Đời chị sợ nhất đi buôn, nhưng rồi cuối cùng lại “bị” làm giám đốc kinh doanh. Từ một người nhìn vào bảng báo cáo tài chính mà cứ ngỡ các con số như đang nhảy múa lung tung phèo, chị trở thành nữ doanh nhân thành đạt của thành phố Đà Nẵng được nhận Cúp Bông hồng vàng năm 2010.
Tưởng phụ nữ mỏng manh, yếu đuối, nhưng trong họ luôn tiềm ẩn sự mạnh mẽ đến bất ngờ như những đóa hồng... có gai.
Ngoài 50 tuổi, chị Kim Liên trở thành “cô nữ sinh” chăm chỉ nhất các lớp học về kinh doanh. TRONG ẢNH: Chị Nguyễn Thị Kim Liên trong buổi lễ tốt nghiệp chương trình Highmark II, năm 2007. |
50 tuổi vẫn cắp sách đi học “vỡ lòng”
“Lên chức” được khoảng 6 năm, chị Nguyễn Thị Kim Liên (1955), Giám đốc Công ty TNHH KDTH Ân Điển (kinh doanh hàng nhập khẩu săm lốp ô-tô, mâm xe, bình điện, thiết bị văn phòng...) đã lận lưng một thành tích kha khá. Ngoài Cúp Bông hồng vàng 2010, chị còn nhận nhiều bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBND thành phố Đà Nẵng về những đóng góp kinh tế cho địa phương, đất nước và cộng đồng xã hội. Ngay cả bản thân chị cũng không ngờ cuộc đời mình lại có một lối rẽ như vậy.
Chị Kim Liên luôn tự nhận mình là người phụ nữ an phận. “Ông xã làm kinh doanh, nhưng trước đây khi đụng tới thương trường là tôi... né. Tôi sợ sự cạnh tranh, hơn thua và cả những rủi may, nên có một chân biên chế tại Cảng Đà Nẵng đối với tôi đã là đủ. Với công việc của chồng, tôi chỉ là người chạy vặt như mang tiền chuyển chỗ này, nhập chỗ nọ, vậy thôi. Còn lại những chuyện khác liên quan đến mua bán, tôi nghe cũng bằng... thừa”, chị Liên nhớ lại. Nhưng dường như sự cố tránh của con người cũng khó vượt qua định mệnh, khi năm 2003, chồng chị qua đời vì căn bệnh ung thư. Chị tâm sự: “Sau sự hụt hẫng ấy, tôi nằm viện 3 tháng trời vì sốc nặng. Con cái không yên tâm học hành, công ty của chồng bị ngân hàng réo trả nợ liên tục. Trước tình cảnh đó, tôi tự nhủ không còn cách nào khác ngoài việc phải tự mình đứng dậy”.
Bởi trước đây chị không hề muốn biết mà cũng không có nhu cầu học hỏi bất kỳ điều gì từ việc làm ăn nên khi bước vào thương trường, chị trở thành kẻ “trắng tay”. Để khỏa lấp khoảng trống ấy, chị đi học kinh doanh ở tuổi ngoài 50. Ở đâu có lớp dạy ngắn ngày về kinh doanh là chị lập tức tham gia, kể cả những buổi nói chuyện của các diễn giả về thành công và kỹ năng sống. Chị còn bỏ hẳn 2 năm trời theo học chương trình Highmark II do các doanh nhân và giảng viên tại Mỹ giảng dạy ở Đại học Đà Nẵng. Khách hàng bỏ bê vì liên lạc qua điện thoại với chủ doanh nghiệp lúc nào cũng nghe ò í e. Chị phải tìm từng người giải thích về sự cố vắng mặt do bận đi học. Có người một mực giận dỗi, ngược lại có người quý ý chí của chị mà trở nên gắn bó lâu dài. Chị còn đam mê tham gia các hội đoàn thể, bởi ở đó đã cho chị những bài học “ngoài giáo trình” cực kỳ quý giá.
Người phụ nữ cô đơn trên thương trường
Từ chỗ chỉ hoạt động tại khu vực miền Trung, giờ đây, Công ty Ân Điển đã vươn tầm ra cả nước. Số lượng nhân viên hiện có 18 người, thu nhập từ 2,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng/người/tháng. Là một phụ nữ, chị thấy so với những lãnh đạo là nam giới, bản thân mình không thể bì về sức khỏe và quỹ thời gian chuyên tâm cho công việc. Ngược lại, phụ nữ có sự kiên nhẫn và mềm dẻo với đối tác nên hiệu quả cũng bù đắp cho nhau. Nhưng dù gì, từ sâu thẳm, chị vẫn là người đàn bà cô đơn trên thương trường bởi không còn bạn đời bên cạnh kề vai sát cánh qua những sóng gió.
Các con cũng mỗi đứa một phương với những ước vọng riêng. Thế nên, trong những khoảnh khắc chơi vơi của lòng mình, chị hướng sự quan tâm đến những người bất hạnh để cùng san sẻ. Chị luôn thầm nhủ rằng, giúp người thì hãy cho họ một cơ hội. “Trong hồ sơ xin việc mà chỉ cần có dòng chữ: “mồ côi cha mẹ” thì coi như cơ bản đã đạt 60% rồi”, chị nói về cách tuyển nhân sự. Những nhân viên là người khuyết tật đang làm tại công ty, chị bố trí công việc phù hợp và coi họ như người thân ruột rà. Với các hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng, chị Liên thường tặng vốn làm ăn, phương tiện sinh kế như một cách “cho cần câu”.
56 tuổi, chị Nguyễn Thị Kim Liên vẫn miệt mài “chiến đấu” trên thương trường với những chuyến ngược xuôi Nam, Bắc và ra nước ngoài liên tục. Với chị lúc này, làm việc không còn là kiểu lỡ “nhảy lên lưng cọp” như ngày đầu tiên nữa, mà đó đã là nguồn vui, là cơ hội cho chính chị được chia sẻ với nhiều người khác. “Thương người mà không có tiền thì cũng chịu”, chị thật thà tâm sự.
Bài và ảnh: TOÀN VÂN