗi.

tam4.jpg
Một người nhặt rác phát biểu tại buổi đối thoại

 

Lời tâm huyết của ông Bí thư Quận ủy Liên Chiểu làm cho không khí buổi đối thoại giữa lãnh đạo quận với 294 bà con làm nghề nhặt rác ở bãi rác Khánh Sơn chiều ngày 15-10 có phút chùng xuống.

Không nhặt rác thì biết làm gì

Nhiều bà con lúc này mới nhìn kỹ và nhận ra ông Phan Văn Tâm, Bí thư Quận ủy, chính là người chỉ cách đây ít hôm đã lặng lẽ một mình vào bãi rác xem bà con làm việc, sinh hoạt ngay trên bãi rác. Ông Tâm nói, nhìn bà con nhặt rác trong môi trường cực kỳ ô nhiễm mà không có một phương tiện bảo hộ nào, chỉ lỡ giẫm mẻ chai, cây đinh nhọn là bị nhiễm trùng uốn ván ngay, mà chuyện này đâu phải chưa từng xảy ra.
 

Chui vào một cái chòi che tạm ngay bên bãi rác, ông Bí thư Quận ủy chứng kiến một nhóm người đang ăn trưa một cách ngon lành giữa tiếng ruồi vo ve. Hỏi sao có thể ăn được ngay bên bãi rác vậy, họ trả lời đói, mệt với lại ngày nào cũng ngửi mùi rác, riết rồi cũng quen và tới bữa thì ăn thôi. Không ăn ở trong chòi thì còn chỗ nào ăn cho sạch hơn đâu.

Trong số người nhặt rác ấy có cả những thanh thiếu niên. Cảnh tượng ấy khiến ông Bí thư Quận ủy không khỏi chạnh lòng. Đó là lý do ông tổ chức buổi đối thoại với bà con sinh sống trên địa bàn quận, đại đa số tập trung ở phường Hòa Khánh Nam đang làm nghề nhặt rác.

Cuối tháng 12-2008, thành phố đã công bố đóng cửa bãi rác Khánh Sơn bắt đầu từ ngày 1-1-2009 và có chính sách hỗ trợ để bà con nhặt rác chuyển đổi ngành nghề. Thế nhưng tuổi cao, không nghề nghiệp, trình độ không có, thiếu vốn, phương tiện làm ăn…làm cho bà con loay hoay không biết chuyển nghề gì. Để lo cái ăn, cái mặc hàng ngày bà con đã quay trở lại nhặt rác.

Bà Hoàng Thị Hoa (tổ 4), 70 tuổi có hơn 20 năm nhặt rác, nói: Trước thì lên núi có củi, xuống ruộng có lúa. Nay không còn củi còn lúa nữa, tuổi cao, nghề nghiệp lại không có, không đi nhặt rác thì không biết làm gì để nuôi mình, nuôi con.

Sẽ có lộ trình đưa bà con thoát ly nghề nhặt rác

Qua đối thoại, nhiều bà con rất ý thức về công việc độc hại mình đang làm. Nhiều hộ nhặt rác cố gắng cho con đi học và học đại học, cao đẳng để con không phải tiếp nối mưu sinh bằng nghề nhặt rác như mình như hộ các chị: Huỳnh Thị Sở (tổ 5), Nguyễn Thị Nhung (tổ 12), Võ Thị Thân (tổ 14), Hồ Thị Mỹ Hạnh (tổ 13), Huỳnh Thị Út (tổ 7)…

tam3.jpg
Tại buổi đối thoại, ông Phan Văn Tâm trao tặng mỗi bà con nhặt rác một bộ đồ bảo hộ lao động, ủng cao su, khẩu trang, găng tay cao su và găng tay vải dùng trong hai mùa mưa, nắng và phần quà 100.000 đồng. Sắp tới ông sẽ tiếp tục vận động các tổ chức hảo tâm tặng áo mưa cho bà con nhặt rác.

Các hộ đều bày tỏ nguyện vọng được chính quyền quan tâm hỗ trợ để con em họ duy trì việc học và giới thiệu việc làm khi ra trường. Nhiều bà con khác có nguyện vọng được hỗ trợ mua bảo hiểm ý tế. Chị Nguyễn Thị Trang (tổ 7) nhờ chính quyền giúp giới thiệu cho em trai của đi làm công nhân môi trường đô thị. Biết là làm công nhân lương ít hơn so với nhặt rác nhưng lâu dài hơn, ít độc hại hơn.

Lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con, ông Phan Văn Tâm khen ngợi những hộ nhặt rác nhưng có quyết tâm nuôi con ăn học để thoát ly khỏi nghề nhặt rác sau này. Ông nói, thành phố và quận Liên Chiểu sẽ có lộ trình đóng cửa bãi rác khi hoàn thành dây chuyền công nghệ xử lý rác, đồng thời có lộ trình đưa các hộ thoát ly nghề nhặt rác.

Ông Tâm công bố ngay cho bà con biết: Tất cả những hộ nhặt rác có lao động trẻ, có con tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trường nghề chưa có việc làm nộp đơn tại UBND phường sẽ được hỗ trợ giới thiệu việc làm. Ban Thường vụ Quận ủy Liên Chiểu sẽ họp bàn đưa ra chủ trương miễn toàn bộ học phí cho con em các hộ nhặt rác sinh sống trên địa bàn đang đi học. Để đảm bảo sức khỏe cho bà con, quận sẽ tổ chức khám bệnh cho tất cả lao động nhặt rác trong năm nay và sẽ hỗ trợ mua bảo hiểm y tế năm 2012 cho lao động trực tiếp tại bãi rác. Quận sẽ cho xây dựng một nhà ăn gần bên ngoài bãi rác làm nơi nghỉ trưa và ăn uống cho bà con nhặt rác.

Ông Tâm hứa sẽ đến thăm từng nhà trong tổng số 294 hộ dân nhặt rác để tìm hiểu hoàn cảnh và chỉ đạo chính quyền có hỗ trợ cụ thể với từng trường hợp.

Ông Nguyễn Lan (tổ 2 ) nói với chúng tôi: “Bí thư Quận ủy đến nhà người nhặt rác lần đầu tiên mới có. Gia đình tôi mong đợi chuyến thăm này nhưng trước mắt tôi về thông báo cho 2 đứa con của mình biết: Các con sẽ được miễn học phí, lo học thật tốt đừng tiếp nối nghề nhặt rác của ba".

Bài và ảnh: Đoàn Sơn

 

;
.
.
.
.
.