Thực hiện “Năm An toàn giao thông 2012”, ngoài việc giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông, vấn đề bảo đảm trật tự đô thị, trật tự công cộng được đặt lên hàng đầu.
Sau Tết, nhiều tuyến đường trung tâm thành phố rất thông thoáng. |
Từ cuối năm 2011 đến nay, chính quyền các cấp, trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh sát trật tự (CSTT) - Công an thành phố Đà Nẵng, đã nỗ lực hết mình nhằm mang lại đường thông, hè thoáng cho thành phố.
Sau Tết, lòng đường, vỉa hè trên các tuyến đường nội thành cũng như một số tuyến đường lớn ngoài trung tâm thành phố Đà Nẵng trở nên thông thoáng hơn. Thượng tá Trần Minh Quang, Trưởng phòng CSTT, cho biết: Thời gian qua, Phòng CSTT đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, tình trạng đậu đỗ xe không đúng nơi quy định; kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân. Năm 2011 đã phát hiện, xử lý gần 3.000 trường hợp vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, phạt tiền gần 2 tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, lực lượng CSTT - cơ động, quy tắc đô thị các địa phương cũng đã xử lý hàng nghìn trường hợp, giải phóng nhiều điểm chợ cóc, chợ tự phát, trả lại lòng đường, vỉa hè thông thoáng.
Tuy nhiên, cán bộ, chiến sĩ Phòng CSTT quan ngại rằng, thời gian qua, một số trường hợp ô-tô vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng đã tìm mọi cách chống đối lực lượng chức năng. Một số tài xế khi vi phạm đã đóng cửa xe rồi bỏ đi nơi khác, chờ khi người thi hành công vụ đi khỏi thì quay lại điều khiển xe về. “Chúng tôi đã nhiều lần điều lực lượng đến canh giữ từ sáng đến chiều và thuê xe cẩu đến cẩu ô-tô về đơn vị xử lý nhưng hiệu quả vẫn không cao”, một lãnh đạo Phòng CSTT trăn trở.
Bên cạnh đó, trên một số tuyến đường, nhất là đường Lê Duẩn, Trần Phú (khu vực gần chợ Hàn)..., nhiều phụ nữ đẩy xe bán hàng rong gây cản trở giao thông cũng như làm mất mỹ quan đô thị. Đây là những phụ nữ nghèo trong diện được Hội Phụ nữ các cấp tạo “cần câu cơm” để mưu sinh nhưng không ít lần họ bị lực lượng chức năng xử lý rồi tái phạm. Thượng tá Trần Minh Quang nói: “Đã tạo “cần câu cơm” cho họ, thì chính quyền các cấp cần có giải pháp quy hoạch để họ có chỗ buôn bán ổn định. Nếu cứ “thả nổi”, chúng tôi xử lý thì họ xin, Hội Phụ nữ lại lên tiếng, như thế sẽ không tạo được chuyển biến trong việc thiết lập trật tự đô thị”.
Thượng tá Trần Minh Quang cũng cho biết thêm: Thời gian tới sẽ tiến hành điều tra cơ bản trên các tuyến đường trọng điểm để nắm tình hình hoạt động của các cơ sở kinh doanh có sử dụng vỉa hè, qua đó tổ chức ký cam kết không vi phạm; tiếp tục làm việc với Ban quản lý các chợ nhằm bảo đảm trật tự đô thị, trật tự công cộng ở các khu vực chợ, không để các hộ tiểu thương, buôn bán nhỏ lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, cản trở giao thông. Đồng thời, Phòng CSTT sẽ tham mưu cho Giám đốc Công an thành phố phân cấp quản lý đô thị về từng địa phương. Trong đó, Phòng CSTT có trách nhiệm quản lý các tuyến đường chính, còn lại trách nhiệm thuộc về lực lượng CSTT - cơ động ở quận, huyện và chính quyền các cấp.
Hiện nay, nhiều phường cũng rốt ráo quản lý trật tự đô thị, trật tự công cộng, điển hình như phường Hòa An, quận Cẩm Lệ. Lãnh đạo phường này cho biết, phường đã khảo sát và gặp gỡ các hộ kinh doanh buôn bán có sử dụng vỉa hè, lòng đường để họ cam kết không vi phạm. Nếu hộ nào còn vi phạm sẽ lập biên bản xử lý, tái phạm nhiều lần sẽ bị cấm kinh doanh.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ