Ở làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) tồn tại 6 giếng vuông cổ, trong đó 4 cái hình thù còn nguyên vẹn và hằng ngày người dân vẫn lấy nước sinh hoạt.
Giếng Lăng - một trong 4 giếng cổ ở làng Nam Ô hiện vẫn còn nguyên vẹn. |
Những bậc cao niên ở làng Nam Ô cho biết, kết cấu của những giếng vuông khá độc đáo, kỳ bí. Song, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu chính xác về việc những giếng này do người Việt hay người Chăm xây dựng.
Kết cấu xây dựng độc đáo
Theo ông Đặng Phương Trứ (trú làng Nam Ô), trước đây, ở làng này có 6 giếng cổ hình vuông được tiền nhân tạo lập, phân bố đều khắp theo 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc, khoảng cách mỗi giếng từ 200 - 300 mét. Hiện 4 cái vẫn nguyên vẹn, bao gồm: giếng Đình, giếng Thành Cung, giếng Cồn Trò và giếng Lăng.
Cả 4 giếng trên đều hình vuông, được ghép bằng những tấm đá xanh bề dày 0,10 mét, ngang 1 mét và cao 0,6 mét. Cứ bốn tấm đá như thế, người xưa ghép thành một ô vuông, mỗi cạnh một mét ăn trong khớp rãnh được tạo sẵn. Từ đáy giếng, từng ô vuông đặt chồng lên nhau trong khe âm dương lên tới thành giếng. Mỗi giếng có từ 12-14 lớp ô vuông đá tảng.
Bốn lớp trên cùng khép vào khe của 4 trụ đá vuông 0,20 x 0,20 mét, gọi là trụ giếng. Trên mỗi đầu trụ giếng khắc sâu chạy viền thành cổ trụ. Trên thành giếng là 4 thanh đá khác dài một mét đặt nằm ngang, 2 đầu thanh đá ăn vào mộng (đuôi cá) đục sẵn trên vai trụ giếng. Đáy thành giếng có khe áp vào đầu tấm đá dưới nền thành giếng với kết cấu chắc chắn, bền vững.
Những người cao tuổi ở phường Hòa Hiệp Nam kể: Để làm kiểu giếng đá vuông, các tiền nhân phải lấy đá xanh từ núi Trường Định (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), cách làng Nam Ô gần 10km, đem về chế tác thành từng tảng vuông vức. Để giếng có mạch nước tốt, không bị khô cạn trong những ngày nắng nóng kéo dài, người xưa đã mời các bậc thâm nho trong vùng và thầy địa lý để tìm, chọn nơi tụ thủy. Sau đó, tạo một khoảng đất rộng xung quanh chỗ đánh dấu, đào xuống cho đến khi gặp mạch nước, rồi dùng các biện pháp thủ công để thử có phèn đọng hay không. Nếu gặp mạch nước xấu thì tìm chỗ khác, tốt thì tiến hành xếp từng phiến đá thành ô vuông xây dựng giếng.
Sau khi giếng được xây dựng, có mạch nước tốt, mọi người reo hò hoan hỷ. Hầu hết những người cao tuổi ở làng Nam Ô đều nghĩ rằng, các giếng cổ hình vuông hiện diện nơi đây do người Chăm xây dựng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu khoa học làm sáng tỏ vấn đề này.
Cần nghiên cứu, bảo tồn
Là người chuyên sưu tầm, nghiên cứu lịch sử, văn hóa địa phương, ông Đặng Phương Trứ lo lắng bởi tốc độ đô thị hóa trên địa bàn phường Hòa Hiệp Nam những năm qua diễn ra khá mạnh mẽ. Trong số 6 giếng vuông cổ ở làng Nam Ô có 2 giếng đã bị lấp khi mở Quốc lộ 1A qua đây. Riêng 4 cái còn lại vẫn nguyên vẹn, nước giếng vẫn trong vắt, mát lạnh, ngọt lành. Nếu không có sự can thiệp kịp thời của các cơ quan chức năng, các giếng cổ hàng trăm năm tuổi vốn không chỉ kết tinh tài năng kỹ thuật của cha ông mà còn ẩn chứa những giá trị văn hóa lịch sử quý giá sẽ nhanh chóng bị các công trình xây dựng mới đè lấp.
Ông Trần Công Khuê, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Liên Chiểu, cho biết thêm: Năm 1997, sau khi phát hiện các giếng vuông cổ ở phường Hòa Hiệp Nam, Phòng Văn hóa - Thông tin quận đã phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng, Viện Khảo cổ học thành phố Hồ Chí Minh tiến hành khảo sát, nghiên cứu. Theo thông tin ban đầu, khả năng những giếng cổ này do người Chăm xây dựng, niên đại khoảng trên dưới 300 năm. Đặc biệt, mặc dù nhiều khi thời tiết khô hạn, nhưng nước trong những giếng cổ vuông này vẫn không hề cạn kiệt. Điều này cho thấy tài năng tìm nguồn tụ thủy và kỹ thuật tạo tác giếng của người xưa thật đáng khâm phục.
Do đó, trong quá trình đô thị hóa, các ban, ngành chức năng thành phố cần có giải pháp gìn giữ công trình kiến trúc độc đáo này, đồng thời tiếp tục nghiên cứu để tìm ra giá trị văn hóa, lịch sử của các công trình đã hư hỏng, xuống cấp, để sớm có các giải pháp trùng tu, bảo quản.
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN