.

Góp ý sửa đổi Luật Lao động, Luật Giáo dục đại học

.
Sáng 13-10, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Luật Lao động.

Mô tả ảnh.
Tại buổi góp ý sửa đổi Luật Lao động. Ảnh: S.T
 
Các ý kiến góp ý đều đồng tình quan điểm cần phải sửa đổi Luật Lao động sau 15 năm thực hiện để theo kịp với thực tiễn phát sinh và phù hợp với cơ chế thị trường. Quan điểm sửa đổi nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người lao động và của người sử dụng lao động. Dự thảo lần này có nhiều ưu điểm tiến bộ hơn nhiều so với luật hiện hành.
 
Tuy nhiên dự thảo vẫn còn đến 33 điều giao cho Chính phủ quy định, hướng dẫn. Như vậy vẫn chưa tránh được tình trạng luật chờ nghị định, thông tư rồi mới áp dụng được. Các ý kiến đề nghị nên đưa vào luật quy định bắt buộc giữa người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) phải có thỏa ước lao động tập thể ngành, còn nội dung là do hai bên tự thương lượng. Cần quy định những ngành nghề không được phép cho thuê lại lao động và NLĐ phải được biết thông tin về nơi mình sẽ làm việc. Các ý kiến đều đồng tình xu hướng kinh tế ngày càng phát triển thì không tăng thời gian làm thêm lên 360 giờ/năm như dự thảo. Nên hạ thấp xuống 250 giờ hoặc giữ nguyên mức cũ, làm thêm không quá 300 giờ/năm.
 
Đề nghị lao động nữ được nghỉ thai sản 6 tháng. Đối với vấn đề giải quyết tranh chấp lao động, các ý kiến đề nghị cần trao cho Hội đồng trọng tài cả quyền hòa giải và quyền phán quyết. Các quy định về quy trình thực hiện đình công và việc giải quyết đình công cần sửa đổi theo hướng đơn giản, dễ thực hiện bởi theo các quy định hiện tại thì không có cuộc đình công nào là hợp pháp. Trong dự thảo quy định việc người sử dụng lao động giúp việc nhà phải đóng bảo hiểm xã hội và tạo điều kiện cho người giúp việc học văn hóa là không khả thi do nhu cầu lao động này mang tính thời vụ. Dự thảo sửa đổi luật chưa định nghĩa rõ thế nào là lao động có chuyên môn kỹ thuật cao, thế nào là hành vi quấy rối tình dục đối với NLĐ.

* Chiều cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH). Các ý kiến góp ý đánh giá: Dù đã qua 5 lần dự thảo nhưng dự thảo Luật GDĐH vẫn còn sơ sài, chung chung, chắp vá, lắp ghép từ các văn bản điều lệ, quy định hiện hành. Dự thảo luật còn đá nhau với Luật Giáo dục hiện hành. Dự thảo đề cập đến vấn đề tự chủ của các cơ sở GDĐH nhưng vẫn còn những quy định mang nặng tính xin-cho như việc mở ngành đào tạo. Dự thảo quy định Bộ Giáo dục-Đào tạo biên soạn giáo trình sử dụng chung cho các cơ sở GDĐH là không khả thi. Có quy định về kiểm định chất lượng nhưng lại không có quy định chu kỳ kiểm định lại là bao lâu. Dự thảo quy định xã hội hóa giáo dục nhưng lại cấm vì mục đích lợi nhuận, trong khi đó các cơ GDĐH ngoài công lập thu được tiền vẫn phải đóng thuế là mâu thuẫn. Như vậy nhà đầu tư cho các cơ sở GDĐH ngoài công lập gọi là nhà làm công tác xã hội (?).

Cần có một chương riêng quy định rõ ràng về đại học quốc gia, đại học vùng, chức năng của đại học quốc gia, đại học vùng và trường thành viên.

S.T
;
.
.
.
.
.